Phá tan điểm nghẽn, tạo động lực mới để đầu tàu Tp.HCM phát triển
Tp.Hồ Chí Minh được ví như đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng đầu tàu ấy đang chậm lại. Do đó, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực mới để Tp.HCM phát triển là cấp thiết.
Đầu tàu kinh tế của cả nước đang chậm lại
Tại buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh chiều 19/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Tp.Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng nhằm tạo điều kiện cho Tp. củng cố, tăng cường các trụ cột, các động lực tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó, quy định Tp. được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép Tp.Hồ Chí Minh kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023. Qua xem xét, Quốc hội đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54 và giao Chính phủ giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc họp ngày 2/12, Bộ Chính trị đã thống nhất tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Tại buổi làm việc, Các đại biểu đã nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo tóm tắt việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Tp.Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo ý kiến bước đầu về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Tp.Hồ Chí Minh.
Các đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành đã cho ý kiến, làm rõ quan điểm của mình theo từng lĩnh vực phạm vi phụ trách về các nội dung đề xuất chính sách của Tp. cũng như cho ý kiến về việc về quy trình thủ tục, cách làm...
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng phạm vi cơ chế đề xuất thí điểm lần này có đặc thù rộng, nhiều nội dung quan trọng, bao quát nhiều lĩnh vực đòi hỏi cần phải được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Có ý kiến đề nghị Tp. tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có các nhóm chính sách có trọng tâm, trọng điểm, thực sự đột phá để tạo động lực cho Tp. phát triển.
Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, Tp.Hồ Chí Minh được ví như "đầu tàu" kinh tế của cả nước nhưng thời gian qua, "đầu tàu" ấy đang chậm lại. Ở đây có trách nhiệm của chính Tp. nhưng cũng có phần do những điểm nghẽn khi mà "đầu tàu" ấy không thể vượt qua được vướng mắc của thể chế, của hạ tầng bất cập, nhân lực quá tải... Thực trạng đó khiến lãnh đạo Tp. nóng lòng, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước càng nóng lòng hơn.
Với mong muốn tiếp tục phát triển, mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khi Tp. không thể tự mình giải quyết đã đề xuất với cấp trên với tinh thần có sự khuyến khích, bảo vệ người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trước yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, thời gian qua, Tp. đã tích cực phối hợp với các cơ quan để chuẩn bị, tham mưu trình cấp có thẩm quyền và mong muốn sớm trình Quốc hội cho phép Tp. những quyết sách mạnh mẽ kịp thời.
Ủng hộ tối đa vì sự phát triển của Tp.Hồ Chí Minh
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết và cấp bách của Đề án về xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là nội dung nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với Tp.Hồ Chí Minh, giúp cho Tp. củng cố các động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa theo tinh thần “Tp.Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Tp.Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, ngoài chủ trương chung theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.Hồ Chí Minh, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội đã giao nhiệm vụ về sớm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, cùng với đó là Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Do đó, trong quá trình xây dựng Đề án cần hệ thống hóa, quán triệt được các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo lớn này. Đồng thời, tập trung vào nhóm các chính sách lớn có trọng tâm trọng điểm và thực tế đang có nhiều vướng mắc, điểm nghẽn.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các chính sách được đề xuất cần được phân nhóm theo hướng. Một là, các chính sách đã được quy định trong Nghị quyết 54 mà qua tổng kết nhận thấy vẫn còn có ý nghĩa và cần thiết được thực hiện, có sự cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại. Hai là, các nhóm chính sách đã được cho phép thí điểm thực hiện ở các tỉnh/thành khác trong đó có điều chỉnh để phù hợp với Tp.Hồ Chí Minh.
Ba là, nhóm chính sách được đề ra để sửa đổi, bổ sung các luật hiện nay như Luật Đất đai để cho phép Tp. được thực hiện sớm hơn. Bốn là, những nhóm chính sách mới riêng biệt cho Tp..
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ tinh thần ủng hộ tối đa vì sự phát triển của Tp., đồng thời lưu ý rằng dù là đề xuất thí điểm nhưng phải có sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tp., có sự ủng hộ của các bộ ngành và toàn hệ thống chính trị để tạo đà và khí thế khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các chính sách phải mang lại những lợi ích trước mắt và lâu dài, tạo đột phá kiến tạo cho sự phát triển, đổi mới sáng tạo. Trong đó, mỗi chính sách cần xác định rõ các nội hàm và thẩm quyền, rõ giới hạn các quyền, khung phạm vi, phân cấp ủy quyền nhưng cũng phải đi kèm với điều kiện đảm bảo thực hiện cũng như có cơ chế hậu kiểm để kiểm tra, đánh giá. Đây là nội dung cần được thiết kế quy định một cách chặt chẽ trong Nghị quyết.
Đồng thời, đề nghị dự thảo Nghị quyết cần đề cập rõ về các đề án triển khai cụ thể. Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ như đề xuất chính sách về hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thì khi tổ chức thực hiện, Tp. cần ban hành Đề án để tổ chức thực hiện chính sách này để xác định rõ các đối tượng được hưởng chính sách, không áp dụng tràn lan để bảo đảm tính chất thí điểm có kiểm soát.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tích cực triển khai các nhiệm vụ đề ra; cho biết các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng phối hợp tích cực với các bên trong quá trình xây dựng Nghị quyết, cố gắng, phấn đấu sớm trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).