Hạn chế, cấm xe xăng dầu: Bước khởi đầu quan trọng cho các cam kết phát triển bền vững

Theo đánh giá của PGS. TS Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, lộ trình cấm xe xăng ở Hà Nội là bước khởi đầu quan trọng cho các cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã tuyên bố trên trường quốc tế.

Tác động hai chiều, nhưng lâu dài sẽ thành tích cực

Việc hướng tới mục tiêu phát triển xanh không còn là lựa chọn mà là trách nhiệm mang tính toàn cầu. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị rõ ràng khi cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi một lộ trình cụ thể, được triển khai ở từng địa phương, từng lĩnh vực với những bước đi vững chắc.

Không nằm ngoài xu hướng chung, nhiều quốc gia đã đặt ra mốc thời gian cụ thể để loại bỏ xe chạy xăng dầu, tiến tới phương tiện xanh. Việt Nam buộc phải tham gia vào cuộc đua này, không chỉ vì sức ép bên ngoài mà còn vì tương lai phát triển bền vững của chính mình.

Theo đánh giá của PGS. TS. Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, lộ trình cấm xe xăng trong nội đô là bước khởi đầu quan trọng cho các cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã tuyên bố trên trường quốc tế. Ông nhận định:“Nếu nhìn dài hạn thì đây là tác động rất tích cực. Bởi vì chúng ta có cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 rồi, thì chúng ta phải thực hiện cái lộ trình đó, và lộ trình đó thì nó phải được thể hiện cụ thể trên từng giai đoạn, ở từng địa phương, từng lĩnh vực.”

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng các chính sách cấm xe chạy xăng, diesel theo từng giai đoạn. Từ châu Âu đến châu Á, các đô thị lớn đã có kế hoạch loại bỏ dần các phương tiện gây ô nhiễm, thay thế bằng xe điện, xe hybrid và giao thông công cộng xanh. Việc Hà Nội bắt đầu triển khai từ khu vực trung tâm là cách tiếp cận phù hợp, thể hiện trách nhiệm với môi trường và hướng tới đô thị thông minh.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Bách

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Bách

Tuy nhiên, tác động của chính sách này vẫn có những mặt hạn chế. Theo như PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phân tích, cần phải hiện diện và nhìn nhận đầy đủ bối cảnh vì vấn đề xã hội, đặc biệt là khó khăn đối với tầng lớp lao động thu nhập thấp trong bối cảnh chuyển đổi phương tiện. Việc chuyển đổi phương tiện đi lại là một vấn đề rất lớn, có thể ảnh hưởng đến sinh kế, thói quen tiêu dùng và lối sống của người dân.

Trong giai đoạn đầu, việc cấm xe xăng sẽ tạo ra không ít khó khăn cho người lao động nghèo, những người sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh, từ giao hàng, chạy xe công nghệ cho tới buôn bán nhỏ. Sự thay đổi đột ngột mà không có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi hợp lý có thể gây “sốc” cả về thói quen và lối sống tiêu dùng. Vì thế, để chính sách thực sự hiệu quả, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính giúp người dân chuyển đổi phương tiện, cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức để tạo ra một quá trình chuyển đổi xanh “bao trùm”, cần phải làm thế nào để “không để ai bỏ lại phía sau.”

Tăng trưởng xanh: Cơ hội lớn đi cùng thách thức nặng nề

Chính sách cấm xe xăng không phải một hành động đơn lẻ. Nó nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững mà Việt Nam hướng đến trong giai đoạn 2026–2030. Tuy nhiên, như mọi quá trình chuyển đổi có tính “định hình thời đại”, tăng trưởng xanh đi kèm cả thời cơ và thách thức.

Giai đoạn 2026–2030 được xem là “bản lề” để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, các thách thức cũng hiện diện ngày càng rõ rệt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, nền tảng công nghệ và công nghiệp còn yếu.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn thẳng thắn chỉ ra: “Thách thức thì rất là lớn, vì chúng ta là một nước đang phát triển, nền tảng công nghiệp chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu về công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dịch vụ xanh thông minh. Chuyển đổi xanh bản chất là thay đổi về công nghệ, tư duy và cách làm. Khi nền tảng công nghệ của mình còn thấp thì mọi sự chuyển đổi đều phải dựa vào bên ngoài, từ vốn đến công nghệ, đến cả nhân lực.”

Thực tế, để thúc đẩy phát triển xanh, Việt Nam cần giải quyết hàng loạt điểm nghẽn: thể chế chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng thiếu tính liên kết, nguồn lực tài chính hạn chế và khoảng cách trong năng lực đổi mới sáng tạo giữa khu vực công – tư còn xa. Việc tích hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, điều mà nhiều quốc gia đang theo đuổi, cũng đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng những nền tảng số toàn diện, từ chính phủ điện tử, logistics thông minh cho tới giáo dục và y tế xanh.

“Thách thức lớn nhất chính là thay đổi tư duy con người, tạo ra một lối sống, cách tư duy mới phù hợp với bối cảnh mới, phù hợp với chuyển đổi xanh. Chúng ta cần phải đẩy nhanh sự thay đổi về tư duy này nếu không muốn bị tụt hậu so với các quốc gia khác”, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho hay.

Lợi thế từ dân số trẻ và tinh thần đổi mới

Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam lại đang có những lợi thế không nhỏ trong quá trình chuyển đổi. Trước hết là lực lượng dân số trẻ, đây nền tảng quan trọng của công cuộc đổi mới. Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, dân số trẻ sẽ dễ tiếp cận với các xu hướng mới rất nhanh, đặc biệt là công nghệ và chuyển đổi số, nên đây chính là lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo.

Tăng trưởng xanh được xem là xu hướng tất yếu cho phát triển bền vững. Ảnh: Internet

Tăng trưởng xanh được xem là xu hướng tất yếu cho phát triển bền vững. Ảnh: Internet

Không những thế, tinh thần đổi mới sáng tạo, một trong những trụ cột quan trọng của phát triển xanh đang được khơi dậy mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Từ cải cách thể chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính, tới đầu tư vào khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, tất cả đang đặt nền móng cho một nền kinh tế xanh, thông minh và linh hoạt hơn.

“Tôi cho rằng chưa khi nào mà chúng ta hứng khởi trong cái việc là chúng ta phát huy cái tinh thần đổi mới sáng tạo bây giờ là phát huy cái tinh thần là tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ được nhân tạo để mà chúng ta bứt phá. Chúng ta có những cái thay đổi hết sức mạnh mẽ, như việc chuyển sang cái chính quyền hai cấp rồi là có những cái thay đổi như Tổng Bí thư nói là ‘Sắp xếp lại giang sơn’. Tất cả những cái đấy là một cái điều kiện mà rất tốt về mặt nền tảng thì chúng ta có những cái cái thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy đấy thì nó sẽ giúp chúng ta thực hiện được những cái ý tưởng lớn.

Bởi vì chúng ta có chủ trương, chúng ta có chính sách nhưng mà cái tổ chức bộ máy thì trước nay là chúng ta thực sự là cũng chưa làm tốt cái chỗ này. Thế cho nên là cái lần này nếu mà chúng ta đã làm đồng bộ, có chủ trương, chính sách tốt rồi thì phải tổ chức làm sao để thực hiện nó ngay trên thực tế đưa nó vào thực sự nó và đưa vào cuộc sống có tác động thực sự thì đấy mới chính là cái mà chúng ta mong muốn thì muốn làm cái điều đó thì phải thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá có vấn đề gì vướng mắc để chỉnh sửa và có thể can thiệp, có thể là điều chỉnh ngay về mặt chính sách để có thể đưa những cái chính sách này nó thực sự vào cuộc sống và không phải tiếp tục nữa, phải có những đổi mới”, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nói thêm.

Cần không gian và thể chế cho đổi mới sáng tạo

Một khía cạnh khác không thể thiếu để thúc đẩy tăng trưởng xanh là tạo không gian và thể chế pháp lý cho đổi mới sáng tạo. Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, đổi mới không chỉ đến từ công nghệ mà còn đến từ mô hình quản trị, mô hình sản xuất – kinh doanh và dịch vụ.

“Chúng ta phải có khung pháp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Phải chấp nhận rủi ro, thử sai và có các cơ chế tài chính hỗ trợ cho những sáng kiến. Đây là điều kiện tiên quyết để hình thành một hệ sinh thái xanh bền vững”, ông Tuấn kiến nghị.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các mô hình phát triển bền vững, nếu Việt Nam không kịp thích nghi thì nguy cơ bị tụt lại phía sau là rất rõ ràng. Ngược lại, nếu tận dụng tốt các cơ hội từ lực lượng lao động trẻ, sức mạnh công nghệ và môi trường chính trị ổn định, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá.

Việc TP Hà Nội bắt đầu triển khai việc cấm xe chạy xăng, dầu từ 1/7/2026 không chỉ là một biện pháp hành chính đơn thuần. Đó là dấu mốc khởi đầu cho quá trình chuyển đổi sâu rộng về tư duy, công nghệ, mô hình phát triển, một hành trình dài mà Việt Nam buộc phải bước vào nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định: “Chuyển đổi xanh là một quá trình đòi hỏi đổi mới sáng tạo rất nhiều, từ công nghệ, quản trị đến tư duy. Vấn đề là chúng ta có tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 hay không.”

Để Việt Nam tiến tới môi trường giao thông xanh để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, đây là lúc chúng ta cần hành động đồng bộ, quyết liệt và kiên trì, để biến những mục tiêu xanh trở thành hiện thực, đưa đất nước phát triển xanh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đức Bách

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/han-che-cam-xe-xang-dau-buoc-khoi-dau-quan-trong-cho-cac-cam-ket-phat-trien-ben-vung-100398.html