PGS.TS Lưu Đức Hải: 'Khai thác bauxite là một chặng đường dài, gian nan'
PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn, song từ quy hoạch đến triển khai trên thực tế là một chặng đường dài, gian nan.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chính phủ xác định rõ mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, quy hoạch bauxite tại tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung được đặc biệt quan tâm.
Đóng góp ý nghĩa của VIASEE
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đánh giá, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta.
"Trước đây, năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên. Đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite của các nhà khoa học VIASEE đã được hội đồng soạn thảo đánh giá rất cao, rất có ý nghĩa khi áp dụng vào thực tiễn", Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Lưu Đức Hải cũng lưu ý rằng, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn, song từ quy hoạch đến triển khai trên thực tế là một chặng đường dài, gian nan.
"Tôi lấy một ví dụ, khi tiến hành khai thác bauxite thì phải di dời các hộ dân đang sinh sống trên đó, đồng thời phải tính đến các phương án để họ có thể tiếp tục sinh sống và làm việc, bảo đảm cuộc sống, giữ gìn bản sắc các dân tộc... Vậy giải quyết các cơ chế, chính sách như thế nào? Hay như dùng loại hình khai thác nào? Chọn công nghệ khai thác nào? Xử lý chất thải ra sao? Đó cũng là những vấn đề cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Về phương án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quá trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên, các nhà khoa học của VIASEE cho rằng nên áp dụng mô hình này ở phạm vi hẹp trước. Sau đó, chúng ta sẽ đánh giá mức độ hiệu quả thông qua các chỉ số thống kê, dựa trên kết quả đó để xem xét việc nhân rộng mô hình này trên quy mô lớn hay không. Với phương án này, có thể sẽ mất thêm một chút thời gian, nhưng chúng ta sẽ có những bước đi vững chắc và hiệu quả", PGS.TS Lưu Đức Hải phân tích thêm.
Bối cảnh mới, cơ hội mới
VIASEE đánh giá bauxite là tài nguyên khoáng sản có quy mô trữ lượng lớn và giá trị vào loại lớn nhất hiện nay của nước ta. Ước tính quặng bauxite Tây Nguyên có trữ lượng khoảng 7 tỷ tấn, có khả năng tạo ra 1,7 tỷ tấn Alumin lại có thể khai thác, chế biến thuận lợi hơn vào thời điểm này.
Từ thực tế triển khai hoạt động khai thác và chế biến bauxite tại hai nhà máy của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về khoáng sản hàng đầu Việt Nam đã nghiên cứu, khảo sát, thực nghiệm thực tiễn để đưa ra những báo cáo khoa học có giá trị, ý nghĩa vận dụng phát triển ngành khai thác bauxite.
Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bauxite Tây Nguyên.
"Với trữ lượng khoáng sản bauxite lớn như đã nói trên và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắk Nông. Chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến bauxite một cách hiệu quả, khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước", VIASEE nhận định.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam đã hoàn thiện về công nghệ chế biến bauxite thành alumin. Hiện nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam đã vận hành tốt các thiết bị công nghệ và có khả năng tự mở rộng quy mô sản xuất.
Giá bán Alumin hiện nay và trong giai đoạn tới (2020-2030) cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất, nên sẽ tạo ra lợi nhuận rất lớn. Nếu thị trường thuận lợi như hiện nay, việc khai thác và chế biến quặng bauxite thành alumin có thể tạo ra giá trị lợi nhuận ròng từ khoảng 200 đến 300 tỷ USD, là nguồn thu lớn cho đất nước.
Đáng chú ý, trước những lo ngại về vấn đề môi trường trong khai thác, chế biến bauxite, các nhà khoa học đánh giá, việc khai thác bauxite không làm mất đất mà tận dụng lượng bùn đuôi quặng đang phải chôn lấp tại các hồ chứa đưa trở lại moong khai thác thì sẽ tạo ra đất canh tác mầu mỡ hơn, cũng không làm cạn kiệt nguồn nước.
Đặc biệt, bùn đỏ từ quá trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên (loại chất thải hiện nay đang chôn lấp) không chứa chất phóng xạ, và có chứa nhiều nguyên tố đi kèm có thể sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc thép chất lượng cao.
Năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cũng đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.
VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. VIASEE sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.