PGS-TS ĐẶNG HÀ VIỆT, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Thể thao Việt Nam sẽ đầu tư bài bản hơn cho đấu trường Olympic
PGS-TS Đặng Hà Việt nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT trong thời điểm thể thao nước nhà dành trọn tâm sức cho SEA Games 31. Thành công từ đấu trường này sẽ là bàn đạp thực hiện các định hướng và chiến lược phát triển thể thao trong giai đoạn mới. Dịp này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với PGS-TS Đặng Hà Việt.
- PHÓNG VIÊN: Xin chúc mừng ông được Đảng và Nhà nước giao trọng trách chèo lái con thuyền thể thao nước nhà trong giai đoạn phát triển mới. Là người có thâm niên gắn bó với ngành TDTT, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của ngành những năm qua?
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT ĐẶNG HÀ VIỆT: Thể thao Việt Nam có bước phát triển đáng ghi nhận về phong trào, thể thao chuyên nghiệp và thể thao thành tích cao. Nếu lấy mốc thời gian Asiad 18 năm 2018, chúng ta đã có 5 HCV, trong đó có 3 HCV ở nội dung điền kinh và rowing. Cũng năm đó, VĐV Việt Nam đã đoạt gần 30 HCV thế giới và 80 HCV châu Á. Còn xếp hạng theo các môn thể thao Olympic thì thể thao Việt Nam luôn đứng đầu tại các kỳ SEA Games thời gian gần đây. Tuy nhiên, ở đấu trường Olympic, thể thao Việt Nam cần tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa.
Đối với chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, hiện lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Ủy ban Olympic quốc gia, Tổng cục TDTT cùng đội ngũ chuyên môn, các nhà khoa học đang tập trung trí tuệ xây dựng chiến lược phát triển thao Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thể thao thành tích cao vươn tới đấu trường Olympic, chúng ta phải tiếp tục đầu tư bài bản, khoa học từ hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên, hệ thống thi đấu, số hóa trong quản lý.
- Theo ông, đâu là nhóm môn "mũi nhọn" và đâu là những môn thể thao có tiềm năng, cần được đầu tư phát triển nhiều hơn nữa?
Trong chiến lược phát triển thể thao Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 có chia 4 nhóm môn, trong đó các nhóm môn thể thao 1 và 2 cần đầu tư trọng điểm để không ngừng nâng cao thành tích thể thao.
Có thể khẳng định rằng không phải tất cả các môn thể thao đều có khả năng phát triển thể thao chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam đã đi đầu trong phát triển thể thao chuyên nghiệp, khi xây dựng mô hình Công ty VPF - điều này rất đáng tham khảo và nhân rộng ở một số môn thể thao khác như bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt để từng bước tiến lên chuyên nghiệp.
Để phát triển thể thao thành tích cao lên những tầm cao mới, việc ứng dụng các nghiên cứu, giải pháp khoa học TDTT vào công tác đào tạo và huấn luyện VĐV từ lứa tuổi năng khiếu đến đội tuyển cần thực hiện đồng bộ với các môn thể thao. Thời gian tới, Tổng cục TDTT, các chuyên gia khoa học thể thao cùng các liên đoàn thể thao quốc gia và địa phương sẽ triển khai thực hiện đồng bộ trên nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu VĐV, dữ liệu xây dựng kế hoạch, dữ liệu tổ chức triển khai, dữ liệu kiểm tra, đánh giá các giai đoạn huấn luyện và tư vấn điều chỉnh cần thiết.
- Đội tuyển bóng đá nam, nữ và tuyển futsal thời gian gần đây gây được tiếng vang và làm nức lòng người hâm mộ. Tổng cục TDTT sẽ sát cánh với VFF để chăm lo cho sự phát triển của bóng đá theo cách nào?
Bóng đá tác động rất tích cực và có sự ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần đối với người dân Việt Nam, nên đôi khi vượt khỏi giá trị của một môn thể thao đơn thuần. Điều đấy xứng đáng được xem là hình mẫu để các môn thể thao khác học tập và hướng đến mục tiêu tạo nên các giá trị cộng đồng.
Nhân đề cập đến những giá trị cộng đồng, cũng cần phải nhắc đến đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc cho người Việt Nam" giai đoạn 2011-2030. Giấc mơ cải thiện chiều cao cho người Việt mà ngành TDTT theo đuổi từ thời kỳ đầu xây dựng của cố GS-TS Dương Nghiệp Chí đến nay vẫn được thực hiện bài bản, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
- Việc tạo điều kiện tốt nhất cho VĐV tài năng phát triển và có chính sách đãi ngộ xứng đáng sau khi VĐV dành hết tuổi xuân cống hiến cho thể thao nước nhà luôn hết sức quan trọng. Ngành TDTT sẽ làm gì để không rơi vào tình trạng "chảy máu tài năng"?
Đây là điều trăn trở lớn nhất của ngành thể thao, bên cạnh việc đầu tư trọng điểm của Nhà nước, cần xây dựng giá trị thương hiệu cho các VĐV tài năng để ngoài khoản lương cơ bản, các VĐV còn có thêm các nguồn thu nhập từ quảng cáo, đại diện các nhãn hàng… Điều này nếu chúng ta làm tốt thì sẽ giúp các VĐV yên tâm cống hiến nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội, tham mưu lãnh đạo để có cơ chế đặc thù phát triển kinh tế thể thao là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành TDTT góp phần đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển thể thao Việt Nam thời gian tới.
THANH LÂM thực hiện
------------------------------
* Chiều 6-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông đã trao quyết định bổ nhiệm PGS-TS Đặng Hà Việt giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhiệm kỳ 2022-2027.
PGS-TS Đặng Hà Việt từng nắm giữ các vị trí quan trọng của ngành TDTT như: Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TPHCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam. Ông Đặng Hà Việt đã có đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển bóng rổ Việt Nam nói chung và giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) nói riêng. Bên cạnh đó, ông vẫn luôn dành sự ưu ái để phát triển các môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng, xe đạp… khi nắm giữ vai trò quản lý của ngành thể thao.