'Phải cắt hết những 'vòng vèo' người dân, DN mới chọn làm thủ tục trực tuyến'

Chiều 29.7, làm việc với 11 Bộ, cơ quan, Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm cải cách theo hướng điện tử hóa, số hóa, nhưng phải cắt hết những 'vòng vèo' trong thủ tục thì người dân, doanh nghiệp mới tin tưởng lựa chọn làm thủ tục trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi làm việc về tình hình triển khai các nhiệm vụ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, cơ quan, địa phương, trong thời gian không dài vừa qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận với những sản phẩm cụ thể.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính cũng là những biện pháp rất quan trọng để tránh tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội, mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, trục liên thông văn bản quốc gia từ tháng 3.2019 đến nay đã có trên 2,2 triệu văn bản được gửi nhận, ước tính tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỉ đồng mỗi năm.

Hệ thống e-Cabinet từ tháng 6.2019 đã phục vụ 18 phiên họp của Chính phủ và xử lý 439 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế cho việc in ấn, phát hành 129.000 hồ sơ, tài liệu giấy và tiết kiệm rất lớn về thời gian.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đến nay đã có hơn 53,7 triệu lượt truy cập, hơn 205 nghìn tài khoản đăng ký 1 lần, trên 12,6 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 228 nghìn hồ sơ được thực hiện… Tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỉ đồng mỗi năm, trong đó riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp khoảng 3.036 tỉ đồng.

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ được khai trương từ tháng 3.2020, đã kết nối với 16 bộ, cơ quan, 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua hệ thống, ước tính sẽ tiết kiệm được cho ngân sách 460 tỉ đồng mỗi năm…

Theo ông Dũng, sắp tới việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính sẽ được tiếp tục đẩy mạnh với nhiều công việc cụ thể. Trong đó, dự kiến tháng 8.2020 sẽ ra mắt Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ sớm khai trương dịch vụ công thứ 1.000, với những nội dung được người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, trong đó có thủ tục đăng ký ô tô, xe máy, người dân và doanh nghiệp có thể tiến hành “bốc biển số” qua Cổng.

“Cải cách là dư địa tăng trưởng, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy. Chúng ta quyết tâm cải cách theo hướng điện tử hóa, số hóa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Nhắc tới các Bộ có số lượng dịch vụ tích hợp và số hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia rất lớn, nổi bật như Bộ Tài chính (130 dịch vụ công và hơn 2,1 triệu hồ sơ), Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cũng chỉ rõ, vẫn có Bộ có rất ít dịch vụ được tích hợp và hồ sơ được đồng bộ trạng thái.

“Phải cắt hết những vòng vèo trong thủ tục thì người dân mới lựa chọn làm thủ tục qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; nếu không thì người ta chọn làm hồ sơ giấy còn hơn. Ít dịch vụ được tích hợp, ít hồ sơ được đồng bộ hóa trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đề nghị Bộ cần xem xét lại cách làm, thiết thực hơn”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần là nội dung nào người dân, doanh nghiệp cần thì triển khai quyết liệt, các dịch vụ nào người dân có nhu cầu lớn thì càng triển khai sớm. Quy trình thủ tục phải cắt giảm, thực sự phải cải cách. Làm đến đâu chắc đến đấy, không phải đưa thủ tục lên cho “đẹp sổ”, đưa lên vì thành tích, mà đưa lên phải có người dùng thực sự hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, các Bộ chủ động triển khai các thủ tục trực tuyến là rất tốt, nhưng việc các Bộ liên thông, kết nối, chia sẻ, tích hợp dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia rất quan trọng để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt nhất. Ví dụ, muốn đăng ký xe qua mạng, cần phải có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu từ nhiều cơ quan, nhiều Bộ khác nhau.

Nhắc lại việc VPCP được giao triển khai các sản phẩm cụ thể về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho biết các sản phẩm này đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, trả lời những câu hỏi của thực tiễn và chỉ có thể thành công với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, quyết tâm cao và sự thay đổi tư duy mạnh mẽ của các bộ, cơ quan liên quan.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-dau-tu-du-an-c-181/thi-truong-va-chinh-sach-c-196/phai-cat-het-nhung-vong-veo-nguoi-dan-dn-moi-chon-lam-thu-tuc-truc-tuyen-141687.html