Phải hành động, không nói lý thuyết mãi!
Ngày 31-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Tại hội nghị, lãnh đạo địa phương ở các điểm cầu đã báo cáo sơ bộ kết quả đạt được trong năm 2019 và kiến nghị nhiều nội dung để Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ, tạo sức bật mới cho năm 2020.
Nhiều địa phương xin hỗ trợ
Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các địa phương nêu khó khăn, vướng mắc và đề xuất. Tại điểm cầu Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho biết tỉnh đã thực hiện vượt 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 7,3%. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn diễn ra ngày càng sớm và sâu là khó khăn lớn mà địa phương đang phải đối mặt.
Theo ông Trần Văn Chuyện, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn nông dân xuống giống lúa sớm nhưng xâm nhập mặn vẫn diễn biến nhanh và cần Chính phủ có giải pháp quan tâm hỗ trợ. Đặc biệt, tỉnh cần trung ương sớm bố trí vốn khẩn cấp để khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất mong Chính phủ và Bộ Công Thương sớm hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho các dự án nhiệt điện Long Phú 2, Long Phú 3.
Đang gặp khó về vốn cho dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sớm xem xét phương án điều chỉnh quy mô đầu tư, phương án hỗ trợ từ ngân sách trung ương. "Chúng tôi đã có văn bản đề nghị 2 bộ giúp tính toán, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vấn đề này, Thủ tướng cũng đã có kết luận vào ngày 13-11-2019" - ông Thưởng nói và cho biết thêm HĐND tỉnh nhất trí đầu tư 1.000 tỉ đồng để thực hiện dự án, tạo ra hiệu quả cao cho địa phương trong việc kết nối liên vùng với Quảng Ninh - Cao Bằng.
Một số dự án trọng điểm, nhất là các dự án đi qua khu vực miền Trung như cao tốc Bắc - Nam, được ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai. Theo ông Trịnh Văn Chiến, tuyến Quốc lộ 1 qua miền Trung hiện đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các tỉnh miền Trung và nhiều địa phương khác. "Chúng tôi cam kết giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, sẽ bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải, kiến nghị bộ, ngành tập trung chỉ đạo, sớm triển khai dự án này" - ông Trịnh Văn Chiến nói.
Tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh tình trạng "biết rồi, nói mãi, để đấy" ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Lấy ví dụ về chi phí logistics còn cao khiến doanh nghiệp gặp khó, Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành đã nhận ra điều này nhưng không hành động để khắc phục. "Chúng ta nói khát vọng, đổi mới sáng tạo nhưng đồng thời phải khắc phục nhanh những yếu kém, tồn tại, bất cập được nêu tại hội nghị này, không phải cứ nói lý thuyết mãi mà không hành động" - Thủ tướng lưu ý.
Nhắc lại thông điệp về phát triển kinh tế phải song song cùng bảo vệ môi trường, Thủ tướng cho biết phải mở rộng thông điệp "không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế" thành "không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế". Bởi, môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ tiếp thu 4 bài học, 5 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu tại hội nghị sáng 30-12. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. "Phải chỉ rõ điểm nào trong văn bản, chính sách còn vướng mắc, kìm hãm sự phát triển chứ không nói chung chung là thể chế pháp luật còn bất cập" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm lực nên cần tiếp tục khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tận dụng các thế mạnh của mọi lĩnh vực. Các đơn vị phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu. "Có tình trạng một số tỉnh, bộ, ngành không giữ vững kỷ cương kỷ luật, cho nên chủ trương rất nhiều nhưng việc tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần chưa được bao nhiêu, thậm chí còn kiềm chế" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.
Không để thiếu thịt heo dịp Tết
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc các bộ, ngành, địa phương không để thiếu hàng hóa, đặc biệt là thịt heo trong dịp Tết Canh Tý. Không được đẩy giá, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có Tết.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các địa phương bảo đảm an ninh, trật tự cho người dân trong dịp Tết, trong đó kiên quyết dẹp bỏ những băng cướp, ổ nhóm. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương của Ban Bí thư, của Thủ tướng là không tranh thủ dịp Tết để cấp dưới biếu quà cấp trên.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/phai-hanh-dong-khong-noi-ly-thuyet-mai-20191231212241494.htm