Papua New Guinea quy định phân bổ nguồn thu từ ngành dầu khí
Luật Dầu mỏ và Khí đốt 1998 và Luật Khoáng sản 2002 của Papua New Guinea điều chỉnh các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các quy định về phân bổ nguồn thu.
Đối với văn bản luật này, các khoản thu từ thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và cổ phần được phân bổ cho Chính phủ Papua New Guinea ngay từ khi bắt đầu quá trình khai thác.
Các khoản thu từ thuế tài nguyên tương đối thấp - tương ứng 4% tổng giá trị từ khai thác, được phân bổ cho các địa phương, gồm các thành phố, khu vực, những người làm chủ sở hữu khu đất với tư cách cá nhân hoặc đại diện cho cộng đồng.
Khoản thuế phát triển trích 4% từ thuế tài nguyên. Khoảng 2% trong số này được giữ lại cho các thành phố và tỉnh, 2% còn lại được phân chia cho các chủ sở hữu đất tư nhân hoặc đại diện cho cộng đồng. Tỷ lệ phân chia cụ thể phụ thuộc vào diện tích đất sử dụng cho hoạt động khai thác. Không tồn tại cơ chế tái phân bổ nên các khu vực phi khai thác không được hưởng lợi.
Được biết, khoản thuế tài nguyên từ ngành công nghiệp khai thác chỉ chiếm 10% tổng nguồn thu công. Các nguồn thu chính nộp vào ngân sách trung ương là: thuế lợi tức bất thường (chiếm 40%) và thuế rút cổ tức (chiếm 10%).
Bên cạnh những quy định về thuế, nhà nước được quyền nắm 22,5% cổ phần tại các dự án. Một phần trong số cổ phần này sau đó sẽ được phân chia ra cho các chủ sở hữu đất ở địa phương. Các cá nhân sở hữu cổ phần công cộng cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như các đối tác thương mại khác. Những người này phải góp vốn bằng tiền mặt khi có yêu cầu đầu tư bằng cách huy động vốn cá nhân hoặc tìm kiếm nguồn tài chính từ bên ngoài. Tuy nhiên, họ cũng được hưởng lợi nhuận từ các dự án tham gia đầu tư.
Quy định này được xem là nhằm đảm bảo Chính phủ và cộng đồng địa phương đều tham gia vào quá trình khai thác và cùng chia sẻ nguồn thu, cũng như rủi ro.
Luật Khoáng sản của Papua New Guinea cũng yêu cầu phải lập bản đồ xã hội từ trước nhằm xác định các chủ sở hữu sử dụng đất có hiệu quả. Ngoài ra, luật này cũng nêu rõ quỹ ủy thác do cơ quan chính phủ quản lý phải giữ lại thuế tài nguyên và cổ tức cho các bên hưởng lợi. Khoản tiền này chỉ được giải ngân cho những chi tiêu được phép.
Ngoài những lợi ích kinh tế trực tiếp, Luật Dầu khí và Luật Khoáng sản của quốc gia thuộc châu Đại Dương cũng đưa ra những quy định nhằm liên kết quá trình phát triển của các doanh nghiệp và các địa phương với nhau.
Cụ thể, chương trình bồi hoàn thuế cơ sở hạ tầng, trong đó bên phát triển dự án có thể sử dụng tới 2% nguồn thu nhập của họ vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho cộng đồng; Quỹ tài trợ vốn kinh doanh của Chính phủ nhằm giúp các chủ sở hữu đất triển khai hoạt động kinh doanh liên quan tới các dự án khai thác dầu khí; Bắt buộc các bên phát triển dự án phải tăng cường sử dụng lao động địa phương trong quá trình khai thác và dịch vụ; Có Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ với các chủ sở hữu đất và chính quyền địa phương, chính quyền cấp tỉnh về các dự án.
Được biết, Luật Dầu khí của Papua New Guinea có điều khoản cấm tổng nguồn thu được phân bổ ở cấp địa phương không được vượt quá 20% tổng nguồn thu ròng. Bởi vậy, Chính phủ sẽ nhận được ít nhất 80% tổng nguồn thu.