Phải cảnh giác với bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh

Mới đây tại tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Trong số 119 người tiếp xúc với bệnh nhân tử vong có 1 trường hợp ở tỉnh Bắc Giang bị phát hiện dương tính với bệnh này.

Ca tử vong là cá biệt

Bệnh nhân tử vong được ghi nhận là P.T.C, nữ, 18 tuổi, dân tộc Khơ Mú, trú bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trường hợp này là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ông Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết khai thác thông tin dịch tễ được biết ngày 26-6, em P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng; tự mua thuốc điều trị và vẫn dự thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT huyện Kỳ Sơn vào ngày 27 đến 28-6. Sau khi thi xong, em P.T.C về nhà nhưng bệnh không thuyên giảm nên ngày 1-7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị.

Đến ngày 4-7, không có dấu hiệu cho thấy bệnh thuyên giảm nên P.T.C được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị. Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Sau đó bệnh nhân được gia đình xin về và tử vong vào lúc 4 giờ ngày 5-7.

Theo ông Trang, qua rà soát đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân P.T.C từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Trong đó có 16 người tiếp xúc gần, chủ yếu là người thân, bạn cùng phòng ký túc xá, bệnh nhân cùng phòng.

Trong các trường hợp tiếp xúc gần ở ký túc xá có 2 người di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang, trong đó chị M.T.B đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với bạch hầu.

Về trường hợp bệnh nhân tử vong do bạch hầu, ông Chu Trọng Trang cho rằng có một phần nguyên nhân do bệnh nhân không tiêm phòng từ nhỏ, phát hiện bệnh muộn và chậm chuyển tuyến theo khuyến cáo của cơ Sở Y tế. "Trường hợp người lớn tử vong do bạch hầu cũng rất cá biệt, đây là trường hợp hiếm xảy ra ở Nghệ An từ trước đến nay" - ông Trang nói.

Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết ngay khi nhận được thông tin về trường hợp mắc bạch hầu tử vong, Sở Y tế đã chỉ đạo CDC Nghệ An đến bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành nhuộm soi tươi mẫu bệnh phẩm, cử cán bộ trực tiếp mang mẫu ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngay trong đêm.

Ngành y tế cũng đã tiến hành khử trùng phương tiện chuyên chở bệnh nhân, tại gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh; hướng dẫn cách ly và điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày cho các trường hợp tiếp xúc gần và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh.

Với trường hợp mắc bạch hầu ở Bắc Giang - là bạn cùng phòng với ca bệnh tử vong ở Nghệ An, ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc CDC Bắc Giang, thông tin theo kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 8/15 mẫu đã có kết quả âm tính, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi. Đây đều là những trường hợp tiếp xúc gần (F1) với ca mắc ở Bắc Giang.

Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C (18 tuổi, đã tử vong). Ảnh: ĐỨC NGỌC

Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C (18 tuổi, đã tử vong). Ảnh: ĐỨC NGỌC

5 ca mắc có 1 ca tử vong

TS-BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết ngay sau khi có thông tin về ca bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc bệnh bạch hầu, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả những người tiếp xúc gần. Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh bạch hầu...

Ông Đức cho biết bệnh bạch hầu là bệnh có vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tại Việt Nam, số ca bệnh bạch hầu đã giảm nhiều kể từ khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 - 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm giai đoạn từ 2004 - 2019). Đến năm 2020, số ca bệnh tăng với 226 trường hợp, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị.

Những năm gần đây, bệnh bạch hầu được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Năm 2021, cả nước ghi nhận chỉ 6 ca bệnh, năm 2022 là 2 ca.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và nuôi cấy) tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Trong đó, có 55 ca mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm 2023 và trong số này có 7 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Trước 2 ca bệnh ở Nghệ An và Bắc Giang vừa được phát hiện, nước ta đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại tỉnh Hà Giang.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT...) đầy đủ, đúng lịch để bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, cần tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

Ngoài ra, người lớn cần tiêm nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung… Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

TP HCM vận động tiêm chủng ngừa bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng cả nước nói chung và TP HCM nói riêng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cả nước gặp tình trạng gián đoạn cung ứng nhiều loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng, trong đó có bạch hầu.

Trước những khó khăn trên, TP HCM đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tiêm bù mũi các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn thành phố, tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vắc-xin phòng ngừa. Hiện các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có đầy đủ tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TP HCM. Sở Y tế khuyến cáo tất cả phụ huynh có trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng cần chủ động và tích cực đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ trẻ không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

H.Yến

. PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

Khó biết bị lây từ nguồn nào

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi…; hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng (mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh). Bệnh cũng có thể lây gián tiếp do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu như quần áo, tay… Nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào.

Bạch hầu thường ủ bệnh từ 2-5 ngày sau khi phơi nhiễm và lây lan cho người khác trước khi có triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng thường gặp như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì người bệnh có thể hồi phục bình thường.

. TS-BS HUỲNH MINH TUẤN, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM:

Miễn dịch không tồn tại vĩnh viễn, cần tiêm nhắc

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, có tỉ lệ tử vong trung bình 5%-10%.

Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có khả năng miễn dịch thấp. Người đã tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc đã từng mắc bệnh trong quá khứ vẫn có khả năng nhiễm lại do cơ thể không tạo ra khả năng miễn dịch hoặc khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian.

Miễn dịch bạch hầu không tồn tại vĩnh viễn nên cần tiêm nhắc lại. Để chủ động phòng bệnh, nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh... Khi có những biểu hiện nghi bạch hầu, cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh, hạn chế tụ tập đông người theo yêu cầu của cơ quan y tế.

N.Thạnh - N.Dung ghi

Đức Ngọc - Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phai-canh-giac-voi-benh-bach-hau-196240709213016795.htm