Lạm phát của Mỹ tăng tốc do thuế quan
Trong tháng Sáu, lạm phát của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, báo hiệu thuế quan của Tổng thống Donald Trump bắt đầu ảnh hưởng đến giá cả ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị của tập đoàn bán lẻ Walmart ở Secaucus, bang New Jersey, Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) hôm 15-7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng hàng năm 2,7% trong tháng Sáu, cao hơn mức tăng 2,4% trong tháng Năm và cao hơn mức dự báo tăng 2,6% của các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát.
Con số lạm phát mới nhất vẫn cao hơn đáng kể so với mức lạm phát mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Lạm phát tăng của Mỹ tăng trong tháng trước một phần do giá thực phẩm tăng cao. CPI cốt lõi hàng năm, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến đông, tăng 2,9% trong tháng Sáu, phù hợp với dự báo.
Sau khi dữ liệu được công bố, ông Trump Mỹ vẫn tiếp tục hối thúc Fed giảm lãi suất.
“Giá tiêu dùng đang thấp. Fed hãy hạ lãi suất xuống ngay lập tức”, ông viết trên mạng xã hội Truth Social.
Tuy nhiên, hầu hết các thành viên của Ủy ban thị trường mổ liên bang (FOMC), cơ quan thiết lập lãi suất của Fed muốn trì hoãn bất kỳ đợt cắt giảm nào cho đến khi tác động lạm phát của thuế quan trở nên rõ ràng. Chỉ có hai thành viên của FOMC ủng hộ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này, theo nội dung biên bản cuộc họp chính sách của Fed hồi tháng Sáu.
Dữ liệu CPI được công bố trong bối cảnh người đứng đầu Nhà Trắng đang gia tăng sức ép với các đối tác thương mại, đe dọa áp đặt các mức thuế quan nhập khẩu cao kể từ tháng tới nếu họ không đạt được thỏa thuận thương mại với Washington.
Ông Trump đã công bố một loạt các mức thuế quan kể từ khi trở lại Nhà Trắng, áp mức thuế nhập khẩu cơ bản là 10% và một loạt các khoản thuế cụ thể cho từng lĩnh vực. Ông trì hoãn việc triển khai các mức thuế đối ứng cao đến ngày 1-8, thay vì 9-7 theo thời hạn ban đầu.
Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell ghi nhận, tác động của thuế quan cuối cùng cũng thể hiện rõ qua lạm phát dù vẫn còn ở mức khiêm tốn. Điều này cho thấy doanh nghiệp Mỹ đang cảm nhận hậu quả của thuế quan.
“Báo cáo CPI hôm nay cho thấy, thuế quan đang bắt đầu tác động đến giá cả tiêu dùng”, Omair Sharif, người sáng lập công ty nghiên cứu Inflation Insights bình luận.
Với việc các nhà bán lẻ như Walmart cảnh báo về việc tăng giá bán, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán áp lực giá sẽ bắt đầu gia tăng từ mùa hè này và kéo dài đến cuối năm. Các nhà kinh tế giải thích, lạm phát phản ứng chậm với các mức thuế nhập cao hơn của ông Trump vì doanh nghiệp vẫn đang bán hàng tồn kho trước khi thuế quan có hiệu lực.
Sarah House, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Wells Fargo nhận định, doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc hấp thụ mức thuế nhập khẩu cao hơn khi lượng hàng tồn kho không bị ảnh hưởng bởi thuế quan giảm dần.
Theo bà, mức tăng CPI trong tháng trước chưa quá đủ mạnh để khiến các quan chức Fed lo ngại vào thời điểm này.
Goldman Sachs dự báo, CPI lõi hàng tháng của Mỹ sẽ tăng từ 0,3%-0,4% trong vài tháng tới, phản ánh mức tăng của thuế quan đối với giá các mặt hàng điện tử tiêu dùng, ô tô và hàng may mặc.
Dù vậy, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai vẫn kỳ vọng Fed sẽ tiến hai đợt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm.
Đồng đô la và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, vốn đặc biệt nhạy cảm với kỳ vọng lạm phát, tăng nhẹ sau khi dữ liệu CPI được công bố. Thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới trong thời gian ngắn trước khi giảm vào cuối phiên.
“Nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm vì con số lạm phát của Mỹ không quá xấu”, Andy Brenner, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định quốc tế của NatAlliance Securities nói.
Theo Bloomberg, Reuters
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-phat-cua-my-tang-toc-do-thue-quan/