Phác họa bức tranh tổng quát về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam

Ngày 31/5, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế và Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar công bố 'Báo cáo đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và tại Myanmar'.

Công bố "Báo cáo đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và tại Myanmar".

Công bố "Báo cáo đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và tại Myanmar".

Báo cáo gồm 4 chương: Phân tích, đánh giá hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nước trên thế giới; tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; đầu tư của Việt Nam tại Myanmar : xu hướng và triển vọng; định hướng và giải pháp thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn tới.

Theo TS. Phan Hữu Thắng-Chủ tịch Hội đồng biên soạn, để chỉ ra được các nguyên nhân dẫn đến thành công và thất bại của đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong giai đoạn vừa qua, Báo cáo đã tập trung vào phân tích thực trạng của đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trên bình diện tổng thể và tại các nước, vùng lãnh thổ đến đầu tư. Cơ sở phân tích là các kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp điển hình được lựa chọn đại diện cho từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể, cũng như đại diện khu vực đến đầu tư.

Cùng với đó, Báo cáo đi sâu phân tích hệ thống luật pháp chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, cũng như hệ thống luật pháp chính sách của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài và thông lệ đầu tư quốc tế. Từ đó, chỉ ra được các thuận lợi, khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ở nước ngoài và đưa ra các khuyến nghị về hoàn thiện luật pháp chính sách về đầu tư ra nước ngoài của nước ta hiện nay.

Đón cơ hội đầu tư vào Myanmar

Riêng với nghiên cứu về đầu tư tại Myanmar, Báo cáo chỉ ra rằng quốc gia này thực sự là một địa chỉ đầu tư rất hấp dẫn, cho dù tình hình chính trị xã hội ở đất nước này hiện chưa ổn định. Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ động tìm hiểu để nắm những cơ hội đầu tư vào thị trường này là điều các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam cần lưu ý.

Myanmar là quốc gia ASEAN có diện tích lớn nhất và dân số đông thứ ba trong tiểu vùng Mekong mở rộng (gồm các nước CLMV và Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc), gần gũi với Việt Nam về vị trí địa lý và tập quán văn hóa, còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Vì vậy, bên cạnh Lào và Campuchia, Việt Nam cần xác định Myanmar là đối tác quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển của mình. Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sang Myanmar để chiếm lĩnh thị trường quan trọng này khi điều kiện cho phép. Hội đồng biên soạn đã đưa ra một số khuyến nghị.

Một là, tăng cường hợp tác kinh tế song phương từ cấp Trung ương đến địa phương của hai nước. Chính phủ Việt Nam và Myanmar cần tăng cường chia sẻ quan điểm, lập trường và phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, khu vực và quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động ngoại giao, đàm phán để nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam- Myanmar thông qua việc triển khai ký kết các hiệp định, các bản ghi nhớ, các bản thỏa thuận giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương,... nhằm tạo ra hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hai nước dễ dàng thâm nhập khảo sát thị trường.

Hai là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại. Việt Nam cần tăng cường đàm phán song phương với Myanmar nhằm đạt được đồng thuận trong việc giảm dần các hàng rào thuế và cắt bỏ dần các hàng rào phi thuế quan và thuế hóa các hàng rào phi thuế cho hợp lý. Xây dựng chính sách mặt hàng xuất khẩu có tính ổn định, lâu dài nhằm tạo được những sản phẩm có tầm chiến lược, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với ưu thế, tiềm năng nổi trội của hai nước.

Ba là, tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức hữu nghị và hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao tính chủ động của các doanh nghiệp trong trong việc hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần tích cực xúc tiến các hoạt động nghiên cứu để đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong hợp tác đầu tư với Myanmar, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác hai bên khi điều kiện cho phép. Hãng hàng không Myanmar đã chính thức khai trương đường bay quốc tế thương mại thường lệ Yangon – Hà Nội từ tháng 9/2022 đánh dấu việc phát triển mạng đường bay quốc tế giữa hai nước.

Bốn là, chủ động hợp tác, thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar. Kế hoạch hợp tác Hành lang kinh tế Đông – Tây đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong lần thứ 8 (10/1998)./.

Minh Ngọc

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/phac-hoa-buc-tranh-tong-quat-ve-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-cua-viet-nam-102230531192248169.htm