Phải kiên trì bồi đắp văn hóa, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng

Đó là nhấn mạnh của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, xoay quanh vấn đề về xây dựng, nâng tầm văn hóa trong Đảng, để Đảng ta xứng đáng với vị thế, sứ mệnh lãnh đạo cầm quyền đối với Nhà nước, xã hội và đáp ứng lòng mong đợi, niềm tin của các tầng lớp nhân dân.

Nền tảng văn hóa trong Đảng được phôi thai cách nay gần 100 năm

Phóng viên (PV): Ngay từ khi chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra 23 điểm trong tư cách một người cách mạng. Phải chăng tác phẩm này có chứa đựng nội dung giá trị đạo đức của người cộng sản và kết tinh văn hóa trong Đảng, thưa đồng chí?

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Trước hết, quan điểm của Lênin khi nói về xây dựng đảng cộng sản đã chỉ rõ, đảng là “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Như vậy, khi nói tới đảng cộng sản, Lênin nói tới tầm cao trí tuệ. Xét cho cùng, tầm cao trí tuệ là giá trị văn hóa.

Thấm nhuần tư tưởng của Lênin, trong quá trình chuẩn bị thành lập đảng cách mạng chân chính, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mệnh. Nhìn nhận lại 23 điểm tư cách một người cách mệnh thì nó vừa là giá trị đạo đức trong Đảng, đạo đức của người cộng sản nhưng đồng thời cũng là tầm cao của văn hóa. Một dân tộc hay một lực lượng chính trị có tầm cao văn hóa thì cũng chính là có chuẩn mực đạo đức cao đẹp. Khi nhấn mạnh chuẩn mực đạo đức tức là giá trị văn hóa của một đảng cầm quyền. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, thì “văn minh” đã hàm chứa giá trị văn hóa.

Một trong những điều tạo ra vị thế, uy tín của Đảng chính là văn hóa. Nói đến một dân tộc, một đảng chính trị thì tầm văn hóa quyết định, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, suy rộng ra thì văn hóa trong Đảng còn thì Đảng ta còn.

PV: Trong hành trình 95 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, sự kết hợp, hòa quyện giữa văn hóa dân tộc và văn hóa trong Đảng được biểu hiện như thế nào, thưa đồng chí?

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Nói khái quát lại, văn hóa trong Đảng hòa quyện trong văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc chi phối, đặt ra yêu cầu đối với văn hóa trong Đảng.

Ở mỗi thời kỳ lịch sử, giá trị văn hóa dân tộc và văn hóa trong Đảng có những yêu cầu, nội dung cụ thể. Ví dụ, trong cách mạng giải phóng dân tộc thì yêu cầu giá trị văn hóa trong Đảng cũng như trong dân tộc là khát vọng độc lập, tự do, giành lại quyền sống cho con người. Văn hóa tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, có những yêu cầu văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thì càng đòi hỏi phải có những tiêu chí, chuẩn mực văn hóa phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới. Đảng ta xác định: Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa luôn luôn gắn với con người. Khi nói đến những chuẩn mực văn hóa dân tộc luôn gắn với chuẩn mực văn hóa con người Việt Nam, đó là: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, trí tuệ, sáng tạo... Đó cũng là chuẩn mực đạo đức, chiều sâu văn hóa của người cán bộ, đảng viên.

Làm cho văn hóa thấm sâu vào trái tim, khối óc cán bộ, đảng viên

PV: Nêu gương không chỉ là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng mà còn là một yêu cầu, nguyên tắc để rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, nâng tầm văn hóa của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, những năm qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phải chăng, thực trạng đó có nguyên nhân sâu xa là cán bộ, đảng viên đã tự mình làm “đứt gãy” dòng chảy văn hóa trong trái tim, khối óc người cộng sản?

Tiết mục biểu diễn trong chương trình mừng Đảng, mừng xuân do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ảnh: CHÂU XUYÊN

Tiết mục biểu diễn trong chương trình mừng Đảng, mừng xuân do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ảnh: CHÂU XUYÊN

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi cũng nghĩ vậy. Bác Hồ từng cảnh báo rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Tiếc rằng, nhiều cán bộ, kể cả một số cán bộ cấp cao đã không thấm nhuần sâu sắc điều đó, để cho chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, chi phối, khiến cho nhân cách văn hóa của người lãnh đạo bị tha hóa, biến chất. Tôi cho rằng, cán bộ, đảng viên không nêu gương về đạo đức tức là anh để cái chất văn hóa cộng sản đang dần bị bào mòn trong tư tưởng, trách nhiệm và đó chính là con đường dẫn đến suy thoái.

PV: Theo đồng chí, để tiếp tục xây dựng, nâng tầm văn hóa trong Đảng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì?

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Từ thực tiễn, để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, Đảng ta cần chú trọng 5 điểm trong xây dựng văn hóa trong Đảng.

Trước hết, toàn Đảng phải nâng cao tầm trí tuệ. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng phải nâng cao tầm trí tuệ. Điều này không tự nhiên có, mà đòi hỏi mỗi người phải ra sức học tập để bồi đắp trí tuệ, năng lực tư duy của mình. Dù ở cấp nào cũng phải chú ý về nâng tầm tư duy: Nghĩ phải sâu, nhìn phải xa, làm phải lớn. Có được 3 điều đó trong tư duy thì tầm trí tuệ của Đảng được nâng cao; tầm mỗi cán bộ, đảng viên được nâng cao. Khi nói văn hóa trong Đảng, phải nói đến tầm cao trí tuệ, những người cộng sản phải làm chủ được công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, như vậy mới hoàn thành được trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Thứ hai, Đảng phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu. Cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới, người nắm chức vụ trong Đảng, trong hệ thống chính trị phải nêu gương với những người không nắm chức vụ; người đảng viên có nhiều tuổi đảng phải làm gương trước những đảng viên mới, từ đó mới có thể nêu gương ra toàn xã hội, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong Đảng, cán bộ, đảng viên nhìn vào những tấm gương, nhìn vào những người lãnh đạo để suy nghĩ và hành động.

Thứ ba, nói tới văn hóa trong Đảng là nói tới thanh danh của Đảng và danh dự của người cộng sản. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Phải kiên trì bảo vệ, giữ gìn, bồi đắp thanh danh của Đảng. Một Đảng dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng từ năm 1930 đến nay để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay thì thanh danh của Đảng lớn lắm! Người cán bộ, đảng viên phải biết giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng. Uy tín ngay trong Đảng, uy tín với nhân dân và bạn bè quốc tế. Gắn liền với thanh danh của Đảng là giữ gìn danh dự của mỗi người cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, xây dựng văn hóa trong Đảng là phải nói đến kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Phải tuân thủ những nguyên tắc trong Đảng, không được hành động trái, hành động trái là hành động vô văn hóa. Bác Hồ đã dạy: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm”. Quả thực, không có gì là khó cả, tự lòng mình ra cả mà thôi!

Thứ năm, xây dựng văn hóa trong Đảng, cốt yếu là cán bộ, đảng viên phải yêu thương nhau, quý trọng, ăn ở với nhau có tình, có nghĩa. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Chết còn cởi áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”, người cộng sản là thế. Cho nên ăn ở với nhau phải có tình, có nghĩa, thủy chung, son sắt. Trong Đảng cũng vậy, với nhân dân cũng vậy, đó là truyền thống “tối lửa tắt đèn có nhau”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đoàn kết, thương yêu, thân ái ở trong Đảng thì Đảng mạnh lên nhiều. Đúng như Bác Hồ căn dặn những người cộng sản phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau; hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao lại là hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin được.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DUY THÀNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/phai-kien-tri-boi-dap-van-hoa-giu-gin-uy-tin-thanh-danh-cua-dang-814108