Phải đảm bảo F0 được tiếp cận với dịch vụ y tế khi cần

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Hoàng Nam tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức vào chiều nay 1/3 để bàn giải pháp phòng chống COVID-19 trong bối cảnh số ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tăng nhanh.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu quản lý chặt vấn đề giá cả, chất lượng thuốc, vật tư y tế - Ảnh: Q.H

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu quản lý chặt vấn đề giá cả, chất lượng thuốc, vật tư y tế - Ảnh: Q.H

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng cho biết, số ca dương tính tăng nhanh, trung bình trên 500 ca/ngày trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2022 đến sáng 1/3, toàn tỉnh ghi nhận 13.680 ca COVID-19. Ngoài 13 cơ sở điều trị COVID-19, hiện toàn tỉnh có hơn 5.000 ca COVID-19 đang được cách ly, điều trị tại nhà.

Để phòng chống dịch, thời gian qua công tác tiêm chủng vắc xin được đặc biệt quan tâm. Tính đến hết ngày 28/2, số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin là 449.297 người, đạt tỉ lệ 99,22%; số người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 416.875 người, đạt tỉ lệ 92,06%; từ 12 đến 17 tuổi tiêm 1 mũi là 65.017 người, đạt 99,53% và tiêm đủ 2 mũi là 59.323, đạt 90,81%. Toàn tỉnh có 184.799 người đã được tiêm mũi bổ sung, tăng cường, đạt tỉ lệ 40,8%. Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân đã giúp nâng tỉ lệ tiêm chủng lên cao, cụ thể: 0,6% đối với người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi; 19,83% đối với người từ 12 – 17 tuổi đã được tiêm 1 mũi; 34,6% đối với người từ 12 – 17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi; 20,73% đối với các trường hợp tiêm bổ sung, nhắc lại.

Hiện nay, tuyến y tế cơ sở gánh nhiều áp lực trong công tác phòng, chống dịch. Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh dẫn đến tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, test phục vụ xét nghiệm… Việc điều trị F0 tại nhà còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Về phía ngành giáo dục, số ca COVID-19 tăng nhanh trong trường học làm ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học. Qua rà soát, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 3.810 người chưa được tiêm vắc xin, phần lớn là người mắc bệnh nặng, già yếu, người gặp khó khăn trong vận động, trẻ em, phụ nữ mới sinh…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu phải tiếp tục tăng cường truyền thông để người dân tự ý thức, biết cách chăm sóc sức khỏe, qua đó giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành y tế tập trung kiểm soát, tư vấn, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà, đảm bảo được tiếp cận với dịch vụ y tế khi cần; phân tầng điều trị để tránh xảy ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế; tập trung huy động nhân lực và tập huấn cho lực lượng phòng chống dịch; đảm bảo vấn đề thuốc và vật tư y tế; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách cho bác sĩ, nhân viên y tế…

Ngành giáo dục cần thống nhất với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại hệ thống y tế học đường để có thể đáp ứng nhu cầu trước mắt về phòng chống COVID-19; các trường cần có nhân viên y tế học đường; đảm bảo vật tư y tế để phòng, chống dịch trong trường học; sớm xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi… Sở Công thương phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường quản lý chặt vấn đề giá cả, chất lượng thuốc, vật tư y tế… UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế để xác định cấp độ dịch, làm căn cứ để quyết định mở lại một số hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=165291&title=phai-dam-bao-f0-duoc-tiep-can-voi-dich-vu-y-te-khi-can