PGS-TS Trần Đắc Phu nói gì về các quy định cách ly tập trung hiện nay?

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định các quy định về cách ly tập trung của Việt Nam đều rất chặt chẽ.

Liên quan đến một số trường hợp mắc Covid-19 sau khi hết thời gian cách ly là ca bệnh ở Hà Nam và chuyên gia Trung Quốc cách ly tại Yên Bái, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

- Phóng viên: Thưa ông, vừa qua nước ta đã ghi nhận một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hết thời gian cách ly tập trung như ca bệnh ở Hà Nam và chuyên gia người Trung Quốc. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - Ảnh: Diệu Linh

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - Ảnh: Diệu Linh

+ PGS-TS Trần Đắc Phu: Với những trường hợp nói trên tôi đưa ra các giả thiết. Thứ nhất: bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh.

Thứ 2, bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính. Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh Covid-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít. Do đó, nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 sau đó tiếp tục về nhà giám sát chặt chẽ, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày. Như theo quy định của Bộ Y tế hiện nay là rất chặt chẽ.

Nguyên nhân còn lại là trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác bệnh nhân đó đã lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được nguồn lây.

Thực tế, thời gian qua Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly như: tại Yên Bái, Hải Dương… Tuy nhiên, phải phân tích kỹ, điều tra thật kĩ để xác định nguyên nhân của ca bệnh dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính.

- Với các trường hợp dương tính sau khi hết thời gian cách ly tập trung, chúng ta có nên nâng thời gian cách ly tập trung nhiều hơn 14 ngày như hiện hành hay không, thưa ông?

+ Tôi xin nhắc lại, đến nay các quy định về cách ly tập trung của Việt Nam đều rất chặt chẽ. Sau khi về nơi lưu trú Bộ Y tế cũng yêu cầu những người này phải giám sát sức khỏe, phải khai báo y tế với địa phương, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân (đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử khuẩn…), có dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải báo ngay cơ quan y tế, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc với những người khác khi không cần thiết. Hiện nay, các nước trên thế giới cũng thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, bởi đa số chỉ ủ bệnh trong 14 ngày, chỉ một số rất ít ủ bệnh lâu hơn.

Khu vực cách ly tập trung- Ảnh: Tuấn Dũng

Khu vực cách ly tập trung- Ảnh: Tuấn Dũng

- Quy định là vậy nhưng tại sao vẫn xảy ra các trường hợp nhiễm bệnh trong khu cách ly và sau khi hết thời gian cách ly, thưa PGS?

+ Việc lây bệnh trong khu vực cách ly là do các các trường hợp này không tuân thủ các quy định cách ly (có thể là ở khâu quần áo bảo hộ, khẩu trang, khử khuẩn…). Chẳng hạn, ca bệnh là nhân viên lễ tân ở một khách sạn tại Yên Bái có thể do họ chưa tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ban hành đầy đủ các văn bản với quy định rất chặt chẽ về việc cách ly tại khách sạn hay khu tập trung của quân đội. Trước đó, trường hợp Khách sạn Mường Thanh (Hà Nội), một người mượn điện thoại của bệnh nhân Covid-19 trong 10 giây, người khác lại đổi tiền cho bệnh nhân này nên đã trở thành F1 do tiếp xúc gần. Đó chính là chưa tuân thủ cách ly.

Còn vì sao hết cách ly vẫn mắc bệnh tôi cũng đã nêu một số yếu tố như đã nói ở trên.

- Vậy với những trường hợp hết thời gian cách ly tập trung cần phải cách ly và theo dõi sức khỏe như thế nào. Họ có phải cách ly tuyệt đối thêm 14 ngày tại nhà và nơi cư trú hay không, thưa ông?

+ Với những người sau khi hết thời gian cách ly tập trung, theo quy định các trường hợp này không phải cách ly tại nhà nhưng phải giám sát chặt chẽ, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Ngày 19-1-2021, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có Công văn Số 425/CV-BCĐ, trong đó có hướng dẫn quản lí những người sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Quy định cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày. Sau đó họ cần tiếp tục thực hiện quy định giám sát chặt chẽ tại địa phương 14 ngày: Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú và các đơn vị liên quan tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế trong 14 ngày tiếp theo.

Sau khi hết thời gian cách ly tập trung các cá nhân phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh

Sau khi hết thời gian cách ly tập trung các cá nhân phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh

Người hoàn thành cách ly phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Chẳng hạn, những người nhập cảnh, sau khi về nơi lưu trú họ phải theo dõi sức khỏe, không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với người khác và áp dụng các biện pháp phòng bệnh (khẩu trang, khử khuẩn…). Những trường hợp này chỉ tiếp xúc khi cần thiết.

Như trường hợp bệnh nhân 2899 ở Hà Nam đi uống bia, đi đám cưới, ăn uống, tụ tập đông người… là không đúng quy định. Những chuyên gia nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung vẫn có thể làm việc trong trường hợp cần thiết nhưng phải thực hiện các quy định về phòng bệnh và giãn cách trong thời gian làm việc cũng như tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, họ không được tụ tập đông người, tổ chức liên hoan, sinh nhật, ăn uống...

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/pgs-ts-tran-dac-phu-viec-cach-ly-nhieu-hon-14-ngay-la-khong-can-thiet-20210503222222957.htm