PHÁ VỠ THẾ ĐỘC ĐẠO, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG VÙNG NÚI PHÍA TÂY TỈNH KHÁNH HÒA

Tại phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 (Dự án), đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án. Trong đó, nhấn mạnh, Dự án sẽ giúp phá vỡ thế độc đạo, góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới giao thông vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn. Trong thời gian qua, đã có một số Dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư Dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Để sớm hoàn thành Dự án, hoàn thiện mạng lưới giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa và kết nối khu vực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Thẩm tra sơ bộ Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị; là một trong những dự án giao thông quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Dự án được đầu tư dự kiến giúp tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần ổn định đời sống, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người dân trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Việc đầu tư tuyến đường góp phần tăng cường an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện chủ động trong các tình huống cấp thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án.

Nhất trí với chủ trương đầu tư Dự án

Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, điểm đầu: giao với Quốc lộ 27C tại km 16+900 (cách sông Cầu 250m về phía đông) thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh; điểm cuối: tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656/Km55+900 vào địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Thống nhất với tính cần thiết của Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra tiếp tục thể hiện đậm nét hơn nội dung này. Trong đó, cần tập trung nhấn mạnh, Dự án nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 02 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa; tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng; …

Đồng thời, tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tuyến đường dự án hoàn thành kết nối với hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường Quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo vệ an ninh, quốc phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối, phát triển các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của tỉnh Khánh Hòa.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai

Góp ý về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, trong báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng khẳng định rất rõ về sự cần thiết phải đầu tư Dự án. Tán thành quan điểm được nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, đây là Dự án mang ý nghĩa xã hội và đặc biệt là tạo điều kiện phát triển hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm, về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn của tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết số 55 của Quốc hội về cơ chế đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa và trong Nghị quyết về cơ chế đặc thù cũng đã nhấn mạnh rất rõ đối với hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng cần có cơ chế đặc thù. Đây là một trong những Nghị quyết hiếm hoi về cơ chế đặc thù lưu ý cụ thể đến hai huyện của một tỉnh, xuất phát từ đặc điểm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như là điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Khi Chính phủ thẩm định Dự án này cũng thấy đây là một dự án mang ý nghĩa kinh tế - xã hội nhiều hơn và gắn với quốc phòng, an ninh.

Nêu quan điểm tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ tán thành cao với Báo cáo thẩm tra. Đồng thời cho rằng, Dự án có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa và có liên kết ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa trong việc cam kết nguồn vốn phân bổ thực hiện dự án cho cả giai đoạn 2023-2027 và dự kiến phân bổ hàng năm, nhất là khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công chỉ mới được phê duyệt trong giai đoạn 2021-2025 và tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực thực hiện nhiều dự án đầu tư quan trọng. Đồng thời, tỉnh cũng cam kết trong quá trình thực hiện dự án, trường hợp dự án tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư được Quốc hội phê duyệt, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã có trong quy hoạch của tỉnh từ năm 2016. Năm 2017 cũng đã có kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, tuyến đường này nằm trong vùng khó khăn nên không thể thực hiện xã hội hóa, mà có thể phải cần đến nguồn vốn đầu tư công.

Nhấn mạnh tỉnh Khánh Hòa không thể chỉ dựa vào du lịch để phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, giai đoạn năm 2019 - 2020, du lịch của tỉnh Khánh Hòa sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do vậy, tỉnh Khánh Hòa xác định trong thời gian tới cần phải có sự phát triển toàn diện, trong đó có công nghiệp, kinh tế biển, thủy sản…

Thống nhất với sự cần thiết và mục tiêu của dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Hồ sợ Dự án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng qua rất nhiều vòng hồ sơ, Hội đồng thẩm định. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ thống nhất cao với chủ trương đầu tư Dự án, đồng thời nhấn mạnh, việc sớm triển khai sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn; tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.

Rà soát lại tên gọi của Dự án

Đồng tình với chủ trương cũng như sự cần thiết phải đầu tư Dự án, tuy nhiên, các ý kiến tại Phiên thảo luận cũng đề nghị Chính phủ phải hoàn thiện Hồ sơ, phân tích làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến: Tên gọi; xác định rõ tiêu chí cụ thể để xác định một dự án liên kết vùng; về hướng tuyến;…

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Kiêm toán nhà nước, do đây là dự án quan trọng Quốc gia phải có ý kiến bằng văn bản của Kiểm toán Nhà nước để có cơ sở cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Liên quan đến tên gọi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại bởi thực chất đây là đường mà nằm trên địa bàn 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa, không đi sang địa phận của tỉnh khác. Do đó, phải nhắc kỹ chỉ trong bản đồ và trong thuyết minh nói rõ điểm đầu, điểm cuối kết nối với những nơi nào. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tên gọi của Dự án phải thể hiện đúng để khi trình Quốc hội nói rõ đây là đường của tỉnh nhưng tạo ra năng lực kết nối với các địa phương trong vùng có liên quan.

Cũng tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần xem xét, rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cụ thể hơn, để tránh lãng phí nguồn lực khi vận hành tuyến đường lâu dài. Đặc biệt, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần tính toán, làm rõ chi phí xây dựng đường hầm để đảm bảo cân đối chi phí – lợi ích hợp lý trong dài hạn.

Ngoài ra, một số ý kiến ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, cần xác định rõ tiêu chí cụ thể để xác định một dự án liên kết vùng, những tác động cụ thể đến phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận?; …

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Tuy nhiên, trước khi trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Dự án và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần lưu ý đến một số vấn đề trọng tâm về: Tên gọi, nguồn vốn, thời gian bố trí vốn Trung ương và địa phương cho từng giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030; hướng tuyến;…/.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74949