PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: NGHỆ THUẬT DÙNG NGƯỜI – ''CHÌA KHÓA'' THU HÚT, GIỮ CHÂN NHÂN TÀI

Khẳng định hiền tài là nguyên khí quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng việc Quốc hội khẳng định cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức tinh hoa, giữ chân nhân tài và nâng cao nghệ thuật dùng người thông qua những chính sách, đãi ngộ cụ thể là hoàn toàn đúng đắn

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN CÓ MỘT CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VỀ VĂN HÓA

Phóng viên: Câu chuyện thu hút, sử dụng và đãi ngộ trí thức tinh hoa đã được nhắc đến từ lâu. Thế nhưng, thực tế, chuyện chảy máu chất xám vẫn diễn ra, nhiều nơi thu hút nhưng nhân tài vẫn cứ ra đi? Ông có bình luận gì về vấn đề này, nguyên nhân thực sự là do đâu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội: Đúng là như vậy, khi viết bài ký Đề tên Tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất, Thân Nhân Trung đã có câu nói bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Bởi thế các Đức Thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài, thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả của Bác.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng chảy máu chất xám, nhất là từ khu vực Nhà nước ra khu vực tư nhân, việc nhiều người được cử đi học nước ngoài rồi không trở về, thậm chí ngay trong chính một tổ chức, người tài không được sử dụng đúng chỗ đúng lúc.

Để xảy ra hiện tượng này, đầu tiên, tôi cho rằng chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, tài năng của chúng ta chưa thực sự phù hợp. Nếu chính sách chỉ dựa vào “ngôn từ” mà thiếu đi những đãi ngộ cụ thể thì sẽ rất khó để chúng ta giữ chân hay thu hút nhân tài.

Thứ hai là lý do xuất phát từ văn hóa. Văn hóa của chúng ta có xu hướng đề cao tinh thần tập thể, tính cộng đồng hơn thể hiện năng lực cá nhân. Thể hiện ở trong các tổ chức, văn hóa công việc và quản lý tổ chức không đáp ứng đúng các giá trị và nhu cầu của nhân tài có thể góp phần vào việc nhân tài ra đi. Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch, công bằng và đánh giá công việc không chính xác dẫn đến việc bổ nhiệm hay đãi ngộ không tương xứng có thể làm cho nhân tài không cảm thấy được đánh giá và đề cao. Một môi trường làm việc không phù hợp với cá tính cá nhân, không đảm bảo sự phát triển chuyên môn và không tạo ra cơ hội thăng tiến có thể khiến nhân tài không cảm thấy động lực và hài lòng. Nếu không có cơ hội nâng cao năng lực và phát triển cá nhân, nhân tài có thể tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn để phát triển tiềm năng của mình.

Thứ ba là vấn đề kinh tế. Thu nhập không phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giữ chân nhân tài. Nếu những nơi làm việc không thể cung cấp mức thu nhập hợp lý và các lợi ích khác như bảo hiểm, đãi ngộ khác, khiến người ta có thể tìm kiếm cơ hội khác có lợi ích kinh tế tốt hơn.

Trong khi đó, tương quan so sánh, việc mở cửa kinh tế và sự phát triển của kinh tế tư nhân ở nước ta đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho những người có trình độ cao. Sự phát triển này cũng tạo ra một sự cạnh tranh lớn, từ đó thu hút sự quan tâm của những người có kiến thức và kỹ năng cao. Khu vực tư nhân thường cung cấp cơ hội nghề nghiệp và thu nhập tốt hơn so với khu vực Nhà nước. Nếu một người có trình độ cao và có cơ hội được làm việc trong môi trường kinh doanh tư nhân, họ có xu hướng chọn lựa điều này để đạt được mục tiêu nghề nghiệp và tài chính. Với những người đi học ở nước ngoài, đây là một cơ hội tốt để phát triển cá nhân và tiếp cận kiến thức mới, nhất là trong những lĩnh vực tiên tiến. Khi những người học trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, họ có thể tìm kiếm cơ hội làm việc và ứng dụng kiến thức của mình ở nước ngoài, nơi môi trường và cơ hội nghiên cứu, làm việc có thể tốt hơn.

Phóng viên: Vậy theo ông, đội ngũ trí thức hiện nay đang thiếu gì, cần những gì để có thể phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển đất nước?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội: “Dùng người” là cả một nghệ thuật. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức tinh hoa, nhân tài đối với sự phát triển đất nước hiện nay. Từ nhận thức đúng đắn đó, chúng ta mới có những cơ chế, chính sách, hành động cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, sử dụng nhân tài.

Thêm vào đó, chúng ta cần tạo ra môi trường thuận lợi, có tính cạnh tranh công bằng và khuyến khích sự phát triển cá nhân. Điều này có thể bao gồm việc ban hành các chính sách và quy định để khuyến khích trí thức phát huy năng lực của mình, hay các chính sách cung cấp cơ hội đào tạo và học tập liên tục, đảm bảo tiến bộ dựa trên khả năng và đóng góp thực tế của đội ngũ trí thức.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có hệ thống giáo dục đáp ứng được yêu cầu của phát triển bền vững đất nước, tạo ra những người học có kiến thức sâu rộng, kỹ năng phản biện, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, tạo điều kiện và khuyến khích trí thức trong việc nghiên cứu, phát minh và đổi mới. Điều này có thể bao gồm hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng, và sự đồng hành của chính phủ và các tổ chức liên quan để tạo ra môi trường thích hợp cho sự phát triển và ứng dụng các ý tưởng mới.

Ngoài kiến thức chuyên môn, đội ngũ trí thức cần được đào tạo và phát triển các kỹ năng mềm như lãnh đạo, giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và khả năng giải quyết vấn đề. Các kỹ năng này cần được coi trọng và tích cực đào tạo để trí thức có thể thích nghi và đóng góp hiệu quả trong môi trường công việc đa dạng và năng động, của nền kinh tế thị trường. Đội ngũ trí thức cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động hợp tác và giao lưu quốc tế để tiếp cận với các xu hướng, công nghệ và kiến thức mới. Điều này có thể giúp mở rộng mạng lưới liên kết và tạo ra cơ hội học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và đồng nghiệp quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76513