PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường: Sống trọn đam mê và cống hiến
PGS-TS, nhà khảo cổ nổi tiếng, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời sáng 6-5 tại Bệnh viện ĐH Y Dược, ĐHQG Hà Nội
PGS-TS Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là người con thứ tư của cố Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân.
Nhà cổ nhân học nổi tiếng
Từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, năm 10 tuổi, ông sang Trung Quốc học nhạc, được học thầy Phạm Tuyên và thầy Nguyễn Hữu Hiếu, người đầu tiên chỉ huy dàn hợp xướng ở Việt Nam cùng thầy Nhan Nghiêm Túc (người Trung Quốc). Về nước, ông phụ trách dàn hợp xướng 100 người và dàn nhạc 20 người tại Trường Lý Thường Kiệt (nay là Trường Việt Đức) ở Hà Nội. Năm 1960, khi 19 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tiên "Tiếng hát bản Mường" và sau đó là hợp xướng "Tiếng ca trên bè gỗ", đều đoạt giải trong các cuộc thi dành cho học sinh - sinh viên của Hà Nội.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Ảnh: TƯ LIỆU)
Tuy nhiên, gia đình không khuyến khích ông theo đuổi con đường này. Cha ông định hướng "nhà đã có một người làm nghệ thuật (nhà soạn nhạc Nguyễn Lân Tuất - PV) thì con nên đi làm khoa học". Và vì thế, Nguyễn Lân Cường thi vào Khoa Sinh vật của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).
PGS-TS Nguyễn Lân Cường được biết đến là nhà cổ nhân học nổi tiếng. Ông là người Việt Nam đầu tiên được đào tạo ở Cộng hòa Dân chủ Đức vào năm 1980 - 1981 về phương pháp phục chế lại mặt người theo xương sọ. Ông làm chủ nhiệm các đề tài tu bổ và bảo quản các nhục thân.
Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2009, PGS-TS Nguyễn Lân Cường ra mắt cuốn sách "Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư", sách đoạt Giải vàng Sách Hay năm 2010. PGS Nguyễn Lân Cường chia sẻ đây là công trình khoa học mà ông ấp ủ hàng chục năm, là một dấu son đánh dấu trên chặng đường làm khoa học của bản thân. Cuốn sách tập hợp những nghiên cứu, tu bổ và bảo quản 4 nhục thân ở chùa Đậu (Hà Nội), chùa Phật Tích, Tiêu Sơn (Bắc Ninh) suốt từ năm 1983 tới 2008. Những câu chuyện ông kể trong sách hầu hết là những trang nhật ký trong thời gian nghiên cứu.
PGS Nguyễn Lân Cường còn có những công trình nghiên cứu quan trọng về chuyên ngành cổ nhân học của Việt Nam, như "Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam", "Cổ nhân học và môi trường cổ ở Việt Nam"... Với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khảo cổ học tại Việt Nam, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng Bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam "Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1093 cá thể)" năm 2022.
Với ông, khảo cổ học không đơn thuần là việc đào xới các di chỉ hay nghiên cứu di cốt khô cằn, mà là hành trình tìm về sự sống, nơi mỗi bộ hài cốt ẩn chứa một câu chuyện, một linh hồn cần được thấu hiểu, trân trọng và phục dựng.
Một nhạc sĩ yêu đời, yêu người
Là một nhà khảo cổ nổi tiếng nhưng PGS-TS Nguyễn Lân Cường còn là nhạc sĩ, đã thành lập và chỉ huy dàn hợp xướng Hanoi Harmony trong nhiều năm.
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác ở Viện Khảo cổ học. Được đi trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, nên mỗi ca khúc của ông như những trang nhật ký viết bằng nhạc. Các tác phẩm của ông ghi dấu kỷ niệm những chuyến đi, bám sát các đề tài thời sự và còn có một mảng sáng tác thú vị dành cho thiếu nhi. Gia tài âm nhạc của ông có gần 100 tác phẩm, gồm hợp xướng và các ca khúc chủ yếu viết cho trẻ em, trong đó nổi bật là "Vị tướng của lòng dân", "Về đi em", "Bài ca về những người lính đảo"...
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường từng giành 18 giải thưởng âm nhạc của Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, UNICEF, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Sở Tư pháp Hà Nội, Bộ Tư lệnh Hải quân. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.
Ngoài nghiên cứu khảo cổ và sáng tác nhạc, PGS-TS Nguyễn Lân Cường còn có tài hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962. Một trong những tác phẩm đáng tự hào của ông là sách "Bộ xương nói với bạn điều gì?", gồm 320 hình minh họa bộ xương người do chính ông vẽ.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường luôn mang tinh thần sống lạc quan, nguồn năng lượng tích cực. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn làm việc không biết mệt mỏi, cho đến khi phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối vào cuối năm 2024.
Nhà khoa học, nghệ sĩ đa tài ra đi nhưng năng lượng tích cực mà ông lan tỏa vẫn tiếp tục sống trong các công trình, bản nhạc, bức tranh, và đặc biệt là trong ký ức của bao thế hệ học trò, đồng nghiệp, bạn bè và công chúng. Ông là minh chứng cho một cuộc đời mà khoa học và nghệ thuật không hề đối lập, mà bổ sung cho nhau để làm nên một con người viên mãn - sống với đam mê, sống để cống hiến và truyền cảm hứng cho cuộc đời.
TS Phạm Việt Long, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, đánh giá PGS-TS Nguyễn Lân Cường sống trọn vẹn như cách ông nhìn về những bộ xương cổ: không phải là biểu tượng của cái chết, mà là ký ức sống động về sự tồn tại. Ông không chỉ là nhà khoa học - nghệ sĩ hiếm có, mà còn là một người yêu đời, yêu người, luôn mang đến niềm vui và cảm hứng cho những ai từng gặp ông.