Phải đổi mới tư duy làm du lịch
Để có thể đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, ngành du lịch sẽ phải hóa giải nhiều thách thức.
Năm 2023, ngành du lịch đạt kết quả đầy ấn tượng. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt); tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch năm; thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm.
Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu trong năm 2024 (đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng), ngành du lịch sẽ phải hóa giải nhiều thách thức.
Du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất, dẫn theo những hệ lụy như: đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm nguồn nhân lực, cộng đồng mất sinh kế…
Thời gian qua, những biến động phức tạp của tình hình thế giới như bất ổn chính trị, xung đột quân sự, kinh tế suy thoái... cũng đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Tổ chức Du lịch thế giới cùng Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới dự báo hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với thời kỳ đỉnh cao năm 2019 - trước đại dịch. Tuy nhiên, mức độ phục hồi của ngành du lịch ở các khu vực không đồng đều.
Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới.
Dễ nhận thấy, ngoài 2 thị trường khách quốc tế là Nhật Bản và Hàn Quốc có dấu hiệu tăng trưởng tốt thì nhiều thị trường khách tiềm năng khác của du lịch Việt vẫn chưa hồi phục. Thậm chí, chính sách ở nhiều quốc gia có sự thay đổi nên vấn đề đặt ra không chỉ là có những sản phẩm thay đổi hoàn toàn như mới mà còn cần phải xây dựng được kế hoạch xúc tiến mạnh mẽ hơn.
Nhiều chuyên gia du lịch cũng chỉ ra rằng, cùng với việc thu hút khách quốc tế cần xây dựng, củng cố thị trường khách nội địa theo hướng bền vững để không “thất thoát” nguồn khách quan trọng này. Đặc biệt, khi xu hướng của khách đi gần, ngắn ngày sẽ chuyển sang ngắn ngày hơn. Nếu như trước đây khách ưu tiên các chuyến du lịch xa xỉ thì năm nay, du khách ưu tiên các chương trình khuyến mại, giảm giá nhiều hơn.
Tại hội nghị triển khai công tác của ngành văn hóa - thể thao - du lịch ngày 3-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành du lịch đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.
Thủ tướng cũng lưu ý phát triển du lịch theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân; xóa đói, giảm nghèo; thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa...
Để du lịch bứt phá cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm, với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch.
Trong đó, cần đẩy mạnh liên kết vùng, quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm “một cung đường, nhiều điểm đến”; xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế; kết nối thể thao, kết nối con người.
MAI AN
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/phai-doi-moi-tu-duy-lam-du-lich-post110999.html