Petrolimex tiếp tục bán 'của để dành', ước thu về hơn 1.300 tỷ đồng

Gần 1.430 tỷ đồng là số tiền mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thu về trong đợt bán 25 triệu cổ phiếu quỹ hồi tháng 3. Tập đoàn lại tiếp tục đăng ký bán cùng lượng cổ phiếu trên.

Ước thu hơn 1.300 tỷ đồng từ “của để dành” cổ phiếu quỹ

Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa phê duyệt phương án bán 25 triệu cổ phiếu PLX. Đây đã là đợt bán cổ phiếu quỹ lần thứ hai trong năm nay của Petrolimex. Tương tự lần bán trước, Petrolimex cũng sẽ giao dịch thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE). Giá khởi điểm bán cổ phiếu quỹ sẽ không thấp hơn giá trị cổ phần tại chứng thư thẩm định giá ngày 22/4/2021do công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam ban hành hoặc giá tham chiếu bình quân cổ phiếu của 30 ngày giao dịch liên tiếp.

Petrolimex sẽ thực hiện giao dịch sau khi có chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Ước tính với mức giá đang giao dịch hiện tại (52.300 đồng/cổ phiếu), Petrolimex có thể thu về 1.307 tỷ đồng.

Nếu giao dịch thực hiện thành công, Petrolimex vẫn còn hơn 25,06 triệu cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này có giá vốn chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đợt giao dịch hồi quý I, Petrolimex đã bán được toàn bộ lượng đăng ký và thu về 1.426 tỷ đồng. Nguồn vốn thặng dư vốn cổ phần của tập đoàn tăng thêm khoản chênh lệch 1.176 tỷ đồng.

Đáng chú ý là cổ đông chiến lược từ Nhật Bản đã mua hết 25 triệu cổ phiếu đã bán ra trên. ENEOS Corporation đã tăng sở hữu lên 38 triệu cổ phiếu. Còn toàn bộ các cổ đông liên quan đến nhóm JX Nippon Oil & Energy là 141,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,94%.

Dòng tiền thu lớn giúp cải thiện thâm hụt

Nguồn tiền dồi dào nhận được khi bán cổ phiếu quỹ vào cuối quý I/2021 đã giúp cải thiện đáng kể dòng tiền của Petrolimex. Với đặc thù kinh doanh phân phối xăng dầu, ba nhóm tài sản gồm tiền, tồn kho xăng dầu và phải thu khách hàng chiếm hơn 46% trong tổng tài sản hơn 64.512 tỷ đồng của công ty.

Tại thời điểm 31/3, Petrolimex đã phải tăng đáng kể các khoản mua chịu của khách hàng. Giá trị phải thu khách hàng tăng từ 7.216 tỷ đồng lên 9.821 tỷ đồng. Khoảng thời gian giá dầu điều chỉnh giữa tháng 3 cũng là lúc nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu tăng tích trữ tồn kho. Giá trị tồn kho của Petrolimex cũng tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020, lên 10.557 tỷ đồng.

Điều này cũng khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Petrolimex âm hơn 572 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn còn tăng tiền gửi ngân hàng từ 3-12 tháng cũng khiến dòng tiền đầu tư cũng âm. Dòng tiền từ hoạt động tài chính với nguồn chính từ hoạt động bán cổ phiếu quỹ trên là nguyên nhân chính giúp lưu chuyển tiền thuần trong kỳ chỉ âm hơn 965 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền giảm còn 9.637 tỷ đồng.

Số tiền tích lũy được từ “của để dành” cổ phiếu quỹ sẽ đóng góp đáng kể vào hoạt động đầu tư của Petrolimex. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, lãnh đạo tập đoàn đặt kế hoạch giá trị đầu tư trong năm là 3.460 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần mức đầu tư năm trước (1.572 tỷ đồng).

Để tập trung nguồn vốn, tập đoàn còn đặt kế hoạch tập trung rà soát, dứt điểm việc thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành, các lĩnh vực đầu tư không hiệu quả và thu hồi vốn đầu tư của Tập đoàn như thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng tại PG Bank; triển khai phương án giảm tỷ lệ vốn đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm tại PJICO; thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Petrolimex đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế cả năm đạt 3.360 tỷ đồng, gấp 2,38 lần so với mức nền thấp năm 2020. Trong quý I/2021, kế hoạch này đã hoàn thành được hơn 30% với 1.012 tỷ đồng lãi trước thuế được ghi nhận.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/petrolimex-tiep-tuc-ban-cua-de-danh-uoc-thu-ve-hon-1300-ty-dong-d142607.html