PG Bank làm ăn ra sao trước khi tăng vốn điều lệ?
Dù được sự hậu thuẫn của Petrolimex nhưng hoạt động kinh doanh của PG Bank khó bứt phá, lợi nhuận trồi sụt liên tục, luôn nằm trong top dưới.
Sau hơn 1 thập kỷ "nằm im", PG Bank chính thức tăng vốn
Sau khi Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank, UPCoM: PGB) hoàn tất các thủ tục đổi tên, đổi nhận diện thương hiệu do cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn liền lập tức có động thái tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng cổ phiếu PGB đã được Ngân hàng phát hành để tăng vốn cổ phần là 120 triệu đơn vị. UBCKNN đề nghị Ngân hàng liên hệ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để hoàn thiện thủ tục đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch bổ sung theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/03, PG Bank đã hoàn tất phân phối 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ thực hiện quyền 40% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới).
Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ căn cứ theo báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán là 1.200 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của PG Bank sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 diễn ra ngày 23/10/2023, cổ đông PGBank đã thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng, từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, theo hai phương án.
Trong đó, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 26,67%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch chào bán, PG Bank dự kiến chào bán tối đa 80 triệu cổ phiếu và giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
PG Bank cho biết dự kiến số tiền huy động là 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng sẽ sử dụng 30 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn; 300 tỷ đồng đầu tư nâng cấp phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị tin học và dự án chuyển đổi ngân hàng; 300 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ và trái phiếu tổ chức tín dụng khác phát hành; còn lại 1.370 tỷ đồng cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
Như vậy, đây là lần đầu tiên PG Bank tăng vốn sau gần 13 năm giữ nguyên và cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chia cổ tức/cổ phiếu thưởng cho cổ đông sau gần 12 năm.
Trước khi tăng vốn, PG Bank làm ăn ra sao?
Kể từ năm 2012, Ngân hàng này không tăng vốn điều lệ, vẫn giữ nguyên mức 3.000 tỷ đồng và mạng lưới 79 chi nhánh. Chính vì vậy, những năm qua, hoạt động kinh doanh của PG Bank khó bứt phá.
Cụ thể, sau giai đoạn 2011-2012 lợi nhuận sau thuế thu về lần lượt hơn 446 tỷ đồng và gần 240 tỷ đồng, PG Bank lại trải qua chuỗi thời gian kinh doanh lẹt đẹt vài chục tỷ đồng.
Theo đó, giai đoạn 2013-2019, mức lãi sau thuế tại PG Bank thấp nhất đạt 38 tỷ đồng năm 2013, mức cao nhất cũng chỉ ở mức 127 tỷ đồng năm 2018, đến năm 2019 bất ngờ lao dốc xuống còn hơn 74 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2020-2022 lợi nhuận sau thuế tại PGBank ghi nhận tăng trưởng nhanh nhưng cũng không quá 500 tỷ/năm. Cụ thể, năm 2020 đến 2022 lãi sau thuế đạt lần lượt hơn 169 tỷ - 258 tỷ - 403 tỷ. Đến năm 2023 bất ngờ giảm mạnh 30% so với năm 2022, xuống còn hơn 283 tỷ đồng.
Tương ứng kết quả kinh doanh, quy mô tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ cho vay và huy động vốn của PG Bank giai đoạn 2011-2015 lao dốc, thậm chí là tăng trưởng âm trong năm 2015. Mặc dù từ năm 2016 đến nay quy mô Ngân hàng có cải thiện nhưng cũng chỉ ở mức bình quân 10-11%.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Ngân hàng tăng 13% so với đầu năm, lên mức 55.495 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng đến 22% đạt hơn 35.000 tỷ đồng. Ở phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 14% đạt 35.729 tỷ đồng.
Đáng chú ý về chất lượng nợ vay, tính đến cuối năm 2023, nợ xấu tại PG Bank ghi nhận hơn 905 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,56%. Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tính đến cuối năm 2023 ghi nhận hơn 949 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Số trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 0%.
Có thể thấy, dù được sự hậu thuẫn của Petrolimex nhưng kết quả kinh doanh của PG Bank luôn nằm ở top dưới, con số lợi nhuận trồi sụt liên tục.
Định hướng cơ cấu lại của PG Bank giai đoạn 2021-2025 gồm các mục tiêu: Hoàn thiện cơ cấu quản trị, điều hạnh, quản lý rủi ro đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; xử lý dứt điểm các tồn tại, vi phạm, rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; kiểm soát và xử lý đối với nợ xấu, nợ tiềm ẩn nợ xấu, nợ bán cho VAMC. Ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của PGBank, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%.
PG Bank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, ra đời năm 1993 với số vốn điều lệ 700 triệu đồng. Đến năm 2005, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tham gia góp vốn vào Ngân hàng, trở thành 2 cổ đông lớn với nhiều cam kết hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.
Đến năm 2007, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, gọi tắt là PG Bank và tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2012, PG Bank giữ nguyên mức vốn điều lệ cho đến nay. Cổ đông lớn duy nhất lúc bấy giờ là Petrolimex sở hữu 40% cổ phần, tương đương 120 triệu cổ phiếu.
Năm 2023 đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của PGBank khi chia tay cổ đông lớn Petrolimex sau gần 2 thập niên gắn bó.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/