PepsiCo và Carrefour xung đột
Bước vào các siêu thị Carrefour ở châu Âu như ở Rome, Barcelona hay Paris, người đi mua sắm có thể ngạc nhiên khi không thể tìm thấy các sản phẩm của hãng PepsiCo, kể cả các món thức ăn nổi tiếng như Cheetos hay Doritos. Thay vào đó họ sẽ thấy một mẩu thông báo kỳ lạ bên dưới logo món Doritos: 'Chúng tôi không còn bán nhãn hiệu này vì đã tăng giá không thể chấp nhận được'.
Chuyện các chuỗi siêu thị như Carrefour lại đi tấn công nhà cung cấp hàng hóa cho họ, cụ thể là Tập đoàn nước giải khát và thức ăn nhanh PepsiCo là chưa từng thấy. Carrefour, trụ sở chính ở Pháp, là một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất thế giới, có hàng ngàn cửa hàng ở trên 30 nước. PepsiCo là thương hiệu quen thuộc nhưng có thể nhiều người không biết, ngoài nước giải khát, tập đoàn này còn sản xuất thức ăn nhanh như món ăn vặt Doritos.
Xung đột hiện nay giữa hai tập đoàn này xuất phát từ tình trạng lạm phát cao đã diễn ra mấy năm nay ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu. Giá cả mọi thứ tăng vọt, từ phí vận chuyển, tiền lương, các nguyên vật liệu sản xuất đã dồn lại buộc nhà sản xuất phải nâng giá bán. PepsiCo đã làm như thế, cứ sau mỗi quí lại công bố giá bán mới, cao hơn giá cũ, có lúc cao hơn năm trước 12% có lúc vọt lên, tăng đến 17%… Một điều đáng ngạc nhiên là giá cao không làm doanh thu PepsiCo giảm sút; người tiêu dùng vẫn mua thức ăn chế biến sẵn của tập đoàn này.
Giới quản lý PepsiCo thường hay lý giải, người tiêu dùng vẫn chọn mua sản phẩm của họ bất kể giá cao là bởi, theo từ họ dùng, đây là những “món sang giá phải chăng”! Thật ra tâm lý người tiêu dùng trước tình trạng lạm phát là giảm mua các món đắt tiền chưa cần thiết như ti-vi màn hình lớn hay tủ lạnh hai cửa, nhưng vẫn chịu mở hầu bao cho các món quen thuộc như các món ăn chơi, ăn dặm. Ở đây, giá cao thêm vài chục xu không làm họ chùn chân.
Giá cao làm doanh thu của PepsiCo tăng lên, nhưng do chi phí cũng tăng nên biên lợi nhuận lại giảm. PepsiCo cho biết mức tăng giá của họ chưa bù đắp hết mức tăng các chi phí khác như vận chuyển, lương nhân công và nguyên vật liệu. PepsiCo không phải là nơi duy nhất tăng giá; nhiều nhà sản xuất khác cũng buộc lòng tăng giá bán dưới áp lực lạm phát.
Cuối cùng Chính phủ Pháp phải ra tay can thiệp; mùa hè năm ngoái họ đã ngồi xuống cùng nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất lớn, yêu cầu các nơi phải kìm giá xuống. Bộ trưởng tài chính Pháp sau này than phiền nhiều công ty không chịu nghe theo lời kêu gọi này, trong đó nổi bật là PepsiCo. Pháp phải áp dụng biện pháp mạnh, yêu cầu các chuỗi bán lẻ thương lượng với nhà cung cấp hàng hóa sao cho cuối cùng giá bán lẻ phải giảm, hạn chót là tháng Giêng năm 2024. Trong bối cảnh dư luận chú ý vào động thái của các nhà bán lẻ, Carrefour bắt đầu công khai tấn công các nhà cung ứng hàng hóa, cáo buộc họ không chịu giảm giá bán theo kiểu lợi dụng lạm phát để kiếm thêm lãi.
Tháng 9 năm ngoái Carrefour đính kèm nhãn cảnh báo lên một số sản phẩm, cáo buộc nhà sản xuất áp dụng chiêu thức “shrink-flation”, tức giữ nguyên giá bán nhưng giảm khối lượng sản phẩm. Và nay họ có biện pháp mạnh với PepsiCo, tuyên bố với khách hàng ở Pháp là Carrefour không còn bán các sản phẩm của PepsiCo nữa, kể cả nước giải khát Pepsi, 7Up…
Điều bất ngờ là PepsiCo vặt lại: chính chúng tôi là bên ngưng cung cấp sản phẩm cho Carrefour chứ không phải ngược lại. Lý do là bởi hai bên chưa thương thảo xong hợp đồng cung ứng hàng hóa. Hai bên đã bắt đầu thương lượng một hợp đồng mới cả sáu tháng nay. PepsiCo nói nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước cuối năm 2023, họ sẽ ngưng cung ứng hàng vào siêu thị Carrefour.
Bất kể bên nào ngưng chơi với bên nào, chuyện siêu thị Carrefour muốn ấn định giá bán cho hàng PepsiCo cũng là chuyện lạ mặc dù đương nhiên siêu thị nào cũng muốn hàng giá rẻ để thu hút khách, luân chuyển hàng nhanh hơn. Tổng cộng năm thị trường Carrefour không bán sản phẩm của PepsiCo nữa chỉ chiếm 0,27% tổng doanh thu toàn cầu của PepsiCo, nên quyết định của Carrefour không ảnh hưởng nhiều đến tập đoàn này.
Tuy nhiên về mặt uy tín thị trường thì xung đột giữa Carrefour và PepsiCo có tác động lớn. Hơn nữa, dù chiếm tỷ trọng nhỏ, doanh thu mất đi cũng vào khoảng 200 triệu đô la mỗi năm cũng là một khoản không phải nhỏ. Có lẽ hai bên sẽ sớm thông báo với người tiêu dùng: Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này – rồi sớm đạt được thỏa thuận về giá thỏa mãn cả hai bên.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/pepsico-va-carrefour-xung-dot/