Paris đâu chỉ hoa lệ

Không chỉ là kinh đô ánh sáng, Paris trở thành thành phố của tiếng reo hò và lời thì thầm yêu thương nhiều hơn trong những ngày diễn ra Thế vận hội.

Sự hòa nhập của người Pháp thuộc mọi nguồn gốc, màu da và tín ngưỡng là chủ đề cốt lõi từ Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 trở đi, sự bất ổn trong một xã hội bị chia rẽ bởi cuộc tranh luận căng thẳng về vấn đề nhập cư đã tạm thời được hóa giải bởi những cái ôm, nụ cười đến từ vận động viên, du khách khắp nơi trên thế giới.

Ngay cả đội ngũ tình nguyện viên cào cát sân bóng chuyền bãi biển Olympic bên dưới tháp Eiffel cũng làm phẳng bãi cát với những bước chân nhẹ nhàng. Đoàn thể thao chủ nhà Pháp đã giành hơn 60 huy chương, đã giới thiệu với thế giới siêu kình ngư Leon Marchand-người hùng của Thế vận hội kỳ này với 4 huy chương vàng, kèm theo 4 kỷ lục Thế vận hội.

 Club France, nơi tôn vinh những vận động viên Pháp giành huy chương ở Olympic Paris 2024.

Club France, nơi tôn vinh những vận động viên Pháp giành huy chương ở Olympic Paris 2024.

Tham vọng không khoan nhượng của chủ nhà Pháp đã đánh dấu 17 ngày đáng chú ý của Olympic Paris 2024, một phép màu của kế hoạch chi tiết và được thực hiện với chi phí khoảng 4,5 tỷ euro. Pháp bước vào Thế vận hội trong sự rung chuyển dẫn đến bế tắc chính trị. Nhưng người Pháp đã tạm gác những bất ổn sang một bên để tôn vinh sức mạnh và vẻ đẹp của Thế vận hội. Nước Pháp đã làm tốt nhất những gì có thể để mang đến một kỳ Olympic thành công.

Ngay cả khi các vấn đề chính trị bùng phát trở lại trong những tuần tới, điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra, thì niềm tự hào cốt lõi về một kỳ Olympic đặc biệt sẽ không thể có được nếu không có những đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là ở Paris hoa lệ.

Nước Pháp đã mời gọi những kỹ sư, nhà thiết kế, chuyên gia đẳng cấp thế giới để tìm ra cách sáng tạo và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật Pháp, biến Paris thành một sàn đấu xa hoa, hiệu quả và giúp những cư dân đôi khi khó chịu của thành phố (các cửa hàng bên bờ sông Seine bị hạn chế kinh doanh trong thời gian diễn ra Thế vận hội) thành những con người tốt bụng hơn, nhân ái hơn theo nhiều cách.

Olympic Paris 2024 là “kỳ nghỉ” giúp nước Pháp tạm thời thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị, nhưng sự bình yên sẽ không kéo dài và những câu hỏi cơ bản-như ai sẽ điều hành chính phủ-sẽ sớm trở thành tâm điểm sau khi Thế vận hội kết thúc. Tại khu vực Parc de la Villette ở phía Đông Paris, một số quốc gia, bao gồm cả chủ nhà Pháp, đã mở các gian hàng để chào mừng Thế vận hội và giới thiệu, quảng bá nền văn hóa.

Đám đông phấn khởi tụ tập ở đó ngày này qua ngày khác trong thời gian diễn ra Olympic Paris 2024. Rất đông người Pháp và dân Paris cảm thấy choáng ngợp khi đến khu vực này, họ bị ấn tượng bởi đồ ăn ngon, thức uống giải khát mát dịu, bổ dưỡng cho cơ thể và những sắc màu văn hóa tuyệt vời. Một số người dân thừa nhận Olympic Paris 2024 đã làm thay đổi nhận thức của họ và tiếc cho những người Paris đã rời thủ đô từ sớm (trước thềm Thế vận hội, chính quyền Paris động viên, khuyến khích người dân đi du lịch, nghỉ lễ dài ngày để giảm tải cho thủ đô trong những ngày diễn ra Thế vận hội).

“Ma chê, cưới trách”. Olympic Paris 2024 cũng không nằm ngoài thông lệ trên. Làng vận động viên là niềm tự hào của nước Pháp, là nơi để suy tôn lối sống xanh, sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên, nhưng một số đoàn cho rằng thức ăn trong làng chưa ổn. Hay như chính quyền Paris đầu tư tới 1,5 tỷ euro để làm sạch nước sông Seine, nhưng có vận động viên đã từ chối thi đấu, vì họ cho rằng nước sông chưa bảo đảm sức khỏe. Nhưng tựu trung, không có đoàn thể thao nào phàn nàn về công tác tổ chức ở Olympic Paris 2024. Nước Pháp đã làm tốt nhất những gì có thể để mang đến thành công, tiếng vang và dư âm tốt đẹp cho Thế vận hội kỳ này.

Chào Olympic Paris 2024, hẹn gặp lại ở Thế vận hội Los Angeles 2028.

Bài và ảnh: PHƯƠNG THANH (từ Paris, Pháp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/paris-dau-chi-hoa-le-789095