Panama phản đối tuyên bố lấy lại Kênh đào Panama của Tổng thống Donald Trump
Ngày 20/1, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ 'lấy lại' Kênh đào Panama, đồng thời khẳng định tuyến đường thủy liên đại dương quan trọng này 'đang và vẫn sẽ' thuộc về Panama.
Ông Mulino cũng khẳng định “không có sự hiện diện và can thiệp của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” đối với Kênh đào Panama, nhằm phản bác tuyên bố của ông Trump cho rằng Trung Quốc đang điều hành kênh đào này.
Hàng chục người đã biểu tình phản đối của Tổng thống Trump trước nơi ở của đại sứ Mỹ tại Panama City.
Trên thực tế, kênh đào dài 82 km nối liền hai đại dương này được Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ và Panama đã nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề quyền kiểm soát kênh đào này.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm vào tháng 1/1964 khi bạo loạn phản đối Mỹ bùng nổ, khiến một số người Panama và Mỹ thiệt mạng, quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt trong thời gian ngắn.
Hai bên đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, dẫn tới Hiệp ước Torrijos-Carter dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter vào năm 1977. Hiệp ước này có hiệu lực vào năm 1979, quy định thời hạn 20 năm cho việc Mỹ trao trả hoàn toàn kênh đào về Panama. Ngày 31/12/1999, kênh đào Panama đã được trao trả cho Panama.