Phải lựa chọn dự án thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng điều kiện, tiêu chí
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 27.10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, những dự án đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định, đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án
Thảo luận tại tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và Kiên Giang), các đại biểu nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Cho ý kiến với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành với việc ban hành Nghị quyết trên tinh thần đồng hành và cùng Chính phủ tháo gỡ những tồn tại đã thấy rõ trong thực tế, qua đó đẩy nhanh tiến độ và xử lý một phần các khó khăn về vốn hiện nay cho những công trình giao thông đường bộ đã đáp ứng đủ các nguyên tắc, tiêu chí đề ra. Phạm vi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù này là trong giới hạn nhất định, không thể coi thí điểm để sau đó tổng kết đưa ra áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Về lâu dài và cơ bản, nếu vướng văn bản pháp luật ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, nếu là Nghị định thì Chính phủ phải giải quyết, nếu qua tổng kết thấy vướng do quy định của Luật thì Quốc hội, Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan. Nhấn mạnh điều này, song Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, đến nay, Chính phủ chưa thấy báo cáo có vướng mắc trong thực hiện các đạo luật hiện hành. Các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất áp dụng thí điểm lần này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được lựa chọn.
Hiện nay, danh mục dự án được áp dụng cơ chế đặc thù là với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 (được Chính phủ trình kèm Tờ trình) đều là các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Các thông tin về dự án, tổng mức đầu tư, số vốn ngân sách Trung ương bố trí vốn cho các dự án chưa có cơ sở, chưa bảo đảm tính chính xác. Chỉ ra thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, những dự án đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định và đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Những dự án chưa đủ điều kiện cần được tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình Quốc hội, hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu được Quốc hội ủy quyền xem xét, quyết định trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Nhất trí với việc ban hành Nghị quyết, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra những chính sách có tính đột phá, khả thi cao, giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách địa phương trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng nhận thấy, Chính phủ đề xuất các chính sách thí điểm đặc thù, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.
Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm phải cụ thể, rõ ràng, thuyết phục
Chính phủ đề xuất nguyên tắc xây dựng danh mục thí điểm gồm: Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/ hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của HĐND cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm; có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể; các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, bên cạnh có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như quy định tại dự thảo Nghị quyết, thì cần bổ sung tiêu chí “có đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, nguyên tắc “có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” vốn là quy trình, thủ tục bắt buộc phải thực hiện khi xem xét một dự án đầu tư và được Luật hiện hành quy định. Tương tự, nguyên tắc “có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể” cũng được quy định trong Luật hiện hành, các cơ quan chức năng đương nhiên phải thực hiện, do đó sẽ khó giúp lựa chọn đúng dự án cần được tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, để bảo đảm các dự án được lựa chọn phải thực sự cần thiết, cấp bách và phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.
Đối với cấp công trình thuộc Trung ương quản lý, đại biểu Sùng A Lềnh nêu rõ, sau khi hoàn thành xây dựng dự án, UBND cấp tỉnh bàn giao công trình cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định hiện hành liên quan. Bởi, hiện nay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là các đơn vị trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một số đường cao tốc. Do đó, cần điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đầu tư, nâng cấp một số công trình thuộc các tuyến đường đang quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì.
Các đại biểu cũng cho rằng, việc giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản đối với đối với các dự án đi qua địa bàn hai tỉnh (dự án liên kết vùng) trong giai đoạn từ nay đến khi dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là hết sức cần thiết. Vì hiện nay, việc kết nối giao thông giữa các địa phương lân cận còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Một trong những nguyên nhân đó là các công trình giao thông này thường nằm trên địa bản của hai tỉnh và hiện chưa có các quy định pháp luật đầy đủ để điều chỉnh đối với việc đầu tư xây dựng các công trình nêu trên.
Để Nghị quyết sớm đi vào đời sống sau khi được Quốc hội thông qua, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị, Chính phủ xem xét thêm việc đối với các dự án giao thông đi qua nhiều địa phương, việc dự án sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác thì sẽ thực hiện quyết toán như thế nào? Việc kiểm soát cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong giải ngân nguồn vốn để bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… ra sao?
Cần giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn
Cho ý kiến với Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đại biểu Quốc hội tại tổ 5 tán thành với việc xem xét điều chỉnh Nghị quyết 53/2017/QH14 nhằm bảo đảm thời gian hoàn thành Dự án, tiết kiệm quỹ đất và kinh phí đầu tư.
Để việc điều chỉnh và triển khai Dự án này trong thời gian tới bảo đảm tiến độ, mục tiêu và chất lượng đầu tư, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đề nghị, cần bổ sung làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thực hiện các dự án thành phần có cấu phần xây dựng. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay Dự án thành phần số 2 về xây dựng các công trình xã hội khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An - Bình Sơ mới đạt 60%. UBND tỉnh Đồng Nai - chủ đầu tư Dự án cần khẩn trương rà soát bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện, đồng thời có giải pháp bảo đảm điều kiện sống cho người có đất bị thu hồi nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn, chứng tỏ "tiến độ của dự án còn rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc". Nguyên nhân chính là do tiến độ triển khai thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện chậm. Nêu thực tế này, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá sâu hơn về nguyên nhân tại sao tiến độ Dự án bị chậm, “đặc biệt là nguyên nhân chủ quan”; đưa ra giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn để thực hiện Dự án, để Quốc hội không phải tiếp tục xem xét “điều chỉnh thời gian, cũng như nguồn vốn thực hiện Dự án” ở các hạng mục khác trong các giai đoạn tiếp theo.