PGS Đỗ Văn Dũng gửi đề xuất tới tân Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, giáo dục là 'tập con' nằm trong tập lớn của xã hội. Những thay đổi đều phải từ từ, từng bước.
Chia sẻ với tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng giáo dục cần chiến lược đầu tư dài hơi, cần thời gian mới được “hái quả”. Trong một nhiệm kỳ 5 năm, không thể tham vọng ôm đồm, giải quyết được mọi việc.
Chọn chủ đề để tập trung trí lực, vật lực
“Được đào tạo ở nước ngoài về nên khi nhận nhiệm vụ quản lý trường, ban đầu, tôi rất bức bối vì thấy cái gì cũng chậm, cái gì cũng lạc hậu, cái gì cũng cần phải đổi mới. Nhưng sau đó, tôi tự chiêm nghiệm được một điều rằng nguồn lực của đất nước có hạn, giáo dục lại là vấn đề của mọi gia đình, tầng lớp trong xã hội. Không thể dàn hàng ngang để tiến hành cải cách, cái gì tốt phải giữ, cái gì quá lạc hậu thì phải đổi nhưng từ từ”, PGS Đỗ Văn Dũng nói.
Chính vì vậy, ông cho rằng mỗi năm chỉ chọn một chủ đề để tập trung trí lực, vật lực. Ví dụ năm nay, có thể là bàn giải pháp làm thế nào để giữ chân được người thầy, làm thế nào để người thầy có thể sống tốt. Bộ trưởng cũng vừa có tuyên bố làm thế nào để vị thế của người thầy tốt hơn.
PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng hệ thống giáo dục chỉ là "tập con" nằm trong tập lớn của xã hội. Nếu các bộ khác không hiểu, không đồng hành, sẽ rất khó để thay đổi, nên cần phải vận động để có được chính sách đồng bộ, kịp thời.
Thứ hai, thực thi chính sách phải có người thực hiện chuyên nghiệp. Điều đó có nghĩa nói đến câu chuyện “dùng người”.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, nếu để mối quan hệ anh em, bạn bè, bằng hữu ảnh hưởng việc “dùng người”, chắc chắn sẽ không đạt được ý tưởng như mong muốn.
Mặt khác, PGS Dũng cũng cho rằng với cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục, tân bộ trưởng nên đi cơ sở để thực tế; đi hết một vòng từ mầm non đến đại học để có cái nhìn đa chiều về giáo dục.
Xóa được học thêm - dạy thêm là thành công
Từ những quan sát, trải nghiệm thực tiễn, PGS Đỗ Văn Dũng khẳng định giáo dục phổ thông hiện nay có rất nhiều vấn đề. Tuy vậy, tân bộ trưởng có thuận lợi là giáo dục đang bước vào giai đoạn đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình giáo dục phổ thông mới).
“Chỉ khi nào từ tiểu học đến THPT không còn xảy ra tình trạng học thêm, dạy thêm, lúc đó, học sinh mới thực sự mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc”, PGS Đỗ Văn Dũng nói.
Muốn vậy, giáo dục phải giải quyết được 3 vấn đề: Đổi mới thi cử, đánh giá; nâng cao đời sống giáo viên; giảm sĩ số lớp học.
Ba nội dung này một mình ngành giáo dục không thể giải quyết được. Giáo viên không thể hoàn thành công việc của mình khi hiện nay sĩ số lớp lên đến 45-60 học sinh.
Trong khi đó, ở Phần Lan, 15 học sinh/lớp. Giảm sĩ số đồng nghĩa việc tăng quỹ đất, tăng phòng học, tăng giáo viên cho các trường. Đây cũng là cơ hội để các trường sư phạm lấy lại vị thế của mình.
Nhưng làm được tiêu chí này, phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không có cách nào khác là phải “xắn tay” vào thực tế, quyết liệt đến các địa phương để đề nghị vấn đề này.
Việc nâng cao đời sống cho nhà giáo cũng thế. Đây không phải câu chuyện trong tầm tay của ngành giáo dục nhưng ngành phải đứng lên đòi quyền lợi cho giáo viên.
Trong 3 tiêu chí trên, PGS Dũng cho rằng chỉ có đổi mới đánh giá, thi cử là nằm trong tay ngành giáo dục. Những đổi mới này thậm chí phải đi trước đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở phổ thông.
Nghiêm Huê / Tiền Phong