Pakistan và Afghanistan nhất trí tăng cường thương mại

Chính phủ Pakistan và Afghanistan do Taliban lãnh đạo đã đồng ý thúc đẩy thương mại và giảm căng thẳng dọc theo biên giới giữa hai nước trong bối cảnh gia tăng các cuộc tấn công của phiến quân nhằm vào lực lượng an ninh.

Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan do Taliban bổ nhiệm Amir Khan Muttaqi (bên trái) gặp Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Asim Munir. Ảnh: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan do Taliban bổ nhiệm Amir Khan Muttaqi (bên trái) gặp Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Asim Munir. Ảnh: AP

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Pakistan hôm 8.4, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Bilawal Bhutto Zardari và Ngoại trưởng do Taliban bổ nhiệm của Afghanistan, Amir Khan Muttaqi, đã đạt được thỏa thuận nhằm cải thiện thương mại, hợp tác chống khủng bố và tăng cường quan hệ song phương.

Pakistan gần đây liên tục bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các cuộc tấn công của nhóm chiến binh Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP). Islamabad đã yêu cầu Taliban làm nhiều hơn nữa để kiềm chế nhóm này - vốn đang đẩy mạnh các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Pakistan trong những tháng gần đây.

Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan, hai Ngoại trưởng Bhutto Zardari và Muttaqi "đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề chính mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm hòa bình và an ninh, cũng như thương mại và kết nối”. Hai bên “tái khẳng định mong muốn theo đuổi sự tham vấn liên tục và thiết thực”, thông báo cho biết.

Về phần mình, Đại sứ quán Afghanistan cho biết, Ngoại trưởng Muttaqi và phái đoàn của ông đã gặp người đồng cấp Bhutto Zardari và các quan chức khác của Pakistan. “Trong cuộc họp, các vấn đề cùng quan tâm, quan hệ chính trị, kinh tế và quá cảnh giữa Afghanistan và Pakistan cũng như những thách thức đối với người tị nạn Afghanistan ở Pakistan đã được thảo luận”.

Thông cáo cho biết, ông Muttaqi cũng đã gặp Chủ huy quân đội Pakistan Munir để thảo luận về “các vấn đề cùng quan tâm bao gồm các khía cạnh liên quan đến an ninh khu vực, quản lý biên giới và chính thức hóa các cơ chế an ninh song phương giúp cải thiện môi trường an ninh hiện tại”. Hai bên sẽ tìm kiếm sự hợp tác tăng cường để “giải quyết hiệu quả những thách thức chung của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”.

Mối quan hệ giữa Pakistan và Taliban Afghanistan đã có những thăng trầm trong năm qua.

Vào tháng 2, hai bên đã đóng cửa biên giới tại Torkham, khiến người dân và xe tải chở thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu bị mắc kẹt. Sau khi một phái đoàn Pakistan đến Kabul để đàm phán về cuộc khủng hoảng, biên giới đã được mở lại sau một tuần và chuyến thăm của Ngoại trưởng Muttaqi tới Islamabad đã được lên kế hoạch.

Vai trò của Trung Quốc

Thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ một hội nghị nhỏ giữa Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan do Pakistan đăng cai tổ chức. Tại đó, ba nước nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn bất kỳ cá nhân, nhóm hoặc bên nào “sử dụng lãnh thổ của họ để gây tổn hại và đe dọa an ninh và lợi ích khu vực hoặc tiến hành các hoạt động và hành động khủng bố”. Tuyên bố cho biết cả ba bên nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan và thúc đẩy hòa bình, ổn định và tái thiết Afghanistan. Các nhà ngoại giao từ ba quốc gia đã nhất trí “tăng cường hơn nữa và mở rộng hợp tác của họ trong các lĩnh vực an ninh, phát triển và chính trị dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tham vấn bình đẳng và cùng có lợi”.

Trước đó, Ngoại trưởng Bhutto Zardari và người đồng cấp Muttaqi cũng đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, một động thái khác biệt so với những năm gần đây khi cuộc đối thoại như vậy bị đình trệ. Các nhà phân tích cho rằng, diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc cũng đã đóng một vai trò tích cực trong việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Ảrập Xêút và Iran.

Tại Pakistan, Bắc Kinh đang tài trợ cho cái gọi là Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - một gói tài trợ lớn bao gồm các dự án như xây dựng đường sá, nhà máy điện và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Gói cứu trợ này được coi là cứu cánh cho quốc gia Hồi giáo nghèo khó này, hiện đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong bối cảnh các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế bị đình trệ.

CPEC, còn được gọi là Dự án Một con đường, là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một nỗ lực toàn cầu nhằm tái tạo Con đường Tơ lụa cổ đại và liên kết Trung Quốc với mọi ngóc ngách của Châu Á.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/pakistan-va-afghanistan-nhat-tri-tang-cuong-thuong-mai-i327208/