PAPI 2021: Covid-19 khiến mối quan ngại về kinh tế hộ gia đình tăng cao
Chỉ số PAPI 2021 vừa công bố đã chỉ ra sự thay đổi về mức độ quan ngại của người dân, trong đó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài và nặng nề hơn so với năm 2020 đã khiến sự bi quan về kinh tế hộ gia đình tăng cao nhất giai đoạn 2011 - 2020.
Chỉ số PAPI tạo ra chuyển biến tích cực trong hành chính công
Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2021) ngày 10/5, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, những phát hiện từ báo cáo PAPI 2021 có ý nghĩa quan trọng giúp hiểu được tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân.
Bà Caitlin Wiesen
“Chúng tôi hy vọng rằng số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đặc biệt là dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở và dự án Luật đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm.”
Cũng tại buổi công bố, đại diện cho tiếng nói người dân Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, báo cáo PAPI 2021 đã khảo sát 15.833 người dân và cử tri 63 tỉnh/thành - con số lớn nhất trong những năm thực hiện khảo sát PAPI với 8 chỉ số nội dung:
Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử và điểm chỉ số PAPI tổng hợp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng
“Triết lý ‘dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra’ cho thấy chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay”.
COVID-19 khiến người dân quan ngại nhất về vấn đề y tế
Thông tin về kết quả nghiên cứu PAPI 2021, TS. Paul Schuler, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch năm vừa qua, thể hiện qua tỉ lệ quan ngại về sức khỏe và điều kiện kinh tế tăng lên, trong khi tỉ lệ lo lắng về chất lượng môi trường giảm xuống.
Cụ thể, điều này được phản ánh rõ qua phát hiện trong PAPI 2021 chỉ ra rằng, y tế và bảo hiểm y tế trở thành vấn đề người dân quan ngại nhất trong năm 2021, với tỷ lệ tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm. Đây cũng là lần đầu tiên có sự thay đổi trong thứ tự những vấn đề đáng quan ngại nhất kể từ khi tiến hành khảo sát PAPI 2021.
"Ngược lại, đói nghèo vốn luôn là vấn đề đáng quan ngại hàng đầu trong suốt 5 năm qua, nhưng năm 2021 đã lùi về vị trí thứ hai, còn tăng trưởng kinh tế và việc làm cùng ở vị trí thứ ba. Trong đó, phụ nữ quan ngại về việc làm nhiều hơn nam giới", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết thêm.
Bên cạnh những quan ngại về y tế, những bất ổn liên quan đến kinh tế cũng nổi lên mạnh mẽ hơn trong năm 2021. Theo khảo sát PAPI 2021, có tới 1/4 số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế nói chung là kém, trong khi những người cho rằng tình hình nói chung là tốt lại giảm xuống dưới 50%.
Đáng chú ý, có gần 1/3 số người trả lời cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình kém hơn trước, tăng 11% so với kết quả khảo sát năm 2020. Điều này hoàn toàn trái ngược so với xu hướng từ năm 2011 đến 2020.
TS. Paul Schuler, đại diện nhóm nghiên cứu PAPI 2021
"Làn sóng COVID-19 lần thứ tư cũng ảnh hưởng tới sự lạc quan qua thời gian dài của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình. Khi được hỏi về triển vọng tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình sẽ xấu đi hoặc không thể đoán trước cũng cao hơn những năm trước".
Để phân tích mối quan ngại của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình, TS. Paul Schuler đã đưa ra kết quả khảo sát về vấn đề mất việc làm trong năm vừa qua.
Nghiên cứu từ khảo sát PAPI 2021 chỉ ra, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người dân ở diện rộng hơn vào năm 2021 so với năm 2020. Tỉ lệ người dân trả lời cho biết họ bị mất việc làm hoặc thu nhập tăng hơn 10% so với 2020, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và các tỉnh lân cận, những nơi giãn cách xã hội trong thời gian dài.
Thách thức gia tăng trong ứng phó đại dịch
Để các cấp chính quyền nắm bắt phần nào nhu cầu và kỳ vọng của người dân trong đại dịch, PAPI 2021 đã đưa ra kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ người trả lời cho biết họ hài lòng với cách ứng phó với đại dịch của chính quyền các cấp đã giảm từ mức 89% năm 2020 xuống 84% năm 2021.
“Sự sụt giảm này có thể là do tác động to lớn hơn của làn sóng COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta gây ra nhiều thách thức cho chính quyền các cấp, đặc biệt là từ tháng 5/2021”, ông Paul Schuler lý giải.
Theo báo cáo, đại dịch cũng đã khiến mức độ hài lòng của người sử dụng các dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh bị giảm sút. Bên cạnh đó, số người dùng dịch vụ của khối bệnh viện công tuyến huyện cho biết việc phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn cũng tăng nhẹ.
Ngoài ra, điểm chỉ số nội dung ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ cũng giảm mạnh so với hai năm trước 2019 và 2020. "Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương không xử lý được số lượng lớn các đơn thư, yêu cầu của người dân đối với các chính sách hỗ trợ và ứng phó liên quan đến COVID-19 trong năm 2021", báo cáo PAPI 2021 lý giải.
Trong khi giãn cách xã hội đòi hỏi nhiều khía cạnh trong đời sống của người dân chuyển sang trực tuyến, thì vẫn có một khoảng cách lớn trong việc tiếp cận cổng dịch vụ công trực tuyến. Điều này được phản ánh trong điểm số còn thấp ở chỉ số nội dung ‘Quản trị điện tử’ năm 2021.
Bên cạnh những chỉ số sụt giảm điểm đánh giá, báo cáo PAPI 2021 thể hiện sự tích cực ở chỉ số hiệu quả về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và tăng cường công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương đã có sự cải thiện tích cực.
"Ngoài ra, các mặt tích cực khác còn có 'Giáo dục tiểu học công lập' tăng trở lại so với mặt bằng của những năm trước, sau khi sụt giảm vào năm 2020. Bên cạnh đó là sự cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đánh giá của người dân về điều kiện tiếp cận đường xá, điện lưới và thu gom rác thải", TS. Paul Schuler cho biết thêm.