PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân: Cứ dấn thân, để thấy cánh cửa mới mở ra
Khi đủ đam mê, tâm huyết, thì khả năng sẽ không bị giới hạn, thậm chí còn làm được nhiều hơn thế. PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân - một trong những nhà khoa học mở đường cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã chứng minh điều này.
Khả năng của con người là không có giới hạn
“Chúng tôi đang hợp tác với một số doanh nghiệp để phát triển sản phẩm quy mô lớn hơn, giá rẻ hơn”. PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân nhẹ nhàng trả lời, khi được hỏi về công trình nghiên cứu đã đưa tên tuổi bà vào Danh sách Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022 của Quỹ L’Oreál và UNESCO.
Đó là công trình tổng hợp chất xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol.
Một cách dễ hiểu, pin nhiên liệu là loại pin không cần sạc, không cần vứt bỏ do pin sẽ được tái tạo theo chu kỳ nạp điện. Loại pin này được coi như một thiết bị chuyển đổi năng lượng điện hóa tiềm năng nhất, có thể sản xuất từ công suất nhỏ, ứng dụng khá phổ biến cho xe đạp điện, các sản phẩm chạy bằng điện khác.
Khi đủ đam mê, tâm huyết, thì khả năng sẽ không bị giới hạn, thậm chí còn làm được nhiều hơn thế. PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân - một trong những nhà khoa học mở đường cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã chứng minh điều này.
So với các loại pin truyền thống, pin nhiên liệu có mức thải ô nhiễm gần như bằng “0”, thân thiện với môi trường và lượng nước sinh ra sau phản ứng là nước sạch có thể dùng uống được.
Thực ra, việc phát triển sản phẩm quy mô lớn hơn, giá rẻ hơn không hề dễ đối với một nhà khoa học.
Nghiên cứu của PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân được đánh giá là sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu để cải thiện hiệu suất và cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon. Nhờ vậy, con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được mở rộng, trong đó nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu xanh và bền vững sẽ được sử dụng trong một chu kỳ liên tục.
Tuy nhiên, việc thương mại hóa loại pin nhiên liệu này bị cản trở bởi chi phí cao, trữ lượng thấp, tính không ổn định của chất xúc tác Pt, khả năng dễ bị đầu độc bởi các chất trung gian như CO hoặc CHO.
Ngay từ thời điểm đó, bà Vân và cộng sự đã đặt mục tiêu nghiên cứu giảm giá thành, tăng độ bền và có thể chế tạo ngay tại Việt Nam mà không cần nhập khẩu hoặc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Việc tìm kiếm các doanh nghiệp, nhà đầu tư đi cùng cũng được bắt đầu sớm.
Có thể thấy, con đường vẫn còn rất gập ghềnh. Nhưng bà Vân vẫn đầy năng lượng, vì mọi việc đã thuận lợi hơn rất nhiều so với những ngày đầu bà về nước, bắt tay vào nghiên cứu dự án cách đây 10 năm.
Khi đó, năng lượng tái tạo vẫn còn khá mới tại Việt Nam, việc nghiên cứu cần những trang thiết bị hiện đại, với chi phí cao. Hoạt động chế tạo ra các vật liệu, đo đạc và ứng dụng... cũng rất khó khăn. Ví dụ, khi sử dụng bạch kim (vàng trắng) để làm vật liệu nano cho đề tài nghiên cứu, giá thành vừa cao, vừa phải mất khoảng 1-2 tháng mới có thể mua và vận chuyển bằng đường thủy về Việt Nam. Đây là chi phí rất lớn so với mức lương của các nhà khoa học thời điểm đó.
“Thứ duy nhất không gặp khó khăn là tâm huyết và lòng đam mê. Chúng tôi xác định, nếu không bắt tay thực hiện ngay, không dấn thân, thì Việt Nam sẽ không theo kịp xu thế”, bà Vân kể lại. Chính vì thế, bà Vân quyết định bắt đầu từ con số “0”, đi tìm kiếm nguồn tài trợ, đào tạo nguồn lực từ đầu. May mắn, bà nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo sinh viên có đam mê. Từ đó, bà thành lập một nhóm nghiên cứu, bắt tay vào đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị…
Không dấn thân thì không theo kịp xu thế
Đây cũng là lý do PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân dành rất nhiều thời gian, công sức để phát triển các giải pháp về xử lý môi trường mang tính chất bền vững.
Điển hình như dự án tự động hóa cho canh tác rau hữu cơ sạch; dự án nông nghiệp thông minh, thích ứng với xâm nhập mặn tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Hiện nay, dự án này đã được triển khai thực tiễn khi ứng dụng tưới theo công nghệ cảm biến, giúp tiết kiệm 80% lượng nước so với tưới truyền thống.
PGS-TS. Thanh Vân cũng kết hợp cùng xã An Hòa Tây (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) để các hộ cá thể hình thành hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, hoạt động theo hình thức kinh tế chia sẻ và hình thành nên chuỗi cung ứng lớn hơn thông qua nông nghiệp công nghệ cao. Trong mô hình này, bà và địa phương sẽ cung cấp, đầu tư công nghệ; hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật…, đảm bảo vùng trồng đạt tiêu chuẩn cao hơn, góp phần nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường…
Nhờ đó, 6 loại rau ăn lá, quả, củ của Bến Tre đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, giá thành tốt hơn và có thể thâm nhập hệ thống bán lẻ của các đơn vị phân phối hiện đại.
Thời điểm này, bà cho biết, đang tiếp tục thực hiện thêm các đề tài về lĩnh vực môi trường hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu công nghệ tái chế nhựa PS - một loại nhựa nằm trong nhóm phân loại khó tái chế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp là thân cây ngô đồng để tái chế và sản xuất ra than hoạt tính, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thương mại hiện nay.
“Những mô hình, công nghệ này cần phải được phổ biến và ứng dụng nhiều hơn. Tôi mong sẽ làm chủ được những thách thức, để đạt mục tiêu và đóng góp cho các mục tiêu về phát triển bền vững của Việt Nam”, bà chia sẻ.
PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân được biết đến là một trong những thế hệ nhà khoa học mở đường cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Dù đạt được nhiều thành tựu trong và ngoài nước, nhưng ít ai biết rằng, ở những năm còn học tập tại nước ngoài, bà đã từ chối nhiều lời mời tuyển dụng hấp dẫn để quay về Việt Nam, với mong muốn cống hiến cho ngành năng lượng tái tạo trong nước và “ươm mầm” hàng loạt thế hệ nhà nghiên cứu trẻ đầy tiềm năng.
“Tôi luôn suy nghĩ rằng, mình cần trở về Việt Nam sau khi đã tích lũy được kiến thức và kỹ năng tại những nước có nền khoa học, công nghệ phát triển. Với những gì học được, nếu chỉ giữ cho riêng mình thì thật lãng phí”, PGS-TS. Thanh Vân bộc bạch.
Đây cũng là lý do bà Vân dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo. Với những trải nghiệm của một người từng học tập và làm việc ở nước ngoài, bà thấy rõ năng lực và cơ hội của người trẻ Việt trong các ngành khoa học.
“Nếu có những điều kiện như ở nước ngoài, thì Việt Nam chắc chắn sẽ có nguồn nhân lực tốt. Chính vì thế, tôi luôn hỗ trợ hết sức mình cho các học sinh, sinh viên, để các em không trải qua giai đoạn thiếu thốn như xưa tôi từng đối diện, để các bạn có thể chú tâm hoàn toàn vào việc nghiên cứu, chắp cánh cho niềm đam mê khoa học”, PGS-TS. Hồ Thị Thanh Vân chia sẻ.
Đến nay, đã có rất nhiều sinh viên, sau khi tham gia các dự án nghiên cứu công nghệ tái tạo cùng với bà đã có cơ hội được học tập, làm việc và nhận học bổng từ nhiều nước như Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Đức... Sau khi có những điều kiện để phát triển, các sinh viên lại tiếp tục truyền lửa đam mê, kiến thức cho các thế hệ sau.