PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Xuất khẩu xanh - 'Cuộc chơi' buộc doanh nghiệp phải thay đổi mình

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, xuất khẩu xanh là con đường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp tại các thị trường khó tính.

Thưa ông, thị trường thế giới thay đổi đang đặt ra những yêu cầu mới cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ông bình luận gì về điều này?

Kinh tế xanh là trào lưu từ mấy chục năm nay của cộng đồng quốc tế, nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, yêu cầu về sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trở thành cấp thiết, và trở thành tính pháp lý đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhất là đối với các quốc gia phát triển.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm (Ảnh: TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, xu hướng sản xuất xanh còn được các quốc gia trên thế giới hưởng ứng và thực hiện một cách nghiêm túc. Việc này nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn ngay từ khâu nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra và cả sau khi tiêu thụ thì việc thu hồi, tái chế lại... đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường cũng cần được tính đến.

Chính vì lẽ đó, để tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là với một quốc gia lấy xuất nhập khẩu làm động lực phát triển như Việt Nam thì rõ ràng việc các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh là một đòi hỏi bắt buộc.

Đặc biệt, những năm 2021 – 2022, khi nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh thì việc xuất khẩu sang thị trường các nước đó được nâng lên một cấp mới. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu được thì buộc phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu đó.

Do đó, kinh tế xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đã trở thành một thực tiễn, chứ không còn là trào lưu đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nó là đòi hỏi, là yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện.

Như ông vừa chia sẻ, sản xuất, xuất khẩu xanh dần trở thành đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc. Vậy, ông nhận định như thế nào về mức độ thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam?

Hiện nay, nói về các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, tiêu dùng xanh của thế giới vẫn chưa có các tiêu chí mang tính mẫu chuẩn mực cho các sản phẩm hàng hóa.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xuất khẩu xanh, cuộc chơi buộc doanh nghiệp phải thay đổi mình (Ảnh: quochoi.vn)

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xuất khẩu xanh, cuộc chơi buộc doanh nghiệp phải thay đổi mình (Ảnh: quochoi.vn)

Nhiều quốc gia và nhiều chuyên gia cho rằng, phải đổi mới công nghệ sản xuất, thay đổi hình dáng, mẫu mã cũng như tiêu dùng, lúc đó mới là xanh. Nhưng trong thực tế, theo quan điểm về nghĩa rộng của sản xuất xanh và tiêu dùng xanh đó là làm sao để tiết kiệm được các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo được khả năng thu hồi và tái chế phế thải sau khi tiêu dùng là một trong những đòi hỏi mà thị trường đặt ra.

Đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, đến 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu đòi hỏi họ phải thay đổi công nghệ, để có thể sản xuất xanh được thì họ gần như không có khả năng. Bởi năng lực tài chính của họ là yếu và thiếu.

Do đó, vấn đề quan trọng đối với các cơ quan chức năng là sớm đưa ra các tiêu chuẩn định mức sản xuất xanh đối với từng mặt hàng, từng sản phẩm. Và những doanh nghiệp nào tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo dưới mức chuẩn thì chúng ta coi đó là sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng xem xét việc xả thải CO2 mức thải trung bình cho 1 sản phẩm ở 1 ngành hàng là bao nhiêu, nếu như những doanh nghiệp nào tiết kiệm được dưới mức đó thì chúng ta coi là sản xuất xanh.

Khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hướng đến sản xuất xanh nhiều hơn, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng được nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa nền kinh tế của chúng ta sẽ tốt hơn. Trên cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, có điều kiện để tiếp cận công nghệ mới và sản xuất xanh hơn, sạch hơn mới có thể được thực hiện một cách đầy đủ.

Có ý kiến cho rằng, 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, do quy mô nhỏ nên việc thích ứng với các tiêu chuẩn sản xuất xanh sẽ dễ hơn, ông bình luận gì về việc này?

Điều này là không hẳn, bởi sản xuất xanh đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa nguồn lực yếu, khả năng tiếp cận công nghệ mới gặp khó khăn. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận những công nghệ mới 1 cách nhanh chóng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ.

Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, xuất khẩu xanh ở doanh nghiệp không chỉ là bài toán tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu mà còn ở vấn đề thu hồi sản phẩm phế thải sau khi sử dụng. Đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp khi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Do đó, cần có sự liên kết với các doanh nghiệp với nhau.

Xu hướng xuất khẩu xanh rõ ràng không thể đảo ngược, vậy ông có khuyến nghị gì đối doanh nghiệp và kiến nghị gì đối với cơ quan chức năng?

Như tôi nói ở trên, vấn đề quan trọng đó là cơ quan quản lý đưa ra được định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu năng lượng đối với từng sản phẩm hàng hóa, ngành nghề, để các doanh nghiệp nào sử dụng dưới định mức đó sẽ được coi sản phẩm xanh.

Mặt khác, để tiếp cận được với công nghệ cao, có thể thay đổi được bản chất sản phẩm và có thể xanh hóa hơn nữa, cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề và giữa các doanh nghiệp với nhau, từ đó tận dụng nguồn lực, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải đến mức tối đa.

Về nhà nước, cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách như miễn giảm thuế, giảm lãi suất tín dụng đối với doanh nghiệp đạt sản phẩm xanh, khi đó, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng sản xuất kinh doanh và trên cơ sở đó, việc xanh hóa sẽ được đẩy mạnh hơn.

Về phía Bộ Công Thương, việc quan trọng đầu tiên là nắm bắt yêu cầu định mức tiêu chuẩn mà các thị trường trên thế giới đưa ra đối với từng sản phẩm hàng hóa. Từ đó khuyến cáo đến các doanh nghiệp, từ đó, các doanh nghiệp có phương án thích ứng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thông qua các thương vụ, đại sứ quán để nắm bắt dây chuyền công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm hàng hóa ở từng ngành nghề, từ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ phù hợp nhất, đảm bảo tiết kiệm được nguyên nhiên vật liệu cũng như thích ứng với yêu cầu của từng thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa bằng việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi có các rào cản thương mại. Bởi có nước đưa ra quy định xanh hơn, sạch hơn nhưng có những quy định không đúng. Vì vậy, chúng ta cần phải xem xét để có những phản hồi cho phù hợp.

Như vậy, nhiệm vụ của Bộ Công Thương mang tính chất đường hướng, theo đó, vừa giải quyết các công việc cụ thể trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các thị trường, nhưng đồng thời, cũng là người định hướng cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng nguyên nhiên vật liệu, để từ đó có được sản phẩm xanh đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pgsts-dinh-trong-thinh-xuat-khau-xanh-cuoc-choi-buoc-doanh-nghiep-phai-thay-doi-minh-353608.html