Phải dựng lại 'bức tường' pháp lý để ngăn vòng xoáy tái nghiện, tái phạm tội

Dưới góc nhìn tội phạm học, tôi cho rằng, đã đến lúc phải thiết lập lại 'bức tường' pháp lý để ngăn chặn tái nghiện, tái phạm vì ma túy.

Một đối tượng liên quan đến ma túy bị Công an huyện Thanh Hà bắt giữ (ảnh tư liệu)

Một đối tượng liên quan đến ma túy bị Công an huyện Thanh Hà bắt giữ (ảnh tư liệu)

Sau hơn 15 năm kể từ khi bỏ quy định xử lý hình sự người sử dụng ma túy, Bộ Công an đang đề xuất tái hình sự hóa hành vi đã từng cai nghiện nhưng vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm này. Dưới góc nhìn tội phạm học, tôi cho rằng, đã đến lúc phải thiết lập lại 'bức tường' pháp lý để ngăn chặn vòng xoáy tái nghiện - phạm tội - tái phạm đang bào mòn trật tự xã hội và đe dọa thế hệ trẻ.

Trước năm 2009, người sử dụng ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 199 Bộ luật Hình sự 1999 nhưng đến năm 2009, tội danh này bị bãi bỏ, chuyển sang xử lý hành chính.

Từ năm 2009 đến nay, chúng ta đã chọn hướng tiếp cận “phi hình sự hóa” đối với hành vi sử dụng ma túy. Đây là một cách nhìn nhân văn, đề cao quyền con người, phù hợp với các cam kết quốc tế. Nhưng đáng tiếc, trong điều kiện hệ thống hỗ trợ chưa đủ mạnh, việc làm nhẹ chế tài đã tạo ra một khoảng trống nguy hiểm.

Theo thống kê của Bộ Công an, cả nước hiện có hơn 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ. Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, khoảng 60% số người sử dụng lần đầu ở độ tuổi 15 - 25, trong đó có nhiều em 13 - 15 tuổi. Trong 95% số người sử dụng ma túy tổng hợp có tới 70 - 75% ở độ tuổi 17 - 35. Tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn ở mức rất cao, có địa phương lên tới 80 - 90%, khiến công tác cai nghiện trở nên kém hiệu quả, thậm chí vô vọng...

Từ thực tiễn điều tra, xử lý tội phạm, tôi nhận thấy rất rõ nhiều đối tượng trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người có điểm chung là nghiện ma túy.

Sau hơn 15 năm, thực tiễn cho thấy, người nghiện sau cai không có rào cản pháp lý đủ mạnh, dễ dàng tái nghiện và lôi kéo nhiều người khác cùng nghiện ngập và phạm tội.

Ở các nước phát triển, nơi có hệ thống phúc lợi, y tế, giáo dục đồng bộ, người nghiện có thể được hỗ trợ để tự phục hồi. Nhưng ở Việt Nam còn hạn chế.

Đề xuất lần này của Bộ Công an không phải là quay lại mô hình hình sự hóa tràn lan như trước năm 2009. Thay vào đó, chỉ nhắm đến nhóm người đã từng cai nghiện nhưng tái sử dụng chất ma túy trái phép. Đây là nhóm nguy cơ cao, chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến ma túy. Việc hình sự hóa có chọn lọc là cần thiết để răn đe người có biểu hiện lệ thuộc nhưng không chịu thay đổi.

Một yếu tố khiến việc quản lý người sử dụng ma túy trở nên cấp bách là sự biến tướng của các loại ma túy mới. Theo Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), mỗi năm thế giới ghi nhận 500 - 700 loại chất hướng thần mới, nhiều loại chưa kịp cập nhật vào danh mục kiểm soát. Tại Việt Nam, ma túy có thể xuất hiện dưới dạng bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử... khiến ngay cả người sử dụng cũng không ý thức được mình đang dùng ma túy.

Tái hình sự hóa không có nghĩa là đóng sập cánh cửa của người nghiện. Trái lại, nó là liều thuốc đủ mạnh để ngăn họ khỏi rơi vào vực thẳm.

Chúng ta đã chậm hơn 15 năm để chứng kiến vòng xoáy tái nghiện lan rộng từ đô thị đến nông thôn, từ nhà máy đến trường học. Giờ đây, nếu không hành động kịp thời, chính sách hình sự sẽ tiếp tục tụt lại phía sau thực tiễn xã hội và người phải trả giá đầu tiên không phải là người nghiện mà là những nạn nhân vô tội của tội phạm do người nghiện gây ra.

Không có chính sách nào là hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng giữa hai lựa chọn hoặc tiếp tục “nhẹ tay” để nhìn người nghiện trượt dốc không phanh hoặc dùng công cụ pháp luật để cưỡng chế và can thiệp có kiểm soát thì tin rằng chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động. Đã đến lúc, chúng ta cần dựng lại “bức tường” pháp lý không phải để chia cách mà để giữ lại những ai còn có thể cứu. Giữ vững kỷ cương là giữ lấy sự bình yên cho từng mái ấm, từng con đường, từng góc phố…

Chuyên gia tội phạm học ĐÀO TRUNG HIẾU

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phai-dung-lai-buc-tuong-phap-ly-de-ngan-vong-xoay-tai-nghien-tai-pham-toi-409285.html