Panasonic tập trung vào pin xe điện, ngừng sản xuất màn hình LCD
Hãng điện tử Panasonic (Nhật Bản) thông báo giải thể công ty con sản xuất màn hình LCD, nhằm trút bỏ một gánh nặng dai dẳng lên lợi nhuận của hãng. Đồng thời, hãng sẽ đẩy mạnh dịch chuyển trọng tâm sang hoạt động sản xuất pin xe điện.
Thông báo của Panasonic hôm 31-7 cho biết, sẽ chấm dứt hoạt động của Panasonic Liquid Crystal Display Co., công ty con chủ yếu sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) cho ô tô và các ứng dụng công bghiệp khác, có trụ sở ở thành phố Himeji. Nhà máy của công ty này sẽ được trưng dụng để sản xuất pin xe điện.
Năm 2020, Panasonic và Toyota thành lập liên doanh Prime Planet Energy & Solutions để sản xuất pin hình lăng trụ, một dạng lưu trữ năng lượng cần thiết cho nhiều ứng dụng, trong đó có xe điện. Nhà máy ở Himeji sẽ trở thành một trong những cơ sở sản xuất của liên doanh này.
Với quyết định trên, Panasonic sẽ loại bỏ khoản nợ 580 tỉ yen (4,11 tỉ đô la Mỹ) mà đơn vị sản xuất LCD vay của một công ty con khác của Panasonic, giúp giảm gánh nặng thuế thu nhập 121,3 tỉ yen. Trước đó, Panasonic đã trích lập dự phòng thua lỗ cho khoản vay này.
Panasonic cũng nâng dự báo lợi nhuận ròng cho năm tài chính hiện tại, kết thúc vào tháng 3-2024 lên 460 tỉ yen, tăng 73% so với mục tiêu trước đó. Dự báo lợi nhuận mới cao hơn 110 tỉ yen so với dự báo trước đây và là mức cao kỷ lục. Các dự báo trước đây về doanh thu và thu nhập hoạt động không thay đổi.
Hãng bắt đầu sản xuất màn hình LCD vào năm 2006, với nhà máy ở Himeji bắt đầu sản xuất tivi màn hình LCD vào năm 2010. Nhưng lợi nhuận của đơn vị LCD giảm sút khi vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ với các nhà sản xuất Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.
Sau đó, Panasonic tập trung vào màn hình LCD cho ô tô và ứng dụng trong trong công nghiệp. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này cũng không thành công do “điều kiện thị trường xấu đi chủ yếu do tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô và công nghiệp”, thông báo của Panasonic giải thích.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Panasonic gặp bất ổn ở mảng màn hình là vào năm 2011 khi hãng chi 265 tỉ yen (2 tỉ đô la) cho chi phí tái cấu trúc mảng kinh doanh tivi và cắt giảm sản lượng màn hình phẳng gần một nửa, xuống còn khoảng 7 triệu một năm. Panasonic thua lỗ trong năm tài chính 2011 và 2012 do hoạt động kinh doanh màn hình phẳng sụt giảm. Việc chấm dứt hoạt động Panasonic Liquid Crystal Display Co. sẽ giúp các nhà đầu tư tránh tổn thất thêm. Biên lợi nhuận hoạt động của Panasonic suy giảm liên tục trong 5 năm qua do hoạt động kinh doanh sa sút của mảng màn hình LCD.
Cổ phiếu của Panasonic tăng giá 60% trong năm nay nhưng đang giao dịch ở mức gấp 15 lần trong thu nhập tương lai, một tỷ lệ quá thấp so chỉ số giá/thu nhập cổ phiếu (P/E) của các công ty cùng ngành trong khu vực chỉ sản xuất pin xe điện. Điều đó cho thấy lực cản mà mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng đối với mảng kinh doanh pin có lợi nhuận tốt của hãng.
Doanh nghiệp đặt cược vào mảng pin cho sự tăng trưởng trong tương lai. Trong cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh quí 1 hôm 31-1, các lãnh đạo gọi pin là “lĩnh vực đầu tư ưu tiên”. Panasonic công bố lợi nhuận quí 1 tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 90,37 tỉ yen (636 triệu đô la).
Hãng cho biết đang đàm phán với Mazda và Subaru để cung cấp pin cho cho các mẫu xe điện của hai hãng xe này.
Tivi LCD màn hình phẳng từng là một sản phẩm đắt đỏ nhưng chúng nhanh chóng trở thành sản phẩm đại chúng. Các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc đã làm xói mòn thị phần và biên lợi nhuận ở mảng tivi LCD của Panasonic.
Có nguy cơ xu hướng tương tự sẽ diễn ra ở lĩnh vực pin. CATL (Trung Quốc), nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, vừa trở thành nhà cung cấp cho Tesla, vốn đang khách hàng lớn nhất của Panasonic.
Các khoản đầu tư hiện tại của Panasonic vào lĩnh vực pin vẫn có nguy cơ bị mất trắng do công nghệ đi tắt đón đầu. Các vật liệu pin mới và những đột phá về pin thể rắn là mối đe dọa thường trực đối với các nhà sản xuất hiện tại bao gồm Panasonic.
Panasonic có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất pin lithium-ion sử dụng hàm lượng nickel cao đang phổ biến thị trường. Thị trường ô tô điện vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và vẫn còn nhiều tiềm năng đổi mới và tăng trưởng. Vì vậy, động thái giải thể đơn vị sản xuất màn hình LCD báo hiệu Panasonic đang dồn nguồn lực cho pin xe điện.
Theo Nikkei Asia, Financial Times