PCI - cuộc đua không có điểm dừng

Năm 2018, Hà Nội từ vị trí 13 của năm 2017 đã đột phá lên vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2019, Hà Nội tăng hơn 3 điểm so với năm 2018, tiếp tục trụ vững vị trí thứ 9 và được đánh giá cao về các chỉ số gia nhập thị trường (đạt 7,98 điểm) với nhiều cải cách trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.

Kết quả khả quan của Hà Nội cũng nằm trong gam màu sáng của bức tranh toàn cảnh khi chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương cả nước đạt cao nhất trong 15 năm qua, với mức PCI tổng hợp là 65,13 điểm. Thực tiễn chứng minh, PCI là “cuộc đua” không có điểm dừng khi ngày càng có nhiều những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương; trong đó, cách biệt trong chất lượng điều hành được thu hẹp rõ rệt; địa phương nào cũng tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư…

Tuy vậy, vẫn còn 50% doanh nghiệp phản ánh đang phải “sống chung” với chi phí không chính thức; 59% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp vướng mắc thủ tục liên quan đến xây dựng và quy hoạch. Những con số này cho thấy chính quyền các địa phương vẫn còn khá nhiều việc phải làm, hay nói cách khác “dư địa” cho công tác cải cách, phục vụ doanh nghiệp còn khá lớn. Và giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh chính là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Để làm được điều đó thì nhân tố quan trọng chính là tinh thần cầu thị, lắng nghe của chính quyền các cấp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp; đồng thời khơi dậy tinh thần chủ động của doanh nhân.

Cụ thể, đó là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, từ công bố thông tin về chính sách đến kết nối, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đó còn là việc đối thoại với doanh nghiệp để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, để hiểu doanh nghiệp mong muốn gì, khâu nào trong bộ máy hành chính còn khiếm khuyết để khắc phục. Đồng thời chia sẻ cơ hội kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư thông qua sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả…

Nhìn rộng hơn, hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ nhất quán từ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Chủ trương đó được thể hiện bằng nhiều việc như ưu tiên các nguồn lực đầu tư, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu, cụm công nghiệp tại địa phương...

Song song với đó, cần kiên quyết nói không với các doanh nghiệp gian lận, làm tổn hại kinh tế, trật tự xã hội... Đồng thời, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó tạo dựng và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, hấp dẫn.

Ngoài những yếu tố trên, để thành phố Hà Nội trụ vững và cải thiện vị trí xếp hạng Chỉ số CPI hiện nay, việc tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số còn tương đối thấp như: “Cạnh tranh bình đẳng”, “Chi phí không chính thức” hay “Tính minh bạch” là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, các cơ quan chức năng của thành phố cần bám sát và thực hiện tốt Kế hoạch số 83/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội (ngày 22-4) về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn thành phố.

Như một cuộc đua không có điểm dừng, chỉ số PCI là thước đo để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo tiền đề Thủ đô, đất nước phát triển bền vững.

Văn Ngọc Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/966573/pci---cuoc-dua-khong-co-diem-dung