PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối cơ quan thuế để thị trường vàng minh bạch
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh vàng để tăng tính công khai, minh bạch.
Áp dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã và đang áp dụng đã làm thị trường vàng trong nước chịu tác động lớn từ sự quản lý, chỉ đạo của Nhà nước, là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, giai đoạn qua việc thanh, kiểm tra thị trường vàng trong nước chưa tốt, do đó có tình trạng “nhốn nháo”.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường vàng Việt Nam hiện nay có các doanh nghiệp đầu mối được phép kinh doanh vàng trong lãnh thổ Việt Nam. Các đầu mối cấp 1 phải do Ngân hàng nhà nước có văn bản quyết định. Đầu mối cấp 2 phải do đầu mối cấp 1 cho phép, việc cho phép phải được các ngân hàng đồng ý.
“Như vậy đúng ra việc nhập bao nhiêu, xuất bao nhiêu vàng phải rõ ràng, công khai, minh bạch nhưng tiếc là thời gian vừa qua chúng ta chưa làm được việc này. Vì vậy điều rất quan trọng phải áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh vàng thì lúc đó tính công khai, minh bạch mới rõ ràng” PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lượng vàng kinh doanh thực tế trong thị trường Việt Nam hiện nay là bao nhiêu không ai rõ. Với diễn biến vàng trong nước nhiều năm qua, có thể nói việc quản lý thị trường chưa ổn và vì thế việc thanh tra, kiểm tra lần này là cần thiết. Là biện pháp để cho thị trường trong sạch, lành mạnh. Việc thanh tra, kiểm tra không phải một lần mà tới đây cần phải thanh tra thường xuyên hơn, làm lâu dài.
Thời gian qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Để triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.
Đồng thời, lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, bạc, trang sức, mỹ nghệ. Kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.
Hôm qua, ngày 14/5, tại buổi họp về công tác quản lý thị trường vàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử cán bộ có năng lực, am hiểu thực tế tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra.
Cơ chế quản lý vàng không còn phù hợp
Về những bất cập trong cơ chế quản lý, chuyên gia kinh tế - PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành cách đây hơn 10 năm, trong bối cảnh thị trường vàng bất ổn, “vàng hóa” mạnh và buộc phải chống “vàng hóa”. Nhà nước phải dùng “bàn tay sắt”, kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, với giai đoạn hiện nay là hội nhập thị trường vàng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam cho nên trong Nghị định xuất hiện nhiều bất cập, cần phải sửa đổi.
Trong đó, bất cập về nguồn cầu thì tăng, nhưng nguồn cung hạn chế dẫn đến đẩy giá vàng lên cao. Thường cuối năm là thời điểm nhu cầu mua tích trữ vàng tăng cao, nhiều người dân đã tăng mua vào, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ. Trong khi đó nguồn cung vàng SJC hạn chế, bởi vàng SJC không được sản xuất thêm, chỉ còn ở trong dân và doanh nghiệp. Tiếp nữa là độc quyền vàng thương hiệu SJC.
Chính vì vậy, phải sửa Nghị định 24/12012/NĐ-CP theo hướng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để giảm giá vàng trong nước, đồng thời phát huy được nghề kinh doanh trang sức.
Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng. “Nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra - vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới”, PGS. TS Ngô Trí Long nói.