Vì sao Big Tech được Bộ Tư pháp Mỹ 'bảo vệ' để hỗ trợ TikTok
Các tài liệu chưa từng công bố trước đây cho thấy Bộ Tư pháp Mỹ đã âm thầm trấn an các gã khổng lồ công nghệ rằng họ sẽ không phải đối mặt với hậu quả pháp lý nếu duy trì hoạt động của TikTok, theo tờ Wired.

Ảnh minh họa: Reuters
Thư “giải tội” từ Bộ Tư pháp
Theo tờ Wired, khoảng ngày 30/1 - 5/4/2025, quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp James McHenry và người kế nhiệm là bà Pam Bondi, đã gửi hàng loạt thư đảm bảo pháp lý cho ít nhất 10 công ty công nghệ lớn trong đó có Apple, Google, Microsoft, Amazon, T-Mobile, Oracle, LG, Akamai, Digital Realty và Fastly.
Đặc biệt, trong các bức thư gửi ngày 11/2 và 10/3/2025, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã hứa rằng, Bộ Tư pháp sẽ không bắt các công ty này phải chịu trách nhiệm vì vi phạm các quy định của luật. Hơn nữa, Bộ cam kết sẽ can thiệp để ngăn chặn mọi nỗ lực của bên thứ ba nhằm áp dụng hình phạt hoặc khởi kiện.
Sở dĩ những lá thư này đến giờ mới được hé lộ là do Zhaocheng Anthony Tan, một cổ đông của Google - đã đệ đơn kiện để có được các văn bản này. Ông đã thành công trong việc buộc Bộ Tư pháp công bố một số lá thư do ông James McHenry và người kế nhiệm Pam Bondi chấp bút.
Vì sao Bộ Tư pháp phải làm điều này?
Luật “Protecting Americans from Foreign Adversary Controlled Applications Act” (tạm dịch "Đạo luật bảo vệ người Mỹ trước các ứng dụng nước ngoài kiểm soát"), được Quốc hội thông qua năm 2024, ra đời nhằm buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ trước hạn 19/1/2025, nếu không ứng dụng có thể bị cấm hoàn toàn. Apple và Google từng gỡ TikTok khỏi App Store và CH Play Store vào ngày đó.
Tuy nhiên, ngay khi ông Trump nhậm chức vào 20/1/2025, ông lập tức ký lệnh hành pháp hoãn thi hành luật này 75 ngày để tiếp tục các cuộc đàm phán bán TikTok.
Đến đầu tháng 4, Tổng thống Trump lại gia hạn thêm 75 ngày nữa, lần này kéo dài đến giữa tháng 6, và tiếp tục gia hạn đến giữa tháng 9/2025.
Không chỉ dừng ở lời nói của Tổng thống, Bộ Tư pháp còn gửi thư bảo đảm rằng họ sẽ miễn trách nhiệm pháp lý cho các công ty tiếp tục hỗ trợ TikTok; can thiệp vào mọi hành động pháp lý bên ngoài như nộp tài liệu pháp lý liên quan hoặc tham gia kiện tụng để bảo vệ các công ty.

Bà Pam Bondi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: New York Times
Các văn bản nội bộ cho thấy, Bộ Tư pháp viện dẫn quyền hành pháp theo Điều II Hiến pháp để trì hoãn thi hành luật, lý giải rằng việc cấm TikTok đột ngột có thể gây cản trở “nhiệm vụ quốc tế và an ninh quốc gia của Tổng thống”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý lên tiếng nghi ngờ tính hợp pháp của cách làm này. Harvard Law nhấn mạnh chưa từng có tổng thống nào hủy bỏ toàn bộ tính hiệu lực của luật một cách như vậy. Một số chuyên gia gọi đây là “phạm vi quyền lực hành pháp chưa từng thấy".
Một số chuyên gia luật phát biểu trên tờ New York Times rằng Bộ Tư pháp dưới chính quyền ông Trump đã triển khai một “khoảng tối pháp lý”, nơi luật thì còn hiệu lực nhưng không được thi hành, còn lệnh hành pháp thì bảo vệ các công ty trong khi bản chất của nó vẫn chưa được tòa phúc thẩm xác nhận.
Big Tech tiếp tục “được ăn cả, ngã về không”
Trong giai đoạn khủng hoảng năm 2025, Apple và Google đã chỉ gỡ TikTok trong vòng 26 ngày. Khi có thư từ Bộ Tư pháp và lệnh hoãn, họ nhanh chóng đưa TikTok trở lại App Store và Play Store.
Theo BTCC Academy, động lực chính để Apple và Google quay lại là bảo vệ doanh thu và hệ sinh thái ứng dụng – tháng nào cũng có khoản chia 30% doanh thu từ quảng cáo, mua hàng trên TikTok.
Nếu tòa án sau này xác định rằng ông Trump không có quyền thi hành lệnh hoãn, hoặc thư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoàn toàn không đủ giá trị pháp lý, thì các công ty này có thể đối mặt vụ kiện đủ lớn để khiến họ mất hàng tỷ USD. Theo một số bài báo ước tính thì con số này lên đến 850 tỷ USD.
Tóm lại, Bộ Tư pháp Mỹ, dưới thời Tổng thống Trump, đã chủ động “chứng giám” và miễn trách nhiệm pháp lý cho các công ty như Apple, Google, Microsoft, Amazon, T-Mobile… để họ tiếp tục hỗ trợ TikTok thông qua hàng loạt thư bảo đảm và hành động hỗ trợ pháp lý.
Mặc dù giúp TikTok trụ vững tại Mỹ, việc này cũng đặt Big Tech vào thế coi như được “che chắn” nhưng vẫn đầy rủi ro nếu tương lai pháp lý thay đổi.