Sữa giả - hiểm họa đối với sức khỏe người tiêu dùng

Hiện nay, các sản phẩm sữa giả chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và livestream. Điều này gây khó khăn lớn cho việc kiểm soát và xử lý của các cơ quan chức năng.

Sau khi Bộ Công an triệt phá thành công một đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và một số địa phương, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan, đề nghị tăng cường công tác phòng, chống sản phẩm sữa giả. Công văn này được gửi đến Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

PGS-TS.Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, ngày 14/4, Hiệp hội đã gửi công văn kêu gọi các bộ ngành liên quan tích cực hơn trong việc xử lý tình trạng sản xuất, tiêu thụ sữa giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.

Theo ông Trung, tình trạng này không chỉ gia tăng mà còn diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là các sản phẩm sữa dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những người có bệnh nền.

"Hiện nay, các sản phẩm sữa giả chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và livestream. Điều này gây khó khăn lớn cho việc kiểm soát và xử lý của các cơ quan chức năng", ông Trung chia sẻ.

Hiệp hội Sữa Việt Nam đặc biệt lo ngại về tác động nghiêm trọng của sữa giả đối với sức khỏe người tiêu dùng. PGS.Trần Quang Trung nhấn mạnh, sữa giả không đảm bảo chất lượng có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, cũng như sức khỏe của người già và những người mắc bệnh nền.

Việc sản xuất và tiêu thụ sữa giả không chỉ làm giảm niềm tin của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và sự phát triển bền vững của ngành sữa Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam khẳng định, việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất sữa chân chính là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, Hiệp hội kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra triệt để các đường dây sản xuất sữa giả trên toàn quốc.

Ngày 15/4, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương rà soát toàn diện các công ty có liên quan đến sản phẩm sữa giả, yêu cầu cung cấp thông tin về số lượng, tên sản phẩm, và kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Mục tiêu của động thái này là truy rõ trách nhiệm quản lý và tìm ra các lỗ hổng trong giám sát, tránh để hàng giả tiếp tục lọt vào thị trường.

Liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, công tác phối hợp giữa các bộ ngành là rất quan trọng, đặc biệt trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng như sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả.

Trong vụ việc vừa được Bộ Công an triệt phá, hai doanh nghiệp lớn là Công ty Cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty Cổ phần Dược Quốc tế Rance Pharma đã bị phát hiện sản xuất gần 600 loại sữa giả, thu lợi bất chính lên đến khoảng 500 tỷ đồng.

Những sản phẩm này được phân phối rộng rãi từ các cửa hàng bỉm sữa, siêu thị đến các cơ sở y tế, và thậm chí còn được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng truyền thông, khiến người tiêu dùng tin tưởng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy những loại sữa này chỉ đạt dưới 70% chất lượng dinh dưỡng so với quảng cáo, gây nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền.

Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng sữa giả không chỉ làm giảm hiệu quả phục hồi sức khỏe mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Trẻ em, đặc biệt là dưới 6 tuổi, dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch và tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh.

Việc tiêu thụ sữa giả có thể gây ra các vấn đề như tiêu chảy, dị ứng, nhiễm khuẩn, và thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ.

Chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng những sản phẩm này có thể chứa các hóa chất độc hại hoặc kim loại nặng, gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như gan, thận và hệ thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ nhỏ và sức khỏe của những người dùng.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu uy tín, được bán tại các cơ sở tin cậy như nhà thuốc, siêu thị lớn, và các cửa hàng có giấy phép. Ngoài ra, việc kiểm tra bao bì sản phẩm kỹ lưỡng, bao gồm tem chống giả, mã QR và thông tin sản phẩm rõ ràng, là rất quan trọng để tránh mua phải sữa giả.

Vụ việc sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa giả cho thấy sự liều lĩnh và tinh vi của các đối tượng vi phạm. Điều này đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý trong việc tăng cường hậu kiểm và giám sát thị trường, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ của sữa giả.

Việc tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn bảo vệ niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường sữa trong nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành sữa Việt Nam.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sua-gia---hiem-hoa-doi-voi-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-d268356.html