Phải làm thật
'Năm 2020, áp dụng quy định của Luật Đầu tư công mới, Bộ KH&ĐT không còn 'giữ' đồng nào trong tay. Toàn bộ vốn đầu tư công đã đưa về các địa phương và nằm tại kho bạc', Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công. Dựa trên nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương và trên cơ sở khả năng cân đối nguồn vốn, căn cứ các tiêu chí nguyên tắc chi tiêu trong năm kế hoạch được Thủ tướng ban hành, Bộ KH&ĐT tổng hợp và đề xuất phương án phân bổ vốn đầu tư công cho Bộ GTVT, Bộ Y tế và địa phương… Sau đó, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ xin ý kiến. Khi Chính phủ đồng ý kế hoạch, Bộ KH&ĐT thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Khi Quốc hội đồng ý, kế hoạch phân bổ vốn được thông qua, Bộ KH&ĐT hoàn thành nhiệm vụ.
Theo ông Phương, các bộ ngành, địa phương đã biết số vốn cụ thể được giao trong năm 2020 và chủ động phân bổ vốn cho từng dự án cụ thể và vốn đó không được vượt số vốn đã được Quốc hội thông qua. Bộ KH&ĐT không được phép can thiệp vào việc phân bổ vốn cho từng dự án.
Phụ thuộc vai trò của Chủ tịch tỉnh
Sau khi phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT là theo dõi, giám sát. Qua báo cáo giải ngân đầu tư công của bộ ngành, địa phương, nếu đơn vị nào báo cáo chưa chuẩn, Bộ KH&ĐT phải đến kiểm tra. Số liệu giải ngân đầu tư công đã được báo cáo trên mạng nên sẽ không còn việc địa phương, bộ ngành báo cáo không đúng sự thật, báo cáo lấy thành tích. Các đơn vị giải ngân chậm, Bộ KH&ĐT sẽ hỗ trợ cùng giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Một trong những dự án đầu tư công chậm tiến độ nhiều năm chưa được giải quyết là dự án xây dựng Sân bay Long Thành. Mọi thủ tục đầu tư của dự án đã xong, tuy nhiên thực tế còn vướng tại khâu giải phóng mặt bằng. Bộ KH&ĐT đã nhiều lần cử đoàn công tác đến dự án kiểm tra.
Theo Bộ KH&ĐT, giải ngân đầu tư công phải dựa trên khối lượng đã thực hiện. Mấu chốt cuối cùng của giải ngân đầu tư công là “làm thật”. Ví dụ, dự án làm đường phải có máy móc, kỹ thuật, san lấp mặt bằng mới có khối lượng thực hiện và giải ngân được. Nếu dự án vẫn đắp chiếu thì không thể giải ngân.
“Để thúc đẩy dự án đầu tư công giải ngân nhanh vai trò của Chủ tịch UBND tỉnh rất quan trọng. Nếu ông chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đốc thúc dự án, tỷ lệ giải ngân vốn sẽ tăng nhanh”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói đồng thời cho biết, sau khi nhà thầu có khối lượng thi công thực tế, hoàn thiện thủ tục hồ sơ để Kho bạc Nhà nước rà soát và trả tiền.
Theo quy định, Kho bạc Nhà nước có tối đa 5 ngày làm việc (kể từ ngày nhận hồ sơ) để giải ngân vốn cho các dự án.
Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư có nhiều lí do, trong đó, lí do lớn nhất do con người. Công trình thi công đã có khối lượng cụ thể, cần có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát. Khi tư vấn giám sát ký vào hồ sơ, chủ đầu tư có thể ký xác nhận để giải ngân. Nếu chỉ “mắt xích” tư vấn giám sát không ký vì lí do nào đó, toàn bộ dự án đầu tư công sẽ bị “tắc”.
Thống kê trên Cổng thông tin Quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư công, 3 tháng đầu năm cho thấy chỉ có 3/126 cơ quan báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công 3 tháng đầu năm. Có tới 9 cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân ở mức 0%. Cụ thể như: Bà Rịa Vũng Tàu, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Công thương, Liên minh hợp tác xã Việt Nam…
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/phai-lam-that-1628312.tpo