PGS.TS DOÃN HỒNG NHUNG: KỲ HỌP BẤT THƯỜNG – NỀN TẢNG TIẾN TỚI QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN

Chiều 09/01, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã tiến hành Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Theo dõi sự kiện chính trị quan trọng này, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, những quyết sách kịp thời của Kỳ họp là cơ sở, động lực để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ KT-XH trọng tâm của đất nước, đồng thời thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

TỔNG THUẬT CHIỀU 09/01: QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ Chương trình đề ra.

Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ tài liệu, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao với gần 350 lượt đại biểu phát biểu qua 03 phiên thảo luận Tổ, 02 phiên thảo luận Đoàn và 07 phiên họp toàn thể. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 03 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Về công tác nhân sự, căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 02 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.

Theo dõi nội dung cũng như diễn biến của Kỳ họp, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho biết, Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Do đó, việc tổ chức kỳ họp tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích Nhân dân. Đặc biệt với việc thông qua những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Phóng viên:Kỳ họp bất thường lần thứ hai đã bế mạc vào chiều 9/1/2023. Theo dõi nội dung Kỳ họp lần này, PGS. TS có đánh giá như thế nào về kết quả Kỳ họp?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội:Kỳ họp bất thường diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023 việc nghiên cứu, quyết định các nội dung hết sức quan trọng của kỳ họp này sẽ là “bản lề”, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của năm 2023 và những năm tiếp theo. Qua theo dõi các phiên thảo luận tại hội trường được phát thanh Truyền hình trực tiếp cũng như Tổng thuật trên Công thông tin điện tử Quốc hội, chúng ta có thể thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận sôi nổi về các dự án luật... Qua đó, với tính thần trách nhiệm của đại biểu dân cử, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng đối với các dự thảo Nghị quyết cũng như dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)…

Mặc dù diễn ra trong vòng 04 ngày từ 05 - 09/01/2023, nhưng với sự chuẩn bị “từ sớm từ xa”, chu đáo; cách thức làm việc khoa học, linh hoạt, các nội dung đề ra đều được Quốc hội, nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến hết sức kỹ lưỡng đối với từng dự thảo. Trong đó, các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ cũng như thảo luận tại Phiên họp toàn thể tại Hội trường. Những ý kiến, câu hỏi, chất vấn tại nghị trường đều đã được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình đầy đủ trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Với tỷ lệ cao ý kiến đồng thuận, tán thành thông qua, tôi tin tưởng những quyết sách tại Nghị trường sẽ mau chóng đi vào cuộc sống. Các quyết sách này sẽ sớm được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thực thi và phát huy hiệu quả trên thực tế, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Phóng viên:Tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Vậy PGS.TS có kỳ vọng gì sau khi dự án Luật quan trọng này?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội:Phải khẳng định đây là dự án luật rất quan trọng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua không chỉ đáp ứng yêu cầu mong mỏi của ngành y tế, ngành chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mà của toàn xã hội. Dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới sau đại dịch COVID - 19. Và đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.

Theo dõi dự luật từ khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3, chúng ta có thể thấy, tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật. Dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước, với dự kiến ban đầu thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc tiến hành này đã triển khai theo đúng tiến độ, chương trình của dự án Luật. Tuy nhiên, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua dự án luật sang Kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề Hội đồng Y khoa Quốc gia…đấu giá thuốc và trang thiết bị y tế, lựa chọn công nghệ hiện đại, tiếp cận thông tin qua công nghệ 4.0,… Qua kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định để việc triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của khu vực và quốc tế sau đại dịch COVID – 19. Xem xét tạo cơ chế khuyến khích các chuyên gia ngành y nghiên cứu về các bệnh liên quan hậu Covid-19; tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19; sửa đổi, bổ sung Luật Dược trình Quốc hội trong năm 2023; có giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn (nếu có) và sớm hoàn thành việc thanh toán, quyết toán các chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 theo quy định;...

Do đó, dự thảo sau khi chỉnh lý, tiếp thu được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường đã khắc phục được rất nhiều những vướng mắc, bất cập được chỉ ra trước đó. Một số vấn đề lớn về Hội đồng Y khoa Quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, căn cứ để phân cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển đổi, phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; lộ trình thực hiện và điều khoản thi hành Luật... đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cụ thể và rất tâm huyết. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận, dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội biểu quyết thông qua đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, các quy định bảo đảm tính chính xác, hợp lý và tính khả thi cao.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua tại thời điểm hiện nay đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Đây cũng là cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Từ đó có thể từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập khu vực và quốc tế;...

Phóng viên: Đây là lần thứ hai, Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường để kịp xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cấp thiết, thời sự và có ý nghĩa từ thực tiễn cuộc sống đặt ra. Với thực tiễn nhiều năm theo dõi hoạt động của Quốc hội, PGS. TS có đánh giá như thế nào về dấu ấn đổi mới này tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội: Tôi đánh giá đây là một kỳ họp sẽ mang một dấu ấn lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Kỳ họp này sẽ là một điểm nhấn vàng son trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Theo Nội quy kỳ họp Quốc hội, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và lần thứ hai, Quốc hội Khóa XV. Các cuộc họp bất thường này có những quyết định về nhân sự về tổ chức để chuẩn bị kỹ lưỡng, “từ sớm từ xa” do những biến động của nghị trường, việc miễn nhiệm, bổ nhiệm về nhân sự quan trọng của Quốc hội sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý chính trị của cả nước. Hành động này thể hiện rất rõ sự nỗ lực, dũng cảm khai phóng và quyết liệt bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân cả nước. Với vai trò là nhà nghiên cứu tôi nhận thấy, việc triệu tập 2 kỳ họp bất thường là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 77 năm qua. Kỳ họp này sẽ mang dấu ấn khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân và người đứng đầu với vai trò, trọng trách là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thành công cũng như kết quả tại các Kỳ họp bất thường đã minh chứng cho tính kịp thời, đúng đắn của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh thực tiễn có nhiều biến động như hiện nay. Tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, “Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động bình thường của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn”, cho thấy, tinh thần chủ động của Quốc hội. Nhưng tôi cho rằng, phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bản lĩnh, quyết liệt tổ chức và thực hiện thành công.

Bên cạnh đó, thành công của các Kỳ họp bất thường cũng cho chúng ta thấy, hình ảnh một Quốc hội Việt Nam hành động vì lợi ích của nhân dân và tư tưởng cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là nền tảng, bước tiến vững chắc để hướng tới một “Quốc hội hoạt động thường xuyên” trong tương lai. “Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”. Thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi. Để có sự lãnh đạo đúng đắn Đảng, Nhà nước, Quốc Hội phải chăm lo, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, lòng nhiệt huyết và sức chiến đấu. Quốc hội với trọng trách của mình cần giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra và vận dụng phù hợp vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Việc thực thi cần bảo đảm sự quyết liệt, bản lĩnh, tính khả thi của các chính sách pháp luật dưới ánh sáng của Đảng trong điều kiện tình hình đất nước có nhiều biến động. Quốc hội cần phát huy trí tuệ, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân và cần phải tư duy, tầm nhìn chiến lược để phụng sự cho sự nghiệp của nhân dân. Cần phải nhận thức, dũng cảm đương đầu vượt qua khó khăn, thách thức. Đây cũng là cơ hội để Quốc hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ từng bước xây dựng xã hội dân sự, thượng tôn pháp luật, nhà nước ta cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn đòi hỏi và đồng bộ với pháp luật có liên quan. Từ đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế kinh doanh, đầu tư trong những năm tới đây.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72304