PGS.TS. VŨ SỸ CƯỜNG: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA CẦN LINH HOẠT TRONG NGẮN HẠN, TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC TRONG DÀI HẠN

Tham gia đóng góp ý kiến về chính sách tài khóa hỗ trợ ổn định và phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025 tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, năm 2023-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.

Tổng thuật "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022": Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

Đóng góp ý kiến về chính sách tài khóa hỗ trợ ổn định và phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025 tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho biết, nhằm ứng phó với khủng hoảng do dịch bệnh, ngay từ năm 2021, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Năm 2022 được bắt đầu với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gói hỗ trợ tài khóa chiếm phần lớn chương trình nên nhiệm vụ của Chính phủ, nhất là Bộ Tài chính là hết sức nặng nề. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, như: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước… Ngoài ra, do giá xăng dầu tăng đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính

Mặc dù thực hiện nhiều chính sách miễn giảm thuế, song do dự toán NSNN 2022 khá thận trọng (chỉ tăng khoảng 3 % so với ước thực hiện 2021) nên số thu NSNN 8 tháng đầu năm 2022 là rất khả quan. Trước nguy cơ sụt giảm nguồn thu, ngân sách năm 2022 được lập dự toán với sự thận trọng. Theo dự toán NSNN 2022, chi thường xuyên tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 với tăng chi cho một số chính sách như y tế, an sinh xã hội phát sinh mới là cần thiết và hợp lý. Dự toán NSNN 2022 cũng điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia NSNN của một số địa phương như Tp.Hồ Chí Minh hay Đà nẵng. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp thiết của việc phục hồi kinh tế, Quốc hội đã ban hành NQ số 43/2022/QH2015 cho phép nới lỏng chi tiêu công và chấp nhận tăng bội chi NSNN cho 2 năm 2022-2023.

Đánh giá khái quát về chính sách tài khóa năm 2022, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam vẫn ở dưới mức 4 % trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao. Gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cho năm 2022 sẽ khả quan. Mới đây, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của ba tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Toàn cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Tuy nhiên, phân tích chính sách tài khóa năm 2022 và giai đoạn gần đây, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả trong ngắn và dài hạn. Cụ thể, ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2 % lãi suất hay chương trình mua máy tính cho học sinh. Gói hỗ trợ nhà ở mặc dù được coi là rất có ý nghĩa về mặt xã hội nhưng triển khai trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ giải ngân 8 tháng 2022 cũng chỉ đạt hơn 60 %. chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân rất chậm, số liệu hết tháng 8/2022 cho thấy tổng chi đầu tư phát triển chỉ đạt hơn 40 % dự toán. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn chưa thể giải ngân. Việc Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 584 về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có thể coi là giải pháp tình thế cho việc giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cũng nêu rõ, chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022 được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế chính trị thế giới như xung đột Nga – Ucraina, tình hình lạm phát toàn cầu... Do vậy, cần phải có những điều chỉnh trước những biến động của bối cảnh mới. Vấn đề dự báo thu và chi ngân sách vẫn luôn là thách thức. Việc dự báo thận trọng là cần thiết song quá thận trọng có thể khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khóa của mình. Số liệu ở hình dưới dây cho thấy quy mô thu ngân sách của Việt Nam đang có xu hướng thu hẹp lại so với giai đoạn trước đây. Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng trước thế lưỡng nan vừa muốn tiếp tục nới lỏng chi tiêu, vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hệ quả là cán cân ngân sách có nguy cơ mất cân đối nhiều hơn và rủi ro làm tăng vay nợ.

Đưa ra gợi ý chính sách tài khóa cho năm 2022 và trung hạn 2023-2025, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, mặc dù dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì nguyên tắc lường thu mà chi, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp. Bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới, vì vậy Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, cần điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi trong ngân sách nhà nước, chú ý phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong việc hỗ trợ và vay nợ. Theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, năm 2023-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được. Chính sách tài khóa cũng cần có sự điều chỉnh theo quan điểm mà chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: ”dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68559