Thêm góc nhìn về chế định 'thỏa thuận nhận tội'

Pháp luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến chuyên gia về chế định thỏa thuận nhận tội trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên số báo trước, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và cải cách tư pháp thì một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc đặt vấn đề về việc nghiên cứu chế định thỏa thuận nhận tội tại Việt Nam.

Để có các góc nhìn đa chiều, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc ý kiến của chuyên gia pháp lý:

ThS LÊ DUY BẢO CHINH, Kiểm sát viên VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM:

Cân nhắc về việc luật hóa “thỏa thuận nhận tội”

Tại Việt Nam, thỏa thuận nhận tội vẫn chưa được luật hóa thành một quy định pháp luật riêng biệt trong BLHS. Thay vào đó, nội dung này được thừa nhận một phần trong nội hàm của quy định về miễn giảm TNHS quy định tại chương quyết định hình phạt, khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Theo đó, nếu người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải hoặc có hành vi tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm thì sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt khi tổng hợp hình phạt.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa đủ điều kiện để được công nhận là một “thỏa thuận” hoặc “thương lượng” vì các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, bản chất của “thỏa thuận” phải xuất phát từ ý chí và có sự đồng thuận từ các bên. Tức là có một lời đề xuất (suggestion) đưa ra, kèm theo đó là những đền bù (compensation) mà bên đề xuất mong muốn nhận được. Trong bối cảnh này, thỏa thuận nhận tội phải xuất phát từ hai chủ thể chính là “bên bị buộc tội” và “bên buộc tội”.

Trong khi đó, quy định tại điểm r, s, f khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 không phải là hình thức của một đề nghị hoặc một thỏa thuận. Người phạm tội không được quyền “thương lượng” hoặc “mặc cả” với cơ quan công tố.

Thứ hai, khác với giao dịch hoặc thỏa thuận dân sự thông thường, thỏa thuận này đặc biệt vì chính chủ thể sẽ tham gia vào thỏa thuận (bên bị buộc tội và bên buộc tội). Đồng thời, “phần thưởng đền bù” cho hành vi tự giác nhận tội của bị cáo không phải là tiền, hoặc lợi ích vật chất mà là việc được “xem xét miễn giảm, hình phạt, khung hình phạt”. Đối chiếu với quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, nội hàm của các điều luật vẫn chưa minh thị vai trò của hai bên chủ thể này dưới hình thức của một thương lượng hoặc thỏa thuận.

 ThS LÊ DUY BẢO CHINH - Kiểm sát viên VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: YC

ThS LÊ DUY BẢO CHINH - Kiểm sát viên VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: YC

Thỏa thuận nhận tội không phải là nội dung mới nhưng chưa có tiền lệ áp dụng tại quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy việc có nên luật hóa nguyên tắc này hay không vẫn là một vấn đề cần phải được cân nhắc một cách khách quan toàn diện trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Bởi lẽ, pháp luật phải bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội mới đảm bảo được an ninh, chính trị vững vàng của một quốc gia.

Xét về mặt lý thuyết cũng như thông qua nghiên cứu các hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, không thể phủ nhận những thuận lợi khi luật hóa “nguyên tắc thỏa thuận nhận tội” thành một điều luật riêng trong pháp luật hình sự. Một mặt, vận dụng nguyên tắc này có thể tiết kiệm được nhiều thời gian của người tiến hành tố tụng, giúp việc giải quyết xét xử vụ án được diễn ra nhanh chóng, nâng cao tỷ lệ giải quyết án. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả thì phải phải có cơ chế và điều kiện áp dụng được minh thị rõ ràng. Theo tôi, đây là vấn đề mà thực tiễn tại Việt Nam chưa đáp ứng được.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ta được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật. Quan hệ pháp luật hình sự phát sinh khi có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm nên việc một cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, tổ chức, cá nhân được Nhà nước bảo vệ thì tất yếu cần phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật.

Hình phạt bản chất là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước đặt ra áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của họ. Hình phạt tác động trực tiếp đến người phạm tội, không chỉ với mục đích trừng trị mà còn nhằm giáo dục, ngăn ngừa họ phạm tội mới.

Vì vậy tôi cho rằng nếu pháp luật trao quyền cho người phạm tội được thỏa thuận nhận tội để nhận mức hình phạt nhẹ hơn thì vô hình chung làm giảm tính răn đe của hình phạt. Bởi lẽ, một người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì tất yếu phải bị trừng phạt theo quy định. Mọi sự khoan hồng nếu có, chỉ nên được quy định thành các tình tiết giảm nhẹ. Thay vì luật hóa nguyên tắc này thành một quy định riêng, tôi cho rằng các nhà làm luật có thể dự liệu, bổ sung các tình tiết giảm nhẹ mới.

Đồng thời, với bản chất đặc thù của quan hệ pháp luật hình sự, không thể áp dụng đồng bộ nguyên tắc thỏa thuận nhận tội cho tất cả các tội phạm. Một số nhóm tội phạm xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích công, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân thì việc thỏa thuận nhận tội không thể được áp dụng.

Có quan điểm cho rằng, ghi nhận nguyên tắc thỏa thuận nhận tội trong văn bản quy phạm sẽ giúp giải quyết vụ án nhanh chóng, rút gọn và giảm chi phí tố tụng. Xét từ kinh nghiệm thực tiễn, hiện nay, pháp luật hình sự cũng đã có chế định riêng quy định về thủ tục tố tụng rút gọn. Do đó, nếu cho rằng luật hóa nguyên tắc thỏa thuận nhận tội sẽ đẩy nhanh thủ tục giải quyết vụ án thì vẫn chưa thực sự cần thiết và thuyết phục.

Cuối cùng, như đã đề cập, đất nước ta quản lý xã hội bằng pháp luật. Giữa pháp luật và xã hội là hai phạm trù trong mối quan hệ nhân quả không thể tách rời. Pháp luật phải bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội, không thể nhanh hơn và cũng không thể chậm hơn. Bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa phù hợp để đưa nguyên tắc thỏa thuận nhận tội vào văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, nếu áp dụng chế định thỏa thuận nhận tội mà không được giám sát chặt chẽ vô hình chung sẽ tạo điều kiện dẫn đến sự suy thoái giữa người có quyền và người phạm tội, làm cho tình hình tội phạm trở nên phức tạp hơn.

Tóm lại, để có thể đi theo định hướng luật hóa nguyên tắc này trong tương lai, Việt Nam cần có sự chuẩn bị và điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan một cách phù hợp. Cụ thể, các nhà làm luật cần dự liệu trường hợp nào được áp dụng nguyên tắc thỏa thuận nhận tội. Cần có cơ chế thực hiện nguyên tắc thỏa thuận nhận tội trong tố tụng hình sự. Thỏa thuận này được thiết lập bởi đối tượng nào và việc thỏa thuận có cần lập thành văn bản, văn bản này có được xem là chứng cứ trong vụ án không. Trong bối cảnh mô hình TTDS Việt Nam chưa hoàn chỉnh về các thủ tục áp dụng nguyên tắc thỏa thuận nhận tội, cũng như chưa có mô hình thử nghiệm thì việc đưa nguyên tắc này trở thành quy định pháp luật hiện nay là không khả thi.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai:

Cần nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp

"Thỏa thuận nhận tội" tuy mới với Việt Nam nhưng đã được áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới.

Pháp luật Hoa Kỳ quy định “thỏa thuận nhận tội” bao gồm các trao đổi giữa bên công tố và đại diện của bị buộc tội nhằm thương lượng về việc người này hành vi tự giác nhận tội của người này để có thể đổi lấy một kết quả họ cho rằng tốt hơn (có thể là được hưởng một mức án thấp hơn) nếu xét xử theo quy trình thủ tục thông thường, mà không phải trải qua thủ tục xét xử rườm rà và tốn kém.

Việc thương lượng được thực hiện thông qua một hoặc một vài buổi trình diện trên cơ sở xem xét bằng chứng buộc tội do Công tố viên đưa ra. Tòa án không can thiệp và cũng không có vai trò gì trong quá trình “thỏa thuận nhận tội”. Tuy nhiên, sau khi bản “thỏa thuận nhận tội” được thống nhất thì tòa án có quyền quyết định cuối cùng, chấp nhận hoặc không chấp nhận “thỏa thuận nhận tội” cũng như nội dung đã được thỏa thuận.

 Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai. Ảnh: YC

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai. Ảnh: YC

Tại Trung Quốc, năm 2018, Trung Quốc đưa nguyên tắc thỏa thuận nhận tội vào Luật Tố tụng hình sự và đến năm 2020, hơn 80% vụ án hình sự được giải quyết theo hình thức này. Công tố viên giữ vai trò chủ đạo trong thương lượng, có thể đề xuất giảm nhẹ hình phạt nhưng không được thay đổi cáo buộc, trong khi luật sư bào chữa có vai trò rất hạn chế.

Dù có thỏa thuận nhận tội, vụ án vẫn phải được xét xử để thẩm phán xác minh sự thật, với ba hình thức xét xử gồm: thông thường, rút gọn và khẩn cấp. Tuy nhiên, hệ thống này bị đánh giá là thiếu cân bằng và minh bạch, do quyền lực của công tố viên quá lớn, người bị buộc tội thường không được tiếp cận đầy đủ bằng chứng và ít có cơ hội kháng cáo thành công.

Khác với Mỹ và Trung Quốc, ở Nhật Bản, cơ chế “thỏa thuận hợp tác điều tra” được đưa vào hệ thống tư pháp hình sự của Nhật Bản bằng việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự có hiệu lực vào tháng 6-2018. Cơ chế này chỉ dành cho những cá nhân (hoặc pháp nhân) cung cấp bằng chứng chống lại các cá nhân hoặc pháp nhân khác (tức bên thứ ba) và chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định, chủ yếu liên quan đến tham nhũng, kinh tế, tài chính, ma túy,...

Theo đó, người bị buộc tội hợp tác với công tố viên bằng cách cung cấp thông tin hoặc bằng chứng về hành vi phạm tội của người khác, đổi lại được giảm nhẹ hoặc miễn tố. Ngoài ra, pháp luật Nhật Bản cũng quy định các biện pháp bảo vệ như bắt buộc sự tham gia của người bào chữa trong quá trình đàm phán thỏa thuận; các biện pháp trừng phạt hình sự đối với những người cung cấp bằng chứng sai lệch hoặc lạm dụng hệ thống thỏa thuận...

Nhìn từ các nước, tôi cho rằng việc nghiên cứu về chế định “thỏa thuận nhận tội” và ban hành quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp. Theo đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng về mặt lý luận, đưa ra cơ chế rõ ràng và phù hợp với thực tiễn. Ví dụ như trình tự, thủ tục và công cụ phù hợp để người phạm tội và/hoặc luật sư bào chữa có khả năng thương lượng bình đẳng với cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đảm bảo quy tắc không vi phạm các quyền cơ bản của bị can/bị cáo và duy trì niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp minh bạch, khách quan.

CHÂU YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/them-goc-nhin-ve-che-dinh-thoa-thuan-nhan-toi-post844203.html