'Páo dung' gọi Xuân về

Từ ngàn xưa, trên những nương lúa, đêm hội gặp gỡ của các đôi trai gái và hội vui Xuân của người Dao đều vang lên lời hát ngọt ngào của điệu Páo dung.

"Dung" theo tiếng Dao là hình thức hát các bài hát ngẫu hứng, người hát tự đặt lời và truyền miệng hoặc ghi chép lại cho các thế hệ sau. Đó chính là tiếng lòng của đồng bào Dao, thông qua những câu hát mượt mà ấy, biết bao niềm tin, khát vọng, tình cảm chân thành đã được gửi gắm… đi muôn nơi.

 Ảnh: Quang Luận

Ảnh: Quang Luận

Dừng chân tại thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn những ngày cuối năm, sương sớm chưa tan nhưng người dân đã đi tìm măng, chỉ có người già và trẻ con ở nhà. Khi nói đến chuyện tìm hiểu về hát Páo dung của người Dao, người Bản Chiêng ai cũng nhớ ngay đến giọng hát êm ái của bà Bàn Thị Tâm, gương mặt quen thuộc trong các chương trình văn nghệ cấp huyện, cấp xã nên giới thiệu ngay. Rất may, bà biết ý định tìm hiểu về Páo dung của chúng tôi, mắt bà ánh lên niềm vui. Bà Tâm kể lại, tôi được học hát Páo dung từ khi còn nhỏ, lúc ấy người trong làng hát nhiều lắm, đi nương cũng hát, nhưng nhiều nhất là hát khi đi chơi hội, đám cưới. Nhiều người không tự nghĩ ra lời, sẽ học theo những cuốn sách người xưa để lại, viết bằng chữ Nôm. Ngày xưa tôi và chồng nên duyên với nhau cũng nhờ làn điệu Páo dung, nên chúng tôi trân quý lắm những làn điệu Páo dung và cố gắng gìn giữ. Hiện nay, tôi cũng đã chép lại vào cuốn sổ, mong muốn dạy cho con cháu. Hát Páo dung không khó, nếu tập trung học và nắm được làn điệu thì có thể hát được. Nhưng lớp trẻ bây giờ nghe thì khen hay mà không kiên trì học.

Ông Bàn Tiến Kim, chồng bà Tâm trầm ngâm: Khi tôi còn nhỏ, hầu như đi đâu vào đúng dịp lễ quan trọng cũng nghe được tiếng hát Páo dung, tiếng hát ấy được bà ngân nga khi nấu cơm, ru em, tiếng hát vang vọng trên những đồi nương.

Khi 15,16 tuổi tôi cũng bắt đầu biết hát, cứ đến Tết hay vào các dịp đám cưới lại cùng bạn bè đi đến các làng bản của đồng bào Dao hát đối đáp, giao duyên thâu đêm. Giọng ông Kim trầm ấm, kể chuyện xưa ông bảo, ngày xưa hát Páo dung giao duyên hầu hết người hát toàn ứng tác, ai mới tập thì phải cầm theo sách đã được các cụ chép lời. Người nào có năng khiếu, ứng đối nhanh sẽ có thêm những lời mới, người nghe thấy hay có thể mượn lời, truyền nhau học thuộc. Những người hát "Páo dung" giỏi đều được mọi người quý mến, thường trở thành người dẫn các buổi hát trong dịp lễ lớn. Người Dao chân thành, ít nói nhưng khi cất giọng hát lại mạnh dạn bất ngờ, biết bao đôi lứa nên duyên từ làn điệu này. Vậy mà, lớp trẻ bây giờ học hát sao mà khó, cứ "chê" không có nhạc không cất giọng được… Giữa những chia sẻ có phần buồn bã, ánh mắt ông trở nên ngại ngùng nhưng tự hào khi nhắc về câu chuyện của chính mình. Ông Kim và bà Tâm quen nhau cũng nhờ làn điệu Páo dung, trong một lần ông đến xã Bình Trung (chợ Đồn) hai ông bà đã gặp nhau. Làm quen cũng từ hát Páo dung, vun đắp tình cảm và đón bà về xã Đôn Phong cũng nhờ làn điệu này mà nên duyên.

Là người con ưu tú của đồng bào Dao, nhà thơ Triệu Kim Văn cho biết: Từ đời xưa, Páo dung ra đời vốn là điệu hát giao duyên, bắt nguồn từ nhu cầu tình cảm của con người. Các cụ hát Páo dung để tìm hiểu, vun đắp tình cảm, thổ lộ và xây dựng gia đình.

Có từ xa xưa như vậy, nên Páo dung không có nhạc, nó hay bởi làn điệu, giọng hát và nội dung. Người vùng cao vốn kiệm lời, nên thông qua lời hát mà nói lên tiếng lòng của mình. Không chỉ trong các lễ hội, ở các đám cưới xưa, làn điệu Páo dung như một đặc trưng riêng, tiếng hát tiễn nhau vang lên sâu sắc, rung động vô cùng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn mong được gặp lại cảnh ấy…

Người Dao dùng lời hát Páo dung để chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình cho mọi người xung quanh. Páo dung cũng trở nên thân thuộc và gần gũi với cuộc sống đời thường, Páo dung vang lên trên nương rẫy, Páo dung xua đi vắng vẻ giữa rừng núi, Páo dung dập dìu đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, Páo dung là lời hát gọi người bản xa về chung vui. Làn điệu ấy như lời nói của người Dao ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, răn dạy con cháu phải biết ơn tổ tiên và giữ gìn sự hòa hợp các mối quan hệ trong cuộc sống xung quanh. Với mỗi người Dao, làn điệu Páo dung có đặc trưng riêng, người Dao đỏ khi hát Páo dung thường có giọng trầm, vang, người Dao Tiền làn điệu nhỏ nhẹ, dịu dàng như lời thủ thỉ. Vì không có nhạc, nên để thể hiện được làn điệu Páo dung người hát phải biết giữ hơi và kéo dài giọng…

Người Dao hát Páo dung mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, dựa vào tài ứng tác của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng mà một chủ đề lại có những lời ca khác nhau. Vào những dịp mùa Xuân, trong các dịp đám cưới, lễ hội người Dao thường quây quần bên bếp lửa, những đôi trai gái đối đáp nhau bằng Páo dung, có nhiều người đã nên duyên vợ chồng từ những đêm hát ấy. Cũng có những đôi vợ chồng đã cao tuổi vẫn mê hát Páo dung, chồng một bên, vợ một bên chẳng ngại ngùng đối đáp nhau khiến cho không khí trở nên ấm cúng, vui vẻ.

Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, đây cũng là thời điểm nông nhàn, lúa trên nương đã cất lên gác, trâu, bò cũng đã thả rông về các ngả rừng, mọi người đều dành thời gian chuẩn bị Tết, thăm người thân, họ hàng… Đây là dịp các lễ hội, nghi lễ truyền thống được tổ chức và cũng là thời gian đẹp nhất để những lời Páo dung, điệu Kèn Pí lè vang lên khắp các bản gần, bản xa… như là lời mời gọi mùa Xuân về.

Triệu Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pao-dung-goi-xuan-ve-239491.html