Pfizer chưa có dữ liệu về hiệu quả của vắc xin với trẻ 2-4 tuổi
Ngày 17/12, hãng dược phẩm của Mỹ Pfizer Inc. công bố kết quả nghiên cứu không mấy khả quan về hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 của hãng cho nhóm trẻ em từ 2 đến 4 tuổi.
* SARS-CoV-2 phá hủy đáng kể hệ miễn dịch của người ung thư chưa tiêm
Ngày 17/12, hãng dược phẩm của Mỹ Pfizer Inc. công bố kết quả nghiên cứu không mấy khả quan về hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 của hãng cho nhóm trẻ em từ 2 đến 4 tuổi.
Hiện chưa rõ kết quả nghiên cứu này có ảnh hưởng đến kế hoạch của Pfizer Inc về việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của hãng cho nhóm trẻ này vào quý 2/2022 hay không.
Pfizer cho biết ở nhóm trẻ 2 đến 4 tuổi đã tiêm 2 mũi vắc xin của hãng, mỗi mũi 3 microgram, cơ thể của nhóm trẻ này không tạo ra phản ứng miễn dịch giống với cơ thể nhóm trẻ 5 đến 11 tuổi được tiêm liều lượng 10 microgram. Tuy vậy, liều 3 microgram vắc xin tạo phản ứng miễn dịch tương tự ở nhóm trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi.
Để tìm hiểu rõ hơn hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 do hãng sản xuất đối với nhóm đối tượng này, Pfizer thông báo sẽ thử nghiệm tiêm 3 liều cho cả 2 nhóm trẻ từ 6 đến 24 tháng, 2 đến 4 tuổi và nhóm trẻ 5 đến 11 tuổi.
Pfizer trước đó đã đặt kế hoạch có được dữ liệu đánh giá tích cực về hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 của hãng đối với nhóm trẻ từ 2 đến 4 tuổi trong năm 2021.
Pfizer khẳng định sự chậm trễ trên nằm ngoài mong đợi, và điều này không có nghĩa hãng thay đổi kế hoạch xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của hãng cho nhóm trẻ từ 2 đến 4 tuổi vào quý 2/2022.
Ngày 30/10, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Theo đó, trẻ em trong độ tuổi này sẽ được 2 mũi Pfizer cách nhau 3 tuần với liều lượng 10 microgram, bằng 1/3 liều tiêm thông thường của người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Dữ liệu thử nghiệm cho thấy vắc xin đạt hiệu quả ngăn lây nhiễm đến 91% dù liều tiêm nhỏ.
Hiện Pfizer và BioNTech đang phối hợp phát triển vắc xin chống biến thể Omcron. Theo Ban Giám đốc điều hành Pfizer, hãng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng cho phiên bản vắc xin mới này vào tháng 1/2022.
Biến thể Omicron đến nay đã xuất hiện tại 77 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng tại Mỹ, biến thể này đã xuất hiện tại 1/3 bang của nước này.
Cho đến nay, vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer được xác định đạt hiệu quả tới 95% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở người trưởng thành, tuy nhiên, Pfizer khẳng định lượng kháng thể suy giảm dần vài tháng sau khi tiêm mũi 2. Các nghiên cứu sơ bộ đến nay khẳng định cần tiêm mũi 3 tăng cường khả năng chống lại Omicron.
Trong diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn một nghiên cứu được công bố ngày 17/12 cho biết virus SARS-CoV-2 có thể thay đổi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư và trong một số trường hợp, gây ra phản ứng viêm mãn tính có thể kéo dài hàng tháng.
Đây là nghiên cứu do nhiều bệnh viện vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ) thực hiện, gồm bệnh viện UAntwerpen, UZA, AZ Maria Middelares và AZ Nikolaas. Nghiên cứu mới của các bệnh viện nói trên đi sâu phân tích và theo dõi tác động của virus SARS-CoV-2 đối với bệnh nhân ung thư và người không bị ung thư trước khi tiêm phòng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chủng virus này làm thay đổi hệ thống miễn dịch, thậm chí có thể trong một thời gian dài. Cụ thể, một số bệnh nhân ung thư đã bị gián đoạn mức độ miễn dịch trong 3 tháng sau khi mắc COVID-19, trong khi những người khác phát triển phản ứng viêm mãn tính.
Sự gián đoạn này có thể đẩy nhanh sự phát triển của các khối u hiện có, vì một số protein trong cơ thể tham gia vào phản ứng miễn dịch có tác dụng kích thích sự phát triển của khối u. Các nhà nghiên cứu đã đặc biệt quan sát thấy hiện tượng này trong trường hợp ung thư huyết học (bệnh bạch cầu, u lympho...). Tuy vậy, không loại trừ khả năng các bệnh ung thư khác cũng có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu đi.
Giáo sư Peter van Dam, điều phối viên nghiên cứu của Trung tâm ung thư đa ngành (MOCA) ở thành phố Antwerp cho biết nghiên cứu trên không đề cập tới khía cạnh nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây ung thư, nhưng chỉ ra rằng việc nhiễm virus này có thể đẩy nhanh sự phát triển của các khối u hiện có.
Giáo sư Van Dam cũng nêu rõ: chỉ theo dõi bệnh nhân ung thư thường xuyên mới có thể sớm ngăn chặn bệnh tiến triển nhanh chóng mà không cần can thiệp. Đó là lý do tại sao điều trị ung thư không được trì hoãn. Bên cạnh đó, giáo sư còn nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ như tiêm phòng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với bệnh nhân ung thư.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, từ ngày 18/12, Hàn Quốc bắt đầu tái áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong dịp giáng sinh và năm mới. Theo quy định phòng dịch mới được cập nhật và có hiệu lực đến ngày 2/1/2022, Hàn Quốc chỉ cho phép tối đa 4 người tham gia các buổi tụ tập cá nhân, thay vì 6 người tại thủ đô và 8 người ở các địa phương khác như quy định trước đó. Quy định này có hiệu lực tại tất cả địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo của Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ngày 18/12 ghi nhận 7.312 ca nhiễm mới, trong đó có 7.284 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trên 7.000 ca/ngày. Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 558.864 ca. Tuy nhiên, ngày 18/12, lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 gặp biến chứng nặng lên tới 1.016 ca.
Việc Hàn Quốc tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch cho thấy sự linh hoạt của nước này trong quá trình thực hiện chủ trương "sống chung an toàn với COVID-19".
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)