Phá rừng giữa phố

Ngày 22/4, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra thực địa vụ hàng loạt cây thông có tuổi đời gần 100 năm bị cưa hạ ngay giữa lòng thành phố Đà Lạt.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Tại hiện trường cho thấy, nhiều cây thông vẫn còn ứa nhựa, chứng tỏ chúng vừa bị triệt hạ; một số cây bị chết trước khi bị đốn ngã.

Phỏng đoán của cơ quan chuyên môn thì số cây thông chết trước khi bị triệt hạ này là do bàn tay con người cố ý làm cho chúng “chết đứng” để hợp thức hóa việc phá rừng thông đặng lấy đất sử dụng vào việc khác.

Số cây thông bị triệt hạ này nằm cạnh khu biệt thự cổ Cadasa Đà Lạt, trên đường Trần Hưng Đạo. Điều đó có nghĩa, việc phá rừng thông không phải lén lút ở nơi khuất nẻo xa xôi mà ngay trước mắt bàn dân thiên hạ.

Ai dám cả gan phá rừng như chỗ không người này? Hẳn nhiên không phải là “lâm tặc” như mọi người hay gọi để chỉ những kẻ cưa/ chặt trộm gỗ rừng, càng không phải là “dân đen”. Vậy thì ai phá rừng thông cổ thụ này? Rất cần cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng “chỉ mặt đặt tên”.

Cần ngược dòng thời gian để hiểu ngọn nguồn và lý giải vì sao những cây thông cổ thụ bị triệt hạ ngay giữa lòng thành phố Đà Lạt mà không một ai hay biết, hoặc biết mà không dám nói.

Tháng 10/2005, UBND tỉnh Lâm Đồng mở cuộc đấu giá công khai để tìm đối tác trùng tu bảo tồn 16 ngôi biệt thự cổ cùng hai lô đất 17 và 19 - nơi có số thông vừa bị triệt hạ. Công ty Cổ phần Đào Tạo - Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ thông tin CADASA trúng thầu.

Sau khi phê duyệt kết quả đấu giá, tháng 12 cùng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng bàn giao khu biệt thự cổ cùng hai lô đất 17 và 19 có quần thể thông ba lá này. Cả khu biệt thự và quần thể thông ba lá đều được tỉnh Lâm Đồng đưa vào danh mục bảo tồn.

Bảy năm sau, tháng 9/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng bất ngờ thu hồi 2 lô đất 17 và 19 với tổng diện tích trên 3.000 m2 nói trên với lý do CADASA không sử dụng (?). Hai lô đất này ngay lập tức được đưa ra đấu giá với mức 16 - 18 tỉ đồng.

Ngạc nhiên thay, người trúng thầu hai lô đất nói trên là con trai và bà thông gia của một vị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào thời điểm ông này còn tại chức. Việc hai “người nhà” của vị lãnh đạo trên trúng thầu đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch của việc đấu giá nói trên.

Từ “trúng thầu” giờ đến lượt phá rừng thông, tiếp theo sẽ là phân lô bán nền trên 3.000 m2 là đường đi tất yếu của hai lô đất 17 và 19. Vì vậy, dân Đà Lạt không ngạc nhiên gì khi hàng chục cây thông trăm tuổi bị cưa hạ ngay giữa lòng thành phố du lịch nổi tiếng này mà “không ai biết cả”.

Việc triệt hạ rừng thông lâu nay ở tỉnh Lâm Đồng thì nhiều, nhưng đa số là lén lút ở những địa bàn khuất nẻo, xa trung tâm thành phố Đà Lạt. Nhưng phá rừng giữa lòng thành phố như vụ việc vừa đề cập thì đây là lần đầu tiên.

Có lẽ cũng không cần nói gì thêm về việc phi phạm luật pháp trắng trợn này. Dư luận ở Lâm Đồng đang trông chờ vào tính nghiêm minh trong việc xử lý vụ việc của các nhà lãnh đạo hiện thời. Không được ai đứng trên luật pháp, dù người đó từng là lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/pha-rung-giua-pho-ei3APg9MR.html