Petrovietnam vượt mọi 'bão giông', thỏa ước nguyện của Người
Suốt 65 năm qua, thực hiện mong ước của Bác Hồ, Petrovietnam đã vượt qua khó khăn, đi từ ''không đến có'' để xây dựng được một ngành Dầu khí với nhiều kỳ tích.
Từ những dòng chữ vàng lịch sử
Ngay khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, dựa vào một số tài liệu ít ỏi (từ kho lưu trữ tài liệu cũ) của các nhà địa chất Pháp, bằng linh cảm tuyệt vời và tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để góp phần xây dựng nước, mặc dù, lúc này chưa có những khảo sát một cách toàn diện và chuyên sâu về dầu mỏ ở Việt Nam.
Trong chuyến thăm Đông Âu năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm giàn khoan dầu của Rumani và nhà máy lọc dầu ở Bulgari. Đặc biệt, trong chuyến thăm Liên Xô, ngày 23/7/1959, khi tới thăm khu công nghiệp dầu khí ở Bacu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Azerbaijan rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu…" Lời của Bác cũng chính là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí nước nhà, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí hơn 6 thập kỷ qua.
Bằng bản lĩnh và ý chí nghị lực con người Việt Nam và sự giúp đỡ thủy chung, chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế, trong 65 năm qua ngành Dầu khí Việt Nam đã có những bước dài dù cũng gặp không ít chông gai. Cùng với những giai đoạn phát triển rực rỡ, Petrovietnam cũng có giai đoạn do sự phát triển nóng vội, xa rời cốt lõi, bị khủng hoảng niềm tin, tổn thương văn hóa, cộng với tác động từ môi trường kinh doanh như giá dầu giảm sâu, nhiều cơ chế chính sách cho sự hoạt động của ngành không còn phù hợp trong tình hình mới… đã dẫn đến khó khăn, khủng hoảng kéo dài. Năm 2017, Petrovietnam đã từng báo cáo Thủ tướng Chính phủ bức tranh tài chính, dự báo đến năm 2019, Tập đoàn sẽ bị mất cân đối dòng tiền, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn; tiếp theo đó là các cuộc khủng hoảng kép về giá dầu, đại dịch Covid-19; ảnh hưởng xung đột địa chính trị, kinh tế toàn cầu suy giảm, biến động bất thường…
Theo chia sẻ của ông Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, trong hoàn cảnh khó khăn bủa vây đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, chấn chỉnh và giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác cán bộ, Petrovietnam đã thực hiện công cuộc cải tổ toàn diện. Trước hết đó là “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” với mục tiêu tái tạo văn hóa đi trước để củng cố và tạo đà cho tái tạo kinh doanh. Thứ hai là đổi mới công tác quản trị, đặc biệt là quản trị biến động, nâng cao hiệu quả hoạt động và dịch chuyển mô hình kinh doanh. Tập đoàn đã thành công thực hiện mở rộng quy mô kinh doanh trong hệ sinh thái Petrovietnam; hoàn thành nhiều dự án trọng điểm (trong lĩnh vực điện, khí) đưa vào hoạt động thương mại; thực hiện tốt công tác tiêu thụ theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn…
Nhờ đó, giai đoạn năm 2020 đến nay, Petrovietnam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển ổn định hướng tới phát triển bền vững, thực hiện tốt vai trò là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước.
... đến những cột mốc lịch sử
Vượt qua những ‘bão giông”, báo cáo cho thấy, trong 5 năm gần đây, Petrovietnam luôn có tăng trưởng cao về quy mô; trong đó: Tổng tài sản năm 2023 tăng 19% so với năm 2020; tổng doanh thu năm 2023 tăng 81% so năm 2020 và bình quân hằng năm bằng 9-10% GDP của cả nước; nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 tăng 83% so với năm 2020, bình quân hằng năm đạt 9-9,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Từ năm 2020 đến hết tháng 6-2024, tổng doanh thu toàn Petrovietnam đạt 3,6 triệu tỉ đồng; nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt gần 600 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất đạt 230 nghìn tỉ đồng.
Tính đến hết năm 2023, Petrovietnam đã hoàn thành xuất sắc trước 2 năm kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ giao, đó là nộp NSNN và LNTT hợp nhất. Ước đến hết năm 2024, Petrovietnam sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm về tổng doanh thu. Như vậy, sau 3 năm (2021-2024) Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Hiện tại, sản lượng khai thác dầu thô ở trong nước trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6-8 tỉ m3/năm. Hằng năm, Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; và cung cấp 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm). Petrovietnam đang vận hành thương mại 9 nhà máy điện với tổng công suất 6.600 MW tương đương 8,5% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc phòng, an ninh trên biển.
Hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi với dải sản phẩm chủ lực, trọng yếu của nền kinh tế, vị thế về tiềm lực tài chính tốt, được sự tin tưởng cao, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, Petrovietnam không ngừng phát triển lớn mạnh, hiện là doanh nghiệp có quy mô hàng đầu của đất nước: Tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 532 nghìn tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, trữ lượng khai thác dầu khí đạt 4,38 triệu tấn quy dầu. Tập đoàn có 02 phát hiện dầu khí mới (tại Lô 09-1, mỏ Rồng và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster). Tại giếng R79, Vietsovpetro đã tiến hành thử vỉa đối tượng móng và đã nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng đạt gần 6.300 thùng/ngày. Theo kết quả đánh giá sơ bộ, dự kiến gia tăng tiềm năng dầu khí tại chỗ đạt khoảng 16,5 triệu thùng dầu và ước tính trữ lượng tăng thêm từ giếng khoan R-79 khoảng 4,6 triệu thùng. Tại giếng BA-1X, kết quả tính toán sơ bộ tài nguyên dầu tại chỗ khoảng 84 triệu thùng (tăng gần gấp đôi dự báo ban đầu) dự kiến gia tăng trữ lượng cho toàn bộ vỉa là khoảng 20,2 triệu thùng. Đặc biệt, giếng BA-1X đã được đưa vào khai thác từ ngày 5/5/2024 với lưu lượng khai thác ban đầu khoảng 2.100 thùng/ngày.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ vì suốt trong giai đoạn năm 2019 - 2023, chỉ có năm 2023, Tập đoàn mới có 02 phát hiện dầu khí trong một năm. Điều này là minh chứng Tập đoàn đã thực hiện tốt phương châm hành động của năm 2024 là "Bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ" để phát triển.
Trong hoạt động tài chính, Petrovietnam tiếp tục thực hiện tốt công tác quản trị, do đó, các chỉ tiêu tài chính hầu hết hoàn thành vượt mức kế hoạch, duy trì mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam, đặc biệt biên lợi nhuận hóa dầu giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2023 ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả hoạt động của lĩnh vực lọc hóa dầu, đều hoàn thành vượt mức từ 20-77% kế hoạch 6 tháng và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 482,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ “bàn tay trắng”, đến nay “những người đi tìm lửa” đã xây dựng nên một cơ sở hạ tầng công nghiệp dầu khí lớn mạnh, đồng bộ chuỗi khép kín với 5 lĩnh vực chính gồm: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; hình thành nên đội ngũ gần 60.000 người lao động có năng lực chuyên môn cao, cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp, sáng tạo, thật sự làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, phức tạp của ngành và vươn ra thế giới.
Nhìn lại những chặng đường đã qua, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng: Điểm lại sau sự kiện năm 1959, Bác Hồ đi thăm Baku và mong muốn Việt Nam có ngành công nghiệp Dầu khí mạnh. Nhìn lại đến nay, với sự kiện Vietsovpetro khai thác, đạt được cột mốc 250 triệu tấn dầu, cả Việt Nam đã khai thác khoảng 510 triệu tấn dầu và 230 tỉ m3 khí; đem đến những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, không chỉ về nguồn ngân sách, kinh tế quốc gia, mà còn cải thiện đời sống nhân dân, hình thành kinh tế vùng… thì có thể dám nói rằng “chúng ta đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ”...
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn cũng khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào và tự tin báo công đến Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, ngành Dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Người”.
Có thể khẳng định, trong hành trình thực hiện mong ước của Bác Hồ, dù đứng trước ''bão giông" song "những người đi tìm lửa" vẫn rực cháy nhiệt huyết, luôn giữ vững niềm tin tiến về phía trước, tạo nên những dấu ấn, thành tích vang dội trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, xây dựng nên một ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay.