Phải giữ tinh thần chống dịch Covid-19 ở mức cao!

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan điểm đã chấp nhận không thể Zero Covid thì cả hệ thống y tế phải sẵn sàng và nâng lên một bước so với trước đây

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn vào ngày 2-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Hà Nội vẫn phải rất cảnh giác, bởi thực tế dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng trên cả nước.

Hà Nội: Sẵn sàng cho tình huống xấu hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên tắc ban đầu trong phòng chống dịch gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn. Bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần tập dượt các phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.

Về cung cấp vắc-xin, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ vắc-xin để Hà Nội tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến. Đối với học sinh, tập trung trước một bước cho những nơi có dịch rất nặng trong thời gian vừa qua, kể cả những nơi liền kề Hà Nội.

Về vấn đề cho học sinh đi học trở lại, Phó Thủ tướng cho rằng Hà Nội đã lên kế hoạch cho học sinh ở một số vùng, một số lớp đi học với một số điều kiện, cần tiếp tục đánh giá sát vấn đề này.

Tinh thần là an toàn mới đi học nhưng an toàn là kiểm soát được, bảo vệ được sức khỏe cho các học sinh, cho cộng đồng chứ an toàn không phải là không có học sinh nào nhiễm bệnh. Việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của học sinh. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn. Không thể đợi tiêm hết vắc-xin hoặc không có Covid-19 mới cho đi học. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần, cần linh hoạt, không máy móc.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm đã chấp nhận không thể "Zero Covid" thì cả hệ thống y tế phải sẵn sàng và nâng lên một bước so với trước đây. Vẫn phải xét nghiệm, khoanh vùng nhưng làm khác trước và cố gắng không để bị động, bất ngờ. Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đánh giá cấp độ dịch như đề nghị của Hà Nội. Ngoài những nguyên tắc chung áp dụng cho cả nước thì phải tính đến các yếu tố đặc thù như Hà Nội, TP HCM. Cùng với đó, xem xét nghiên cứu phác đồ điều trị để các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn vật tư, thuốc men.

Cần Thơ đã có hơn 71% dân số được tiêm vắc-xin, trong đó tỉ lệ người tiêm đủ 2 mũi là 21%Ảnh: TÂM QUÂN

Cần Thơ đã có hơn 71% dân số được tiêm vắc-xin, trong đó tỉ lệ người tiêm đủ 2 mũi là 21%Ảnh: TÂM QUÂN

Thay đổi lao động để sản xuất

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, từ ngày 27-10 đến nay, từ ổ dịch tại một công ty thủy sản ở KCN Trà Nóc II đã phát hiện gần 500 ca liên quan. Ngoài ra, 7 công ty khác thuộc KCN này cũng phát hiện nhiều ca F0. Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố, cho biết những doanh nghiệp (DN) xuất hiện ít ca bệnh thì DN tự khoanh vùng rồi thay đổi lực lượng sản xuất để tiếp tục hoạt động. Trong trường hợp DN không có công nhân để thay thế thì buộc phải đóng cửa.

Cũng theo ông Giang, hiện nay TP Cần Thơ còn đủ vắc-xin để tiêm mũi 1. Địa phương này xin phân bổ thêm vắc-xin Vero Cell để tiêm mũi 2 và Pfizer để tiêm cho trẻ em. Ðến nay, Cần Thơ được Bộ Y tế phân bổ hơn 1,9 triệu liều vắc-xin, trong đó, thực nhận hơn 1,5 triệu liều, còn 453.600 liều chưa nhận. Cần Thơ đã có hơn 71% dân số được tiêm vắc-xin, trong đó tỉ lệ người tiêm đủ 2 mũi là 21%.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành của thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện hiệu quả phương châm "5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác". Các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới cần bảo đảm toàn diện, hiệu quả, kịp thời, bám sát thực tiễn để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Sóc Trăng, trong ngày 2-11 đã ghi nhận thêm 193 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Đây là số ca mắc tương đương với những ngày trước đó.

Không "hạ mức" tinh thần chống dịch

Tỉnh ủy Kiên Giang cũng vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc phương châm phòng chống dịch theo hướng "Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiệm ngặt nhất có thể; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để sớm kết thúc cách ly, phong tỏa; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong".

Tỉnh ủy Kiên Giang cũng yêu cầu các địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng cao trong những ngày qua như TP Rạch Giá, TP Phú Quốc và các huyện Châu Thành, Hòn Đất cần phải tập trung cao nhất và áp dụng mọi biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch, giải quyết ngay số ca mắc trong ngày, nhất là trong cộng đồng. Phấn đấu trong tháng 12 tới, toàn bộ người dân tỉnh Kiên Giang được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng phục vụ phát triển kinh tế.

Còn tại Đồng Tháp, trong tuần qua, toàn tỉnh đã xét nghiệm RT-PCR 16.733 mẫu và test nhanh 30.597 mẫu, phát hiện 323 ca mắc mới. Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng tình hình dịch tại tỉnh này tuy đang được kiểm soát ổn nhưng với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch, dù ở trạng thái nào cũng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Ông Phong yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, tối ưu hóa quy trình và tăng cường lực lượng hỗ trợ công tác tiêm chủng tại các địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý việc điều chỉnh cấp độ dịch để thích ứng nhưng các địa phương tuyệt đối không "hạ mức" về tinh thần, thái độ phòng chống dịch. Nếu chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch thì sẽ phải trả giá rất đắt, trong khi tỉ lệ phủ vắc-xin của tỉnh chưa cao.

Thúc đẩy tiến độ cấp phép vắc-xin

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế trong nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị nghiên cứu nỗ lực thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế trong nước. Nhiều loại sản phẩm đã và đang được thử nghiệm lâm sàng; nhiều loại thuốc, vật tư, thiết bị trong nước chưa sản xuất được đã được các DN nhập khẩu, tài trợ phục vụ công tác chống dịch. Việc cấp phép dựa vào nhu cầu, đề xuất cơ chế bảo đảm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan: Rà soát, thúc đẩy tiến độ thực hiện việc xem xét, cấp phép theo quy định đối với hồ sơ liên quan đến vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục và tiến độ đáp ứng yêu cầu thực tế phòng chống dịch. Đồng thời xác định nhu cầu về vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác chống dịch của cả trung ương và địa phương; lập kế hoạch đầu tư, mua sắm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5-11.

B.Trân

Đà Nẵng tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ em

Ngày 2-11, ngành y tế TP Đà Nẵng đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, với 45.942 liều vắc- xin Pfizer. Đây là số vắc-xin được sử dụng đợt 2 trong tổng số 117.000 liều vắc-xin Pfizer được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phân bổ cho Đà Nẵng.

Trẻ em được tiêm trong đợt này gồm học sinh đang học lớp 10, 11, 12 tại các trường, trung tâm trực thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng và trẻ trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường dạy nghề, được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; trẻ không đi học, trẻ khuyết tật... đang cư trú trên địa bàn. Thời gian tiêm chủng triển khai từ ngày 2 đến 4-11. Riêng với đối tượng chuyển tuyến từ các đơn vị tiêm chủng sẽ được tiêm chủng vào ngày 5-11.

B.Vân

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/phai-giu-tinh-than-chong-dich-o-muc-cao-20211102213433382.htm