Phác họa nét quê trong thơ Lỗ Trọng Bường

Tác giả Lỗ Trọng Bường sinh năm 1948, quê ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Ông là hội viên Hội VHNT Vĩnh Phúc, chi hội thơ. Trong 10 năm trở lại đây, ông đã có nhiều tập thơ in riêng, nhưng đa phần đều hướng về chủ đề quê hương, về mẹ như các tập Tình quê (2009), Hồn quê (2010), Quán nhỏ mẹ tôi (2013)…

Tháng 9 năm 2020, ông tiếp tục xuất bản cuốn “Không thể nào quên”, tuy đa dạng về đề tài, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là những vần thơ dành tặng quê nhà, đặc biệt, người đọc dễ dàng nhận ra những tâm tư, nỗi niềm đau đáu của ông trước sự đổi thay của làng quê thời nông thôn mới. Cảm xúc đó bằng sự ẩn ý hay phô bày thì nó cũng đã được dàn trải khắp tập thơ, tìm được sự đồng cảm sâu sắc từ phía bạn đọc.

Trong ký ức của mình, làng quê của ông cũng giống như bao làng quê Việt khác, với những hình ảnh thân thương của "Mái đình, giếng nước, bến sông/ Cây đa trăm tuổi cánh đồng ven đê" (Viếng ngoại) hay "Chợ quê” với cảnh "Chợ họp dưới lũy tre làng/ Bao nhiêu thúng mủng, dần sàng, nong nia/ Hàng thịt, tôm tép chỗ kia/ Hàng mắm, muối, ớt… bên rìa giếng khơi…/ Chợ quê vẫn giữ nết quê/ Trầu không muộn lứa chẳng chê quê nghèo".

Tuổi thơ mỗi người đều từ nơi ấy mà lớn lên. Cũng chính từ nơi cội rễ ấy mà bắt đầu cho những ước mơ, hoài bão được nuôi dưỡng; rồi nhìn vào những cơ hàn, gian khó mà rèn chí, bền lòng, vững tin vươn đến tương lai.

Tác giả Lỗ Trọng Bường viết những câu thơ về làng quê mình trong hoài niệm với những từ ngữ dung dị, gần gũi, thậm chí có lúc như đang làm phép kiểm đếm: Thúng mủng, dần sàng, nong nia, hàng thịt, hàng mắm, hàng muối…

Cũng có thể đôi khi cảm xúc dẫn dắt, thì chẳng người viết nào đem cái sự chủ định, chủ ý ra để gồng mình lên, để uốn nắn cảm xúc. Và tôi tin, khi ông viết những câu thơ này, trong ông, những cảm xúc về một làng quê mến yêu, một làng quê gắn bó với mình già nửa đời người buồn vui, khổ đau, hạnh phúc… đã chiếm trọn trong ông.

Cả tập thơ “Không thể nào quên” chưa phải bài nào cũng hay, cũng xuất sắc nhưng sau khi chạm vào những câu thơ viết về cảnh quê, người quê của Lỗ Trọng Bường, lại thấy rưng rưng đến lạ.

Có lẽ không riêng ông, mà với những người sinh ra ở làng, gắn bó với làng, chứng kiến những đổi thay của làng qua từng thời kỳ, chắc chắn sẽ có chung niềm tâm sự, có chung nỗi lòng với tác giả: "Từ ngày quê hóa ngoại ô/ Đồng co rúm lại nhà ồ ạt ngoi" (Cò ơi). Hay "Còn đâu ngõ để mà trông/ Ngõ giờ cũng phố cả trong lẫn ngoài/ Nhà sát vách, biết nhà ai/ Hở đâu là có mảnh chai cắm đầy/ Đất ngăn lòng cũng cách chia/ Đến như nắng gió cũng lìa xa nhau" (Gửi về quan họ).

Câu chuyện “ngày làng lên phố” không phải cho đến bây giờ thơ ca mới nhập cuộc bình bàn mà cách đây hàng chục năm, đặc biệt là khoảng dăm, bảy năm trở lại đây khi phong trào xây dựng nông thôn mới nở rộ ở khắp các địa phương, nhiều nhà thơ, nhà văn có tên tuổi đã mượn tác phẩm để thổ lộ lòng mình, để phản ánh cái được cái mất, cái hơn cái thiệt của phong trào này.

Tuy nhiên, mỗi người đều chọn cho mình một góc nhìn khác nhau, cách thể hiện khác nhau. Với tác giả Lỗ Trọng Bường cũng vậy, ông mượn thơ để bày tỏ sự tiếc nuối trước sự thay đổi ngỡ ngàng của những vùng quê, trong đó, có quê hương Liên Châu của mình.

Và rồi, cái sự tiếc nuối ấy nó dẫn đến những câu thơ cũng thẫn thờ như tâm trạng "Khát khao tiếng cuốc đêm hè/ Dõi tìm một dải sương khuya ven làng/ Thẫn thờ nhớ bóng đò ngang/ Một đàn cò trắng lang thang vòm chiều" (Biết là không thể). Giờ còn lại gì sau những đổi thay, quê hương đi lên với công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa! Những dòng sông thu mình về phía khác; những con đường bê tông thẳng tắp, không ôm nổi một lũy tre làng; bãi bồi giờ thấp cao nhà mới; cánh diều nhỏ ốm nhiều ngày vì chẳng còn đất để chao nghiêng.

Mà lạ chưa, làng quê nhiều đổi thay, sao vẫn còn canh cánh bên lòng những điều xưa cũ?... Cũng chẳng thể lý giải được, khi trải qua cảm xúc “bị” đánh mất những điều thân thương! Vậy là, về làng bây giờ nhiều ngôi nhà cao tầng san sát, cùng mang trên mình một kiểu kiến trúc hệt nhau. Bờ giậu, bờ rào chẳng còn nữa màu xanh, bao tường mới quét lên màu vôi khác.

Hoài niệm quê nhà đã gửi lại ký ức, thèm một tiếng à ơi bên cánh võng, rưng rưng nhớ khói lam chiều, rưng rưng nhớ đồng bãi, ruộng nương "Ngủ ngon một giấc trong mơ/ Có con chim phượng đợi chờ cùng bay/ Ngủ ngoan tủm tỉm giấc say/ Có nghe tiếng máy mải cày đồng xa" (Lời ru đêm trăng).

Có thể thấy, Lỗ Trọng Bường chẳng dụng đến tiếng “khóc” nào trong những bài thơ vừa được điểm ở trên, nhưng đọc chúng, ngẫm về chúng, chúng ta lại thấy cay cay khóe mắt. Thôi thì, ngày hôm qua thật gần mà cũng đã thật xa. Đi khắp bốn phương, lòng ta sẽ mãi bình yên khi nghĩ về một nơi gọi là quê nhà, quê mẹ. Thương nhớ này, luyến tiếc này cũng phải cất giấu trong lòng, để mừng vui cho ngày quê hương khoác lên màu áo mới.

Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/72102/phac-hoa-net-que-trong-tho-lo-trong-buong.html