Bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ thầy giáo dạy văn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đang cận kề, các sĩ tử lớp 12 ngày đêm hăng say ôn tập để chinh phục cột mốc quan trọng này. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài, việc quản lý thời gian hiệu quả trong quá trình làm bài thi môn Ngữ văn cũng đóng vai trò then chốt góp phần gia tăng kết quả bài thi tốt nghiệp.

Thầy Vũ Văn Long, giáo viên Ngữ văn dày dặn kinh nghiệm tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ những bí quyết ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn, giúp các sĩ tử tự tin bước vào kỳ thi quan trọng này.

Thầy Vũ Văn Long, giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thầy Vũ Văn Long, giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Yếu tố then chốt giúp học sinh đạt điểm cao

Theo thầy Long, để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đối với các môn học khác nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, học sinh cần nắm vững ba yếu tố: “Chắc kiến thức, vững kỹ năng và phân bố thời gian làm bài hợp lý”.

Với thời gian ôn tập còn lại khá hạn hẹp, thay vì ôm đồm kiến thức mới, học sinh nên tập trung hệ thống hóa kiến thức đã học bằng phương pháp sơ đồ hóa. Việc biến tấu những kiến thức hàn lâm thành sơ đồ tư duy (Mindmap) sinh động, giàu hình ảnh và từ khóa sẽ giúp các em ghi nhớ dễ dàng và tạo hứng thú học tập.

Thầy Long chia sẻ: “Môn Ngữ văn cũng như các môn học khác, là một khoa học nền tảng góp phần củng cố và bồi dưỡng vốn ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Hãy tưởng tượng, những kiến thức tưởng chừng khô khan được biến hóa thành những “bức tranh tư duy” đầy màu sắc, với hình ảnh sinh động, từ khóa rõ ràng, trình bày logic trên trang giấy A4. Đó sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho các em chinh phục môn học này”.

Theo thầy Long, môn Ngữ văn cũng như các môn học khác, là một khoa học nền tảng góp phần củng cố và bồi dưỡng vốn ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.

Theo thầy Long, môn Ngữ văn cũng như các môn học khác, là một khoa học nền tảng góp phần củng cố và bồi dưỡng vốn ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.

Thầy Long bày tỏ về tầm quan trọng của việc nắm vững toàn bộ kiến thức của môn học để đạt điểm cao trong kỳ thi. Đối với phần Đọc hiểu và câu 1 phần Làm văn, học sinh cần rèn luyện kỹ năng xử lý các dạng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đề thi. Việc trau dồi nhóm kỹ năng này giúp các em tự tin giải quyết mọi dạng đề. Riêng với câu 2 phần Làm văn, việc ôn tập kỹ lưỡng các văn bản trong chương trình Ngữ văn 12 là nền tảng vững chắc để học sinh hoàn thành tốt bài thi.

Với những học sinh gặp khó khăn trong môn Ngữ văn, thầy Long có thêm lời khuyên hữu ích cho các em trong quá trình học tập và ôn thi. Đầu tiên, các em cần đọc và phân tích kỹ đề bài, sau đó cụ thể hóa yêu cầu của đề bài thành dàn ý sơ lược và đảm bảo bài viết có luận điểm rõ ràng. Trong quá trình làm bài, học sinh cần hạn chế tẩy xóa, tránh lỗi chính tả, ngữ pháp cũng như viết những câu văn cộc lốc, thiếu chủ - vị. Diễn đạt ý rõ ràng, tránh mập mờ, sử dụng từ ngữ đúng ngữ cảnh; cần nhớ rằng viết đủ ý quan trọng hơn viết dài dòng, phân bố thời gian làm bài hợp lý; rèn luyện kỹ năng viết thường xuyên với nhiều dạng đề; không bỏ sót bất kỳ câu hỏi nào và giữ tinh thần thoải mái, tránh áp lực cũng là những lời khuyên hết sức hữu ích mà thầy Long chia sẻ cho các bạn không có nhiều “năng khiếu” với môn học này.

Thầy Long nhấn mạnh, học sinh cần đọc kỹ đề, xác định ý chính và phụ của câu hỏi để trả lời chính xác. Ngoài ra, việc phân chia thời gian làm bài hợp lý cũng rất quan trọng: “Với những câu viết văn, các em cần phác thảo một số ý chính ra giấy nháp, sắp xếp trình tự hợp lý rồi hãy viết vào bài làm. Phân chia thời gian theo sức viết của mình cũng rất quan trọng. Thông thường, các em có thể dành 20 phút cho 4 câu hỏi phần Đọc hiểu, 25 phút cho đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ, và khoảng 75 phút cho bài nghị luận văn học”.

Thí sinh cần tập trung vào từ khóa của câu hỏi, trả lời vào trọng tâm, không lan man. Đối với những câu hỏi mang tính nhận biết thì nội dung câu trả lời các em phải lấy từ ngữ liệu được trích dẫn bên trên. Với các câu thông hiểu và vận dụng, các em cần làm rõ quan điểm cá nhân bằng các lý lẽ cùng lập luận chặt chẽ.

Đồng thời, đoạn văn 200 chữ cần có bố cục rõ ràng, thông thường gồm có câu chủ đề nêu lên đề tài của đoạn văn nghị luận xã hội, theo sau đó là phần bàn luận vấn đề. Đặc biệt, đây là đoạn văn, do vậy các em cần đảm bảo đúng hình thức của đoạn văn: lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không được xuống dòng. Bên cạnh đó, các em cần kết hợp các thao tác lập luận như giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh, bác bỏ để làm rõ quan điểm, ý kiến cá nhân, đồng thời chú ý phân tích ngắn gọn từ một đến hai dẫn chứng phù hợp.

Đối với câu nghị luận văn học - “con át chủ bài” chiếm tới 50% tổng số điểm trong bài thi môn Ngữ văn - đây thực sự là “đấu trường” đòi hỏi sĩ tử phải “dồn sức” và “dồn trí” nhằm giải quyết vấn đề đặt ra trong yêu cầu của đề bài. Để có thể phát huy tối đa ưu thế của “con át chủ bài” này, trước tiên các em cần nắm vững kiến thức cơ bản của các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 - đây là điều kiện cần thiết để có tâm thế tốt khi viết bài. Tuy nhiên, điều kiện đủ để đạt điểm cao còn đòi hỏi các em phải nắm chắc kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi thuộc kiểu bài nghị luận văn học.

“Đặc biệt là các em chú ý vào một số dạng câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây như dạng đề phân tích đoạn thơ/phân tích nhân vật trong các tác phẩm truyện/nêu cảm nhận về đoạn thơ/nêu cảm nhận về một hình ảnh/chi tiết trong đoạn thơ/đoạn trích văn xuôi,… Khi nắm chắc các bước làm với từng kiểu bài sẽ giúp các em bình tĩnh để xử lí yêu cầu của đề thi và tránh “mất điểm oan” trong quá trình làm bài…” - Thầy Long lưu ý.

Theo thầy Long, một bài nghị luận văn học tốt là bài viết thể hiện khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt.

Theo thầy Long, một bài nghị luận văn học tốt là bài viết thể hiện khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt.

Còn với thơ, các em không nên diễn xuôi thơ, hoặc chỉ trình bày một cách “sống sượng” ý của các câu thơ mà tước hết giá trị thẩm mĩ của tác phẩm trên cả hai phương diện nghệ thuật và nội dung. Đối với các tác phẩm truyện, các em cũng cần tránh việc đi tóm tắt lại tác phẩm đó trong toàn bộ quá trình làm bài thi mà không quan tâm đến tư tưởng chủ đạo/thông điệp nhân văn/bài học ý nghĩa mà tác giả đã “cài cắm” vào trong tác phẩm.

“Không có thang đo nào cho một bài văn hoàn hảo. Tuy nhiên, một bài nghị luận văn học tốt là bài viết thể hiện khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt, triển khai kiến thức bằng các thao tác lập luận sáng tỏ, tư duy giải quyết yêu cầu đề bài một cách mạch lạc” - Thầy Long bộc bạch.

Chia sẻ bí quyết từ giáo viên dày dặn kinh nghiệm

Ngày 21/3/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo nhận định của thầy Long, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn năm 2024 sẽ giữ tương đối ổn định so với những năm trước. Đối với bài thi môn Ngữ văn, định dạng và cấu trúc đề thi không có nhiều biến động so với những năm học trước. Đề vẫn gồm hai phần: phần Đọc hiểu 3 điểm và phần Làm văn 7 điểm. Phần đọc hiểu sẽ trích dẫn một phần hoặc toàn bộ nội dung một ngữ liệu thơ hoặc văn xuôi theo sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu có liên quan đến ngữ liệu được trích dẫn. Các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần từ câu hỏi nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao. Phần Làm văn gồm 2 câu hỏi: câu hỏi nghị luận xã hội 2 điểm, vấn đề nghị luận trong yêu cầu của đề bài được gợi ra từ nội dung của ngữ liệu trong phần Đọc hiểu; câu hỏi nghị luận văn học 5 điểm sẽ tập trung khai thác vào các văn bản đã được học trong chương trình Ngữ văn 12.

Thầy Long hy vọng các em luôn tự tin, bản lĩnh, phát huy năng lực chinh phục thành công cột mốc quan trọng này.

Thầy Long hy vọng các em luôn tự tin, bản lĩnh, phát huy năng lực chinh phục thành công cột mốc quan trọng này.

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT - cánh cửa mở ra tương lai phía trước của các sĩ tử lớp 12 - đang đến gần. Thầy mong các em hãy dành thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân, giữ tinh thần thoải mái, tránh áp lực để ôn tập hiệu quả. Thầy tin tưởng với nỗ lực và quyết tâm, các em sẽ đạt kết quả cao.

Nhà thơ Y Phương đã “tâm sự” với con gái đầu lòng của mình: “Lên đường - Không bao giờ nhỏ bé được - Nghe con”. Mỗi con đường các em chọn đều dẫn đến thành công riêng. Vì thế, các em hãy tự tin bước vào kỳ thi, nỗ lực hết mình, các em sẽ không hối tiếc. Thầy hy vọng các em luôn tự tin, bản lĩnh, phát huy năng lực chinh phục thành công cột mốc quan trọng này" - Thầy Long nhắn nhủ.

(Ảnh: NVCC)

Phan Hoàn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/bi-quyet-dat-diem-cao-mon-ngu-van-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-tu-thay-giao-day-van-post1649419.tpo