PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chuyển đổi số là yếu tố then chốt

Tại ngôi nhà nhỏ nằm trong khu Làng Quốc tế Thăng Long, giữa không gian yên tĩnh và thanh bình, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - học giả tận tụy suốt cả cuộc đời cống hiến cho Đảng và dân tộc - vẫn hàng ngày đang tiếp tục hành trình nghiên cứu không mệt mỏi của mình.

Ngôi nhà ấy không chỉ là chốn bình yên của một con người giản dị, mà còn là không gian lưu giữ những trang sách chứa đựng vô vàn tri thức, những công trình khoa học, cũng như sự khắc khoải suốt đời vì lý tưởng cao cả của Đảng. Đây là nơi lưu lại những tháng năm gắn liền với nghiên cứu lý luận Đảng, lịch sử cách mạng, và tư tưởng Hồ Chí Minh - những vấn đề mà ông đã dành cả tâm huyết để theo đuổi và truyền đạt suốt bao năm tháng. Bức ảnh của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trang trọng trên tường luôn là biểu tượng to lớn để ông tiếp tục cống hiến cho lý tưởng của Đảng và cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Trong ngôi nhà ấy, sách vở và tài liệu không chỉ là những vật dụng, mà là cả một kho tàng kiến thức quý giá mà PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã dày công sưu tầm và nghiên cứu trong suốt cuộc đời mình. Những giá sách cao ngất, những tài liệu đã ngả màu thời gian, tất cả chứa đựng những giá trị cốt lõi của lịch sử Đảng, về những cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc và những bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh. Những cuốn sách này không chỉ là chứng tích của quá khứ, mà còn là kim chỉ nam cho những thế hệ nghiên cứu, cho các cán bộ, đảng viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đảng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc không chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học, mà ông còn là một người thầy, người bạn đồng hành của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên. Ông đã cống hiến trọn vẹn hơn 40 năm trong ngành nghiên cứu lịch sử Đảng, đặc biệt là trong vai trò Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Lịch sử Đảng không chỉ là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử của Đảng, mà còn là nơi tiếp tục phát triển những luận cứ khoa học quan trọng phục vụ trực tiếp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong các thời kỳ cách mạng khác nhau.

Những công trình nghiên cứu của ông không chỉ đóng góp cho lý luận của Đảng, mà còn mang một giá trị đặc biệt khi ông tham gia tham mưu cho các chiến lược phát triển đất nước. Trong những năm qua, ông đã góp phần không nhỏ trong công tác nghiên cứu và tham mưu cho công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, một trong những chủ trương lớn của Đảng ta.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Cuộc cách mạng về tinh giản bộ máy, tinh gọn có hiệu lực, hiệu quả chính là nhằm tới mục đích để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, mang lại lợi ích kinh tế quan trọng nhất của đất nước ta hiện nay. Đó là phát triển với quy mô lớn hơn, mạnh mẽ hơn, người ta hay gọi là nhanh và bền vững để phù hợp với kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Điều này đòi hỏi quy mô, tốc độ, hiệu quả của phát triển đất nước phải cao hơn nhiều theo mục tiêu của Đại hội XIII trở thành nước công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao 2030, và đến 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng phải hướng tới mục tiêu chung của đất nước - xây dựng một đất nước hùng cường, văn minh, hiện đại và hạnh phúc. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

Với ngành Công Thương - một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế kỹ thuật tổng hợp, từ công nghiệp đến thương mại, hai lĩnh vực quan trọng đó là cái chân quan trọng của nền kinh tế (như Bác Hồ vẫn nói nền kinh tế có hai chân: Nông nghiệp và Công nghiệp). Ngành Công Thương chịu trách nhiệm lớn trong phát triển công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu, nhiệm vụ này không chỉ đơn thuần là cắt giảm biên chế, mà còn đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng để duy trì tính hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành.

Thứ nhất, ngành cần rà soát toàn bộ cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc để loại bỏ các điểm trùng lặp, chồng chéo. Việc tinh gọn bộ máy phải hướng tới sự tối ưu hóa, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị vận hành linh hoạt, hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý. Điều này không chỉ giảm bớt các quy trình hành chính thủ công mà còn nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu lãng phí về thời gian và nguồn lực. Công nghệ có thể thay thế con người ở một số khâu nhất định, từ đó giảm áp lực về nhân sự mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Thứ ba, trong quá trình tinh giản biên chế, ngành Công Thương cần tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Không chỉ tinh giản về số lượng, ngành cần nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên gia trong các lĩnh vực then chốt.

Ngoài ra, việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác cũng rất quan trọng để bảo đảm sự đồng bộ, tránh tình trạng ngành Công Thương tinh gọn nhưng các lĩnh vực liên quan lại bị ảnh hưởng bởi sự thiếu đồng nhất trong triển khai. Tinh giản biên chế không chỉ là một yêu cầu chính trị mà còn là đòi hỏi để phát triển bền vững trong tương lai.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc chống lãng phí này không phải bây giờ mình mới làm mà làm lâu rồi. Tôi nhớ năm 1963, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã vận động một cuộc cách mạng rất ý nghĩa: “3 xây - 3 chống”. 3 xây nghĩa là xây dựng tinh thần trách nhiệm trong quản lý kinh tế, quản lý tài chính, quản lý vật tư. 3 chống là chống tham ô, lãng phí và quan liêu. Tôi nhớ đó là cả một cuộc vận động lớn cho tới năm 1965 chúng ta làm thành công lắm, nhưng sau đó rất tiếc chúng ta lại có chiến tranh đánh phá miền Bắc nên chúng ta không làm được triệt để. Sau này, khi đất nước thống nhất chúng ta lại tiếp tục.

Tôi nhớ năm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ VI, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Bộ máy của ta lãng phí lắm, người làm thì ít người ăn thì nhiều, đụng vào đâu cũng thấy”. Khi đó tham ô, tham nhũng chưa nhiều nhưng lãng phí thì nhiều lắm. Bây giờ, trong xây dựng đổi mới chúng ta phải thấy chống lãng phí không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách, mà còn là một nội dung cốt lõi trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Lãng phí, dù ở bất kỳ hình thức nào đều gây tổn hại cho đất nước, làm suy yếu niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước như:

Một là lãng phí tiền bạc, ngân sách nhà nước không được sử dụng một cách hiệu quả, bộ máy rất cồng kềnh; hai là lãng phí về tài sản công. Lãng phí rất nhiều ở từng cơ quan, từng đơn vị, doanh nghiệp, từng ngành kinh tế; ba là lãng phí tài nguyên: Tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên trong lòng đất.

Còn một sự lãng phí nữa theo tôi đó là lãng phí thời gian. Tình trạng mà đến công sở không làm việc, không biết làm việc gì, thậm chí không có việc gì để làm, thì cải cách bộ máy chính là xử lý cái lãng phí đó. Hay có những công trình để lãng phí hàng mấy chục năm trời mới hoàn thành. Đó chính là lãng phí thời gian, lãng phí trí tuệ, lãng phí tiền của đều tập trung ở đấy.

Như lời dạy của Lênin “hãy tính toán tiền nong cho cẩn thận”, câu nguyên văn của Lênin như vậy để khuyên những người cộng sản khi đi vào quản lý, khi đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội phải biết tính toán tiền nong cho cẩn thận, đừng ném tiền qua cửa sổ, đừng ném tiền vào rừng, không biết thu lại cái gì. Lãng phí là thế, là nguy hiểm thế.

Tham nhũng thì biển thủ bao nhiêu tiền có thể biết ngay chứ lãng phí thì như ném tiền xuống biển vậy. Nên phải tính toán lại, phải xếp đặt lại. Mỗi công việc cần tính toán bao nhiêu công sức, bao nhiêu trí tuệ, bao nhiêu của cải, bao nhiêu đầu tư… Hay như lời của Bác Hồ “sản xuất mà không tiết kiệm giống như gió vào nhà trống”, nhưng tiết kiệm ở đây không phải là bủn xỉn, mà cái gì cần chi thì vẫn phải chi. Đây là trách nhiệm của người quản lý, của bộ máy quản lý, phải tính toán cẩn thận để chống lãng phí một cách có hiệu quả.

Và đặc biệt hơn là vấn đề xử lý thế nào thì phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ tính toán lại cẩn thận, phải có người chịu trách nhiệm. Nếu lãng phí không chỉ rõ được trách nhiệm, người chịu trách nhiệm thì không thể tháo gõ, không thể khắc phục được. Bên cạnh đó lại xuất phát từ tâm lý “tiền chùa”, “tiền của công” thành ra người ta phung phí rất nhiều.

Bác Hồ luôn dạy mọi người, mọi cán bộ phải cần, kiệm. 23 điều tư cách người cách mệnh thì Bác Hồ đặt “cần, kiệm” lên đầu. Cần là cần cù, chuyên cần làm việc, làm việc hết mình; kiệm là tiết kiệm chứ không được phung phí. Mọi tài sản, mọi tiền của đều do công sức của dân mà có cả, thế nên phải biết tiết kiệm. Khi chuyển biến được nhận thức thì sẽ nâng cao được chất lượng quản lý, đề ra chính sách quản lý, cơ chế chính sách quản lý minh bạch thì nhất định sẽ giải quyết được, xử lý được. Nhưng quan trọng vẫn là trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, phải kiên quyết xử lý chống lãng phí thì mới sử dụng được đồng tiền, bát gạo một cách hợp lý.

Bây giờ chúng ta không thể hình dung ngành Công Thương phát triển như ngày xưa được. Đi vào những lĩnh vực cụ thể phải giải quyết từng lĩnh vực một. Ví như, vừa rồi chúng ta thi công hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình đến Phố Nối - Hưng Yên đã thể hiện trình độ rất cao của cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện. Không chỉ trách nhiệm nhiệt tình đâu, mà còn phải có cả năng lực, trí tuệ mới làm được điều đó. Chống lãng phí nó cũng ở cái tầm đó.

Tôi cũng luôn nhấn mạnh rằng, chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có ý thức tiết kiệm, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Từng ngành, từng lĩnh vực đều phải cơ chế, sắp xếp lại cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhưng phải căn cứ đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng ngành.

Ví dụ như Công Thương là một ngành kinh tế tổng hợp nhưng cũng là ngành kinh tế kỹ thuật với trình độ công nghệ cao, khác với các ngành khác. Vậy nên cũng phải sắp xếp bộ máy thế nào cho hợp lý để từng con người có thể đóng góp vào sự nghiệp chung của ngành, cũng như sự nghiệp phát triển chung của đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa như hiện nay.

Câu hỏi rất hay và ý nghĩa. Tuy nhiên mọi so sánh đều là khập khiễng. Thế hệ trẻ bây giờ có nhiều điểm khác so với thế hệ trẻ của chúng tôi ngày xưa. Bây giờ họ nắm khoa học công nghệ tốt hơn, công nghệ thông tin tốt hơn, rồi những tri thức mới lạ tốt hơn, họ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn như ngoại ngữ, công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Tôi thấy nhiều điều hay lắm. Nên tôi rất tin chỉ khoảng 5-10 năm nữa thế hệ trẻ Việt Nam sẽ vươn lên làm chủ công nghệ. Dân tộc nào làm chủ được khoa học công nghệ, dân tộc đó có thể bứt phá, phát triển, chứ nếu để lỡ mất khoa học công nghệ thì khó mà phát triển được.

Trước đây thế hệ trẻ chúng tôi phải lo đánh giặc để cứu nước, cả hai cuộc kháng chiến cứu quốc trước năm 1975 chúng tôi đã phải hy sinh nhưng cũng cố gắng học hành lắm. Tất nhiên, hoàn thành việc học hành trong thời điểm lúc đó rất khó khăn, nhưng ý chí học hành của người Việt mình ghê gớm lắm.

Bây giờ các cháu giỏi hơn nhiều, phải tin vào thế hệ trẻ. Các cháu sẽ hơn thế hệ cha ông trên lĩnh vực trí tuệ, phát triển. Tuy nhiên cũng còn một bộ phận có chút phai nhạt lý tưởng, hoặc thiếu lý tưởng sống, sa vào ăn chơi, thụ hưởng và có nhiều biểu hiện tiêu cực.

Tôi cho rằng, thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước, là lực lượng kế cận để xây dựng và bảo vệ các giá trị của Đảng, của dân tộc. Với riêng ngành Công Thương - lĩnh vực luôn gắn liền với sự năng động và sáng tạo - vai trò của lớp trẻ các bạn trẻ lại càng quan trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi toàn cầu như hiện nay.

Trước hết, tôi cho rằng thế hệ trẻ cần có ý thức rõ ràng về việc kế thừa các giá trị lịch sử. Đó là những giá trị được xây dựng từ sự hy sinh, nỗ lực của các thế hệ đi trước trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Những bài học từ lịch sử Đảng, từ sự lãnh đạo sáng suốt của các thế hệ cán bộ tiền bối, sẽ là nguồn cảm hứng và kim chỉ nam cho thế hệ trẻ ngày nay.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ không nên chỉ dừng lại ở việc kế thừa, mà còn cần phát huy, sáng tạo những giá trị mới phù hợp với thời đại. Ngành Công Thương hiện nay không chỉ đối mặt với các vấn đề nội tại mà còn phải thích nghi với các xu hướng toàn cầu như cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ 4.0 và những giá trị phát triển bền vững.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng, công nghệ và chuyển đổi số là những yếu tố then chốt để ngành Công Thương bắt kịp xu thế phát triển hiện đại. Các bạn trẻ cần làm chủ những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số hay các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây không chỉ là công cụ giúp tối ưu hóa hoạt động trong ngành, mà còn là cầu nối đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ra thị trường toàn cầu.

Thế hệ trẻ phải là người dẫn đầu trong việc áp dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống quản trị thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và quản lý. Những đổi mới này không chỉ giúp ngành Công Thương nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn mở ra những cơ hội mới, biến thách thức thành động lực phát triển, quan tâm đầu tư cho giáo dục đào tạo con người như lời Bác Hồ vẫn dạy “Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người” là vậy. 100 năm trồng người ấy là công phu lắm, như Bác vẫn nói “Giống như người làm vườn chăm sóc những cây quý”, phải chăm chút, trọng dụng nhân tài.

Cuối cùng, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước của thế hệ trẻ cũng là yếu tố quyết định. Tôi luôn nhấn mạnh rằng, nếu các bạn trẻ có lòng tự hào dân tộc, có ý chí vượt qua khó khăn, và không ngừng học hỏi, thì dù làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào, các bạn cũng sẽ tạo ra những giá trị mang lại lợi ích cho đất nước. Ngành Công Thương là một minh chứng, nơi mà sáng tạo, công nghệ và trách nhiệm gắn kết chặt chẽ để hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.

PGS.TS Nguyễn Trong Phúc: Cùng với việc tinh gọn thì hệ thống, bộ máy của báo chí cũng được tinh gọn cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, sao cho chức năng nhiệm vụ tránh chồng chéo. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo sao cho báo chí thật sự là một mặt trận tư tưởng, một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Góp phần vào giáo dục, tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, của Nhà nước tới mọi người.

Cái quan trọng nhất báo chí là giáo dục, là tuyên truyền, là hướng dẫn. Bác Hồ cũng là người rất quan tâm đến báo chí, chính Bác cũng là một nhà báo vĩ đại viết hàng vạn bài báo tuyên truyền có ý nghĩa. Riêng Báo Công Thương là một tờ báo của một ngành kinh tế kỹ thuật, một ngành kinh tế cơ bản của đất nước chắc chắn có vai trò, chức năng quy định cụ thể.

Rất mong mỗi cán bộ, phóng viên trong Báo Công Thương sẽ đem hết sức mình để tuyên truyền, phát triển, quảng bá hình ảnh của ngành Công Thương - một ngành kinh tế hết sức quan trọng của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền sao cho thật sự hấp dẫn.

Tôi là người cũng rất quan tâm theo dõi những thông tin trên Báo Công Thương, qua đó cũng hiểu được phần nào hoạt động của lĩnh vực Công Thương cũng như những cống hiến, đóng góp của những đồng chí cán bộ của ngành Công Thương như thế nào. Với tinh thần thật sự khâm phục, kính trọng đấy!” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc tiếp tục chia sẻ với Báo Công Thương chúng tôi.

Tạm biệt làng Quốc tế Thăng Long, trong ngôi nhà chúng tôi vừa ghé thăm, hình ảnh mà chúng tôi vẫn còn lưu đọng lại là những cuốn sách, những tài liệu nghiên cứu đã ngả màu theo thời gian. Nhưng những tư liệu đó không chỉ lưu giữ lại những tri thức quý giá, mà còn là nơi chứa đựng tấm lòng của một con người đã dành cả đời mình để góp sức, xây dựng lý luận cho Đảng, cho nhân dân. Những gì PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã giãi bày, chia sẻ không chỉ là những công trình nghiên cứu tâm huyết, mà là những giá trị tinh thần, tư liệu lịch sử vô giá mà ông mong muốn được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau..

Trong một ngày xuân, tiết trời Hà Nội lạnh se sắt nhưng vẫn hửng nắng vàng, chẳng hiểu sao sau cuộc trò chuyện ấy, tâm trạng của ekip chúng tôi lại cảm thấy ấm áp đến lạ thường/.

BT: Thanh Thảo - Photos: Quốc Chuyển

Đồ họa: Choibeo

Thanh Thảo - Hồng Thịnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pgsts-nguyen-trong-phuc-chuyen-doi-so-la-yeu-to-then-chot-369443.html