'Phá vây' đầu tư công: Cộng hưởng từ cuộc sống đến thị trường - Bài 1: Chuyện ở nơi từng bị 'tuýt còi'
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, chưa tự chủ về ngân sách, song Yên Bái luôn tận dụng từng đồng dành cho đầu tư phát triển, dù đã có lúc, việc mạnh dạn gỡ vướng từng bị 'tuýt còi'.
Trong khi nghị trường sôi nổi bởi những tranh luận nhiều chiều ở nhiều kỳ họp về nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm, thì cuộc sống đã có những câu trả lời đầy thuyết phục. Song, chính cuộc sống cũng đang đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để “phá vây” cả những đồng tiền dành cho đầu tư công đang “ngủ đông”, lẫn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Bài 1: Chuyện ở nơi từng bị “tuýt còi”
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, chưa tự chủ về ngân sách, song Yên Bái luôn tận dụng từng đồng dành cho đầu tư phát triển, dù đã có lúc, việc mạnh dạn gỡ vướng từng bị “tuýt còi”. Câu chuyện ở đây chứa đựng những thông điệp quý, trong bối cảnh nghịch lý có tiền không tiêu được liên tục được nêu tại diễn đàn Quốc hội.
Từ lời cảm ơn của Bí thư Tỉnh ủy
Quốc hội khóa XV đã bước sang đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ sáu. Như thường lệ, ở kỳ họp này, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công nói riêng và những chồng chéo, bất cập của hệ thống văn bản liên quan đến đầu tư, kinh doanh nói chung vẫn tiếp tục làm “nóng” cả những phiên thảo luận và chất vấn.
Đăng đàn trong ngày chất vấn thứ hai, sau khi nhiều vị đại biểu đã nêu “những thông số rất giật mình” liên quan đến bất cập trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang “xin nhận khuyết điểm và sẽ cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới”.
Tiếp đó, ông chia sẻ: “Bí thư một tỉnh miền núi phía Bắc đã nắm tay tôi và cảm ơn vì chúng tôi đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình đường giao thông trọng điểm và đồng chí này nói, qua 24 lần thực hiện quy trình, thủ tục, văn bản hành chính mới được giải quyết. Thật sự, tôi rùng mình với thông tin này”.
Vị Bí thư được Phó thủ tướng nhắc tới chính là ông Đỗ Đức Duy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, người mà khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND tỉnh đã có chủ trương mạnh mẽ trong phân cấp, ủy quyền.
Những lời chia sẻ của Phó thủ tướng cho thấy, Yên Bái cũng không là ngoại lệ trong “chiếc vòng kim cô” thủ tục hành chính khiến vị lãnh đạo Chính phủ phải “rùng mình”.
Vậy tại sao, một tỉnh còn chưa tự chủ về ngân sách như Yên Bái lại không xin trả lại vốn đầu tư công như một số nơi khác, mà tỷ lệ giải ngân luôn đạt 95-97%, trong đó, cả 2 năm 2021 và 2022 đều được Thủ tướng giao bổ sung vốn ngoài kế hoạch đã giao từ đầu năm?
Để trả lời câu hỏi này, giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo Đầu tư đã đến Văn Yên, một huyện miền núi cao của Yên Bái. Đưa chúng tôi xuống Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ (dự án đường nối thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC14 thuộc địa phận huyện Văn Yên), Phó giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Văn Yên, ông Hoàng Hải Sơn cho biết, theo kế hoạch, dự án này sẽ thông toàn tuyến vào năm 2024, song nhà thầu phấn đấu hoàn thành ngay trong năm 2023.
Tiến độ dự án có tới hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng này có thể rút ngắn là bởi, đây là một trong những dự án được áp dụng cơ chế ủy quyền quyết định giá đất cụ thể từ UBND tỉnh cho UNBD cấp huyện.
Nói về quyết định đó, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, ông Lưu Trung Kiên so sánh, khi cấp huyện chưa được ủy quyền, thì phải chờ Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh ra quyết định, rồi cấp huyện mới được triển khai. Mà trên 9 địa bàn cấp huyện, có khi có tới hàng trăm dự án được triển khai cùng lúc, hồ sơ gửi về dồn dập, nên Hội đồng Thẩm định giá đất không thể họp từ ngày này sang ngày khác được. Từ khi có quyết định ủy quyền nói trên, công việc của một hội đồng được chia cho 9 hội đồng và cấp huyện hoàn toàn chủ động giải quyết công việc của mình. Riêng Văn Yên, năm nào cũng giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công được phân bổ, từ đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế luôn đạt và vượt kế hoạch.
Thế nhưng, quyết định đã được chứng minh là rất phù hợp với thực tiễn đó, dù đang “chạy” rất ngon lành, cũng chỉ kéo dài từ ngày 11/8/2020 đến hết năm 2021, thì bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi”, khi đối chiếu với quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Theo đó, UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho UBND cấp huyện, nhưng Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh thì lại không phải của UBND tỉnh, nên không thể ủy quyền cho Hội đồng của huyện.
May sao, đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống đã được Chính phủ quan tâm và kịp thời tháo gỡ. Ngày 6/5/2023, Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể đã được ban hành. Lần này, Yên Bái lại ban hành quyết định về việc ủy quyền giá đất cụ thể, bao gồm cả quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định giá đất, mà không còn nơm nớp lo bị “tuýt còi” giữa chừng nữa.
Biết khó, nên lo sớm
Lợi ích việc ủy quyền sớm của Yên Bái về quyết định giá đất cụ thể không thể đo đếm bằng tiền, song cũng chưa đủ để tỉnh này tránh được nghịch lý có tiền mà không tiêu được trong giải ngân vốn đầu tư công.
Chính cán bộ ở địa phương mới biết như thế nào là tốt nhất cho mình
Trong thời điểm hiện nay, phân cấp đang có một tầm quan trọng rất đặc biệt, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho rất nhiều việc. Những văn bản pháp luật gần đây của Chính phủ và các bộ, ngành đang theo hướng này, bởi chính các đồng chí ở địa phương mới biết như thế nào là tốt nhất cho mình. Luật có tính phổ quát nhất định, có khi hợp lý chỗ này, nhưng chưa hợp lý chỗ khác.
- Phó thủ tướng Trần Lưu Quang
Vẫn liên quan đến giải phóng mặt bằng, Yên Bái còn ủy quyền cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện được điều chỉnh bản đồ địa chính - vốn là việc của cơ quan đăng ký đất đai cấp tỉnh. Với cơ sở dữ liệu về đất đai còn chưa cập nhật được biến động và mới đang dò dẫm tiến đến số hóa, dữ liệu trong hồ sơ và trên thực tế ở nhiều nơi rất khác nhau. Vì thế, nếu không có sự ủy quyền này, thì cấp huyện khó có thể chủ động trong việc giải phóng mặt bằng, vốn đã vô vàn khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ trong đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Yên Bái còn luôn “biết khó, nên lo sớm”.
Chẳng hạn, việc chuẩn bị danh mục đầu tư phải đi trước một bước để khi có kế hoạch phân bổ đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau là có thể đưa vào ngay, có một số dự án đã được bố trí một phần vốn của giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thậm chí có thể tiến hành khởi công từ cuối năm 2020, để khi có vốn được phân bổ theo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là có thể “chạy” tiếp được ngay.
Đó là với những việc có thể chủ động, còn với những việc ở vào thế bị động, Yên Bái ứng xử ra sao?
Thấu hiểu những vướng mắc từ thực tế khi còn làm lãnh đạo huyện, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thế Phước thẳng thắn nhận xét, hệ thống pháp luật đến thời điểm này còn những chồng chéo, mâu thuẫn, có phần xuất phát từ việc một số bộ, ngành ở mức độ nào đó vẫn muốn “ôm quyền, giữ quyền”. Mà nghị định thì lại chính các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, nên ở địa phương nhiều lúc rất khổ. Và trong khi chờ sửa văn bản của cấp trên, địa phương không có cách nào khác ngoài việc phải tự xoay sở.
Ông Phước lấy ví dụ, theo văn bản pháp luật về đầu tư, cơ quan có thẩm quyền phải cho phép nhà đầu tư được chuyển mục đích sử dụng đất trước khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhưng văn bản pháp luật về đất đai lại quy định phải có chủ trương đầu tư mới được chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, nhà đầu tư cứ chạy đi, chạy lại giữa hai cơ quan này như con thoi cũng không giải quyết được vấn đề. Còn tỉnh mà ra quyết định, thì đúng luật này lại trái luật khác.
Cách tháo gỡ của Yên Bái là xử lý bằng quy trình phối hợp giữa các ngành. Cụ thể, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ xin chủ trương đầu tư thì tiến hành lấy ý kiến các sở, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở này sẽ trả lời câu hỏi là vị trí nhà đầu tư đề xuất có đủ điều kiện cho chuyển mục đích sử dụng đất không, nếu đủ thì trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi có quyết định đó mới làm thủ tục chính thức với Sở Tài nguyên và Môi trường cho chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, ngay trong quyết định chủ trương đầu tư có ghi rõ, yêu cầu nhà đầu tư chỉ được triển khai dự án sau khi đã hoàn thành thủ tục về đất đai, môi trường để đảm bảo không trái luật.
Đổi mới rất đáng chú ý nữa trong cách làm của Yên Bái, theo lời ông Phước, là trước đây, sau khi HĐND tỉnh ban hành chính sách thì đều giao các ngành ban hành hướng dẫn thực hiện, ít nhiều cũng không tránh khỏi việc “ông” nào cũng lo giữ quyền và giữ “an toàn” cho mình, nên chỉ “chết” anh thực hiện ở cơ sở. Còn hiện nay, sau khi HĐND tỉnh ban hành chính sách, UBND tỉnh yêu cầu các ngành có liên quan tham mưu, sau đó UBND tỉnh ban hành một văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới. Như thế, tránh cho cấp dưới phải đối chiếu cùng lúc rất nhiều văn bản hướng dẫn mà vẫn sợ làm không đúng.
Rõ ràng, thực tế của Yên Bái đã cho thấy, lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng “mong các đại biểu giám sát ngay địa phương mình, để làm rõ vì sao cùng thể chế như nhau, có địa phương làm tốt, có nơi không tốt” là có lý.
Nhưng, vẫn còn những câu chuyện cả ở Yên Bái và nhiều nơi khác cho thấy, sự sáng tạo của địa phương cần được cộng hưởng sức mạnh từ những quyết sách mạnh mẽ ở nghị trường, để những “điểm nghẽn” cả trong chính sách và thực thi được tháo gỡ hiệu quả nhất.
(Còn tiếp)