PAN: Lũy kế 9 tháng đầu năm, ước tính lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ tăng 132%

Sáng ngày 9/9, Tập đoàn PAN (mã PAN - sàn HoSE) tổ chức Hội nghị nhà đầu tư với chủ đề 'Tiềm năng và cơ hội' tại TP. HCM.

PAN bước vào giai đoạn tăng trưởng

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết Tập đoàn đã hoàn thành tốt giai đoạn 1 là giai đoạn xây dựng nền tảng và tạo lập hệ sinh thái.

"Kể từ thời điểm này, chúng tôi sẵn sàng bước sang giai đoạn tiếp theo: giai đoạn "booming" - tăng trưởng nhanh và phát triển theo chiều sâu trên từng mảng kinh doanh cốt lõi", bà My cho biết.

Giai đoạn 2013 - 2018, PAN tập trung vào tăng trưởng mạnh và nhanh dựa vào các thương vụ M&A. Từ năm 2019, 2020 cho đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn nghiêng về đầu tư phát triển chiều sâu, mở rộng năng lực sản xuất.

Từ năm 2021 trở đi, Tập đoàn PAN có thể đạt tăng trưởng mạnh ở tất cả mảng kinh doanh chính.

9 tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận sau thuế 537 tỷ đồng, tăng 132%

Tính chung 3 quý đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.900 tỷ đồng tăng 53% so với 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ tăng 132% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng 19% trong khi năm ngoái là 16%. Trong bối cảnh chi phí đầu vào gia tăng, những con số về tăng trưởng doanh thu lợi nhuận, biên lợi nhuận là điểm sáng lưu ý.

Về cơ cấu doanh thu, doanh thu toàn tập đoàn có đến 51% từ thủy sản, 35% từ nông nghiệp, còn lại hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hạt điều, nước mắm. Mặc dù mảng nông nghiệp doanh thu chiếm thứ hai sau thủy sản nhưng cơ cấu lợi nhuận lại đóng góp 41%, trong khi đó thủy sản đóng góp 35% còn lại là hàng tiêu dùng 13% lợi nhuận.

Trụ cột cho tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của PAN thời điểm hiện tại và 2023 vẫn là nông nghiệp và thủy sản vì đây là hai mảng có nhịp đầu tư sớm hơn so với các mảng tiêu dùng. Sản phẩm tiêu dùng sẽ có nhịp tăng trưởng 1-2 năm sau.

Như vậy, với kết quả đạt được 3 quý đầu năm 2022, PAN đã hoàn thành được 70% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2022. Năm 2022, PAN đặt kế hoạch 14.300 tỷ doanh thu và 755 tỷ lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ hoàn thành này so với các năm trước tương đối cao, các năm trước thông thường chỉ hoàn thành 55-65% kế hoạch đề ra cả năm vì quý IV là cao điểm mảng nông nghiệp cũng như thủy sản, tiêu dùng.

Tiếp tục kế hoạch tăng vốn

Về phần tăng vốn, kế hoạch đặt ra từ tháng 6 nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn tất, lý giải về việc chậm trễ tăng vốn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính cho biết, hiện tại, PAN đã nộp hồ sơ và đang trong quá trình chuẩn bị gửi lại bản giải trình lần thứ 3 cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bổ sung thông tin theo yêu cầu. Câu hỏi yêu cầu giải trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ yếu về mục đích sử dụng vốn. Lần đầu tiên, bản yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán dài 15 trang, thời điểm hiện tại giải trình lần 3 số lượng câu hỏi chỉ còn 3 câu hỏi.

Hi vọng nộp lên giải trình lần này có thể chấp nhận tăng vốn, hi vọng trong 1-2 tháng tới.

Được biết, Tập đoàn PAN dự kiến phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5:2, tương ứng cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Như vậy, ước tính công ty sẽ phát hành thêm 83,56 triệu cổ phiếu mới.

Thêm nữa, Tập đoàn PAN dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu phát hành thành công 104,45 triệu cổ phiếu, công ty sẽ huy động được 1.566,71 tỷ đồng.

Trong số tiền huy động, công ty dự kiến dùng 55 tỷ đồng góp thêm vốn vào CTCP Chế biến Hàng Xuất khẩu Long An; đầu tư 421,07 tỷ đồng vào CTCP Khử Trùng Việt Nam để nâng sở hữu từ 41,98% lên 65,66% vốn điều lệ; đầu tư 210,26 tỷ đồng vào CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam để nâng sở hữu từ 65,57% lên 80,35% vốn điều lệ; đầu tư 87,19 tỷ đồng vào CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre để nâng sở hữu từ 78,33% lên 100% vốn điều lệ; đầu tư 63,98 tỷ đồng vào CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An để nâng sở hữu từ 80,52% lên 94,78% vốn điều lệ; đầu tư 42,49 tỷ đồng vào CTCP Thủy sản 584 Nha Trang để nâng sở hữu từ 73,45% lên 100% vốn điều lệ.

Thêm nữa, công ty sử dụng 400 tỷ đồng đầu tư M&A các công ty mới phù hợp trên thị trường, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị và đa dạng hóa sản phẩm; đầu tư 100 tỷ đồng vào các sản phẩm đầu tư an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường vốn; và trả nợ vay 186,7 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Như vậy, nếu thực hiện thưởng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu thành công, số lượng cổ phiếu lưu hành của công ty sẽ tăng từ 208,89 triệu cổ phiếu lên 396,9 triệu cổ phiếu.

Thực phẩm Sao Ta đặt kế hoạch tăng trưởng tới năm 2025

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) – thành viên của Tập đoàn PAN chia sẻ trong 8 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tôm thành phẩm chế biến 14.563 tấn, bằng 105,4% so với cùng kỳ; tôm thành phẩm tiêu thụ ghi nhận 13.253 tấn, bằng 113,4% so với cùng kỳ; và doanh số tiêu thụ chung đạt 161,9 triệu USD, bằng 121,8% so với cùng kỳ và đạt 70,4% kế hoạch năm.

FMC có nền tảng vững chắc, tiềm năng tới năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 là nâng cao chất lượng; giai đoạn 2016-2020 nâng cao sản lượng và giai đoạn 2021-2025 đẩy mạnh nuôi tôm, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hoạt động của công ty hướng tới minh bạch, phát triển bền vững.

Hiện tại, FMC hình thành 2 nhà chế biến mới với công suất 20.000 tấn/năm. Trong thời gian tới, công đảm bảo đảm bảo tăng trưởng sản lượng với vùng nuôi 520 ha.

“Hiện nay, cạnh tranh ngành tôm gay gắt, FMC tập trung vào sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, tất cả đều là sản phẩm chế biến sâu. Nhà máy mới mang tính chất đột phá nông sản và tôm kết hợp”, ông Lực nhấn mạnh.

Hiện tại, thị trường chủ lực của Thực phẩm Sao ta là Nhật Bản, Mỹ và Tây Âu. Theo diễn biến thị trường hàng năm, cơ cấu 3 thị trường có thay đổi, giảm thị trường Mỹ và tăng thị trường Nhật Bản. Công ty cũng chú trọng thị trường tiềm năng.

Nếu điều kiện thị trường tốt sẽ xây dựng thêm nhà máy, FMC có lợi thế là quy trình nuôi đặc thù, hiệu quả, FMC có diện tích nuôi lớn nhất. FMC năm sau sẽ nuôi đủ 520 ha, sẽ góp phần giúp tăng cạnh tranh, hạ giá thành sảm phẩm.

FMC cho biết, tính hiệu quả bán ở thị trường Mỹ không tốt, Ecuador đang có lợi thế, bán rẻ hơn sản phẩm của mình. Công ty biết né những điểm bất lợi và tranh thủ vào điểm thuận lợi. Tập trung coi trọng hiệu quả hơn doanh số. FMC có chuẩn bị cho mình tiến trình, FMC có ý thức xây dựng chiến lược. Trong 5 năm nay, Công ty đã có hỗ trợ từ PAN để xây dựng bài bản hơn.

Mặc dù vậy, ông Lực cũng chia sẻ thêm điểm yếu của Thực phẩm Sao Ta, năng suất chế biến chưa đủ, công nghệ chế biến chưa tiên tiến so với công nghệ tiên tiến nhất (mặc dù công nghệ công nghệ vẫn tiên tiến hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành) và thêm nữa, ngành không hấp dẫn người lao động.

Chia sẻ về vấn đề diễn biến giá cổ phiếu, ông Lực cho biết cơ bản công ty hoàn thành tốt về kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu thì không chia sẻ, do tác động của nhiều yếu tố khác. Công ty sẽ tập trung và sớm nhất năm 2022 sẽ có kết quả kinh doanh hài lòng của công ty và cổ đông.

Chia sẻ về vấn đề vùng nuôi, ông Lực cho biết Công ty có thể tự chủ lên tới 30% nguyên liệu nếu nuôi đủ 520 ha và bình thường sẽ xoay quanh con số 20% nguyên liệu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/pan-luy-ke-9-thang-dau-nam-uoc-tinh-loi-nhuan-sau-thue-dat-537-ty-tang-132-d173120.html