PGS. TS Chu Cẩm Thơ: 'Khả năng tự học của học sinh phổ thông rất hạn chế'

Trong bối cảnh kỳ thi đánh giá năng lực tư duy ngày càng trở nên phổ biến, dần xuất hiện nhiều đào tạo trung tâm tự phát hứa hẹn giúp học sinh vượt qua kỳ thi trung học phổ thông đầy cạnh tranh.

Các khóa luyện thi cấp tốc phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực tư duy hút học sinh. Ảnh: Vĩnh Khánh

Các khóa luyện thi cấp tốc phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực tư duy hút học sinh. Ảnh: Vĩnh Khánh

Năm 2024, nhiều trường đại học thông báo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh. Các thí sinh lựa chọn tham dự kỳ thi này đều đang miệt mài với giai đoạn ôn thi “cấp tốc”.

Do đó, nhiều khóa luyện thi đã được mở, hút các thí sinh đăng lý ôn luyện. Không ít học sinh và phụ huynh đã vội vàng đăng ký vào các trung tâm luyện thi. Số khác lại đang băn khoăn có nên bỏ ra khoản tiền lớn để con em mình tham gia các lớp học này hay không.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ.

Để rõ thêm về vấn đề này chúng tôi đã có buổi trao đổi với PGS. TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

- Thưa PGS.TS Chu Cẩm Thơ, theo PGS, động lực nào thúc đẩy sự xuất hiện của các lò luyện thi đánh giá năng lực tư duy trong thời gian gần đây?

PGS. TS Chu Cẩm Thơ: Đối với các em học sinh phổ thông, giai đoạn chuyển tiếp từ học phổ thông lên học đại học, các em phải trải qua một cuộc thi để xét tuyển hoặc bằng một hình thức tuyển sinh tương ứng.

Theo cơ chế, nước ta cho phép rất nhiều hình thức tuyển sinh, đã tạo cơ hội cho các em học sinh được lựa chọn công cụ phù hợp với năng lực và sở trường của mình.

Điều này đáp ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn so với trước đây. Đây là một trong những tín hiệu tốt cho đất nước với số lượng thí sinh ứng thí vào đại học rất cao.

Từ trước đến nay, yêu cầu luyện thi của chúng ta luôn tồn tại và có rất nhiều các lớp học như thế ở các địa phương. Bây giờ, khi mà các trường đại học cung cấp các công cụ mới, những bài thi kiểu mới, các lớp luyện thi cũng thích ứng theo rất nhanh.

Đấy là yêu cầu tất yếu của thị trường. Và đương nhiên, kỳ thi đánh giá năng lực tư duy - một kỳ thi được đánh giá cao, đang được rất nhiều trường đại học lớn sử dụng cũng không ngoại lệ.

Học sinh đến lò luyện tập trung vì thiếu năng lực tự học? Ảnh: Vĩnh Khánh

Học sinh đến lò luyện tập trung vì thiếu năng lực tự học? Ảnh: Vĩnh Khánh

- Các lò luyện thi có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng giáo dục phổ thông và đời sống của các em học sinh, thưa PGS.TS Chu Cẩm Thơ?

PGS. TS Chu Cẩm Thơ: Một là khả năng tự học của học sinh. Các trường phổ thông có trách nhiệm đào tạo chương trình và có sứ mệnh tạo ra cơ hội học tập cho học sinh. Từ đó, giúp các em thích nghi với những mô hình tuyển sinh.

Nhưng thực tế, khả năng tự học của các em còn hạn chế và không nhìn thấy cơ hội đạt được mục tiêu mà mình mong muốn ở trường học. Điều này cho thấy chất lượng giáo dục và phương pháp dạy ở trường phổ thông vẫn đang có nhiều tồn đọng.

Hai là tốn kém về thời gian. Ở lứa tuổi các em, ngoài thời gian dành cho việc học thì các em cần luyện tập cho sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và rèn các kỹ năng sống khác.

Khi quá tập trung cho việc học tập thì sẽ không còn thời gian cho các hoạt động khác nữa. Nếu không đủ các tiêu chí về sức khỏe, tinh thần, vốn sống thì khi ra trường các em cũng sẽ không đáp ứng được tốt cho xã hội.

Ba là hao phí kinh tế. Theo thống kê, ở Việt Nam, thị trường giáo dục ngoài nhà trường rất lớn, gần như là không em nào không đi học thêm. Việc này gây lãng phí rất nhiều tiền của và tạo áp lực lớn đến kinh tế các gia đình.

- Thưa PGS.TS Chu Cẩm Thơ, giải pháp nào có thể kiểm soát tình trạng này, hạn chế những tác động tiêu cực từ thực trạng nêu trên?

PGS. TS Chu Cẩm Thơ: Nên chú trọng đầu tư đầy đủ cho các nhà trường phổ thông cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy.

Hiện nay, mong muốn nhất trên phương diện tổng thể là người học phải có năng lực thật sự. Điều này được thể hiện bằng cái “chất”, tức là khả năng tự học và nếu việc đó tốt thì đương nhiên là sẽ có hiệu quả kinh tế. Động lực lớn nhất phải nằm từ phía người học và phía trường học được giao trách nhiệm đào tạo chính quy.

Trong một phạm vi nào đó, khi mà nhà trường chưa làm được thì đương nhiên vẫn có nhu cầu từ bên ngoài để hỗ trợ cho người học. Đa số các trung tâm ngoài nhà trường ngoài dạy kiến thức thì họ cũng đang cung cấp rất nhiều những dịch vụ giúp cho người học có cơ hội rèn luyện thêm kỹ năng khác.

- Hiện nay có rất nhiều các trung tâm, lò luyện thi “trôi nổi” được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội. Vậy làm thế nào để các em học sinh và phụ huynh có thể tránh những “bẫy” luyện thi đánh giá năng lực, tư duy này thưa PGS?

PGS. TS Chu Cẩm Thơ: Về nguyên tắc, lĩnh vực giáo dục là một lĩnh vực nghề nghiệp có điều kiện. Thế nên, không bao giờ chúng tôi ủng hộ hay không cảnh báo với phụ huynh cũng như người mở trung tâm.

Nếu mở mà không có giấy phép và không có đủ các cái điều kiện thì đấy là vi phạm pháp luật. Dù rằng là các thầy cô đang giảng dạy cho rằng là mình có năng lực, có trình độ hoặc là có thể giúp học sinh đỗ đạt. Thế nhưng về nguyên tắc khi mà không tuân thủ quy định, ít nhiều cũng sẽ có rủi ro, gây hại cho người học.

Các bạn trẻ đang quá bị lôi cuốn bởi các quảng cáo trên mạng xã hội. Các bạn cần cân nhắc trước khi chọn học tại bất cứ nơi nào. Quyền quyết định là của các bạn và không phải lúc nào cũng gặp rủi ro, nhưng xét về lâu dài, bền vững thì chúng ta nên sáng suốt.

Pháp luật quy định rất rõ ràng các tiêu chuẩn của người dạy, của lớp học, của chương trình và nếu như chưa đạt được điều đó thì đều tiềm ẩn những cái nguy cơ nhất định.

- PGS.TS Chu Cẩm Thơ có lời khuyên nào dành cho học sinh và phụ huynh về việc ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực?

PGS. TS Chu Cẩm Thơ: Thứ nhất, các bậc phụ huynh và các em hãy chuẩn bị một tinh thần thật tốt, luôn sẵn sàng. Sẽ không hiệu quả nếu đến lúc vào cuộc thi mới bắt đầu ôn tập.

Thứ hai, bây giờ có rất nhiều công cụ và nhiều hình thức tuyển sinh. Đây vừa là mở ra cơ hội nhưng đồng thời cũng cần người học, người dạy và phụ huynh phải tìm hiểu kỹ càng.

Thứ ba, học hiệu quả nhất là tự học. Việc chuẩn hóa đề giúp các đề thi luôn giữ tiêu chí chuẩn mực, không có bất cứ tiết lộ nào ra bên ngoài. Thế nên luyện mà không phải học thật sự từ bên trong thì chưa chắc đã đạt được yêu cầu như mong muốn. Đây cũng là biện pháp khiến các lò luyện thi có ảnh hưởng ít đi, giảm tính tin cậy.

Vĩnh Khánh - Yến Dung

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/psg-ts-chu-cam-tho-kha-nang-tu-hoc-cua-hoc-sinh-pho-thong-rat-han-che-179240616204901457.htm