Phải luôn đề cao liêm chính học thuật

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm xét công nhận chức danh GS và PGS trong giáo dục đại học thì dư luận lại ồn ào về những ứng viên được xét duyệt qua các cấp hội đồng.

Không thể phủ nhận quy trình xét duyệt ngày càng dân chủ, minh bạch hơn khi hồ sơ ứng viên được công khai trên trang web của Hội đồng Nhà nước. Nhưng rõ ràng, vẫn còn những vấn đề cần được nhận diện và hoàn thiện hơn.

Có ý kiến cho rằng một số hội đồng cơ sở đã tắc trách trong việc thẩm định, đánh giá hồ sơ ứng viên, chối bỏ trách nhiệm và dồn trách nhiệm lên các hội đồng cấp trên. Một phần nguyên nhân do thái độ của thành viên hội đồng, song phần khác là do năng lực hạn chế của các thành viên trong việc đánh giá các công trình nghiên cứu, giảng dạy của ứng viên chuyên ngành khác. Chẳng hạn, một giáo sư ở ngành trồng trọt có lẽ không thể đánh giá hết được chất lượng của bài báo trong lĩnh vực thú y. Hội đồng cơ sở thường chỉ nghe ý kiến của thành viên hội đồng cùng chuyên ngành với ứng viên, song ý kiến này có thể khách quan mà cũng có thể không.

Hội đồng cơ sở mang tính khép kín, dễ "bảo ban" nhau, ít khi mời chuyên gia bên ngoài, lại không có cơ chế công khai nhiều hơn. Việc kiểm đếm giờ dạy, số nghiên cứu sinh bảo vệ thành công, số lượng bài báo công bố để quy ra điểm không cho thấy được chất lượng công trình công bố. Một số ứng viên đột ngột tăng số lượng các bài báo quốc tế trong thời gian ngắn ngủi, cố gắng "chạy chọt" để đủ lấp khoảng trống hồ sơ... Điều này dẫn đến hệ quả là giảm lòng tin, sự yên tâm của xã hội.

Thực tế, chúng ta chưa quy định năng lực, phẩm chất của thành viên các hội đồng xét công nhận PGS và GS một cách chi tiết. Việc này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong đánh giá, thẩm định, thiếu đi tính chuyên nghiệp và thái độ liêm chính học thuật.

Những đơn kiến nghị, tố giác chính danh và nặc danh chắc chắn sẽ không giảm sau mỗi lần chạy đua xét chức danh trong giáo dục đại học nếu mỗi người trong cuộc không tự ý thức về liêm chính học thuật, nếu còn thiếu trách nhiệm và vẫn còn văn hóa "chạy chọt" vì cái danh, cái lợi. Cần nghiêm túc xem xét để hoàn thiện các quy định xét chức danh GS, PGS nhằm bảo đảm kết quả ngày càng thực chất hơn, không nặng hình thức mà thiếu đi mặt chất lượng cũng như thiếu đi các giá trị học thuật khác.

Việc một số chuyên gia cho rằng nên để việc xác định chức danh PGS và GS cho các cơ sở giáo dục đại học cũng là một ý kiến nên nghiên cứu, xem xét để tiệm cận với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, phải chú ý đến bối cảnh, trình độ phát triển văn hóa học thuật ở giáo dục đại học Việt Nam cũng như những điều kiện, cơ chế để cơ sở giáo dục đại học tự chủ công việc này.

Theo quan điểm cá nhân tôi, bây giờ chưa phải lúc xóa bỏ vai trò của Hội đồng Nhà nước, chuyển từ "cực hữu" sang "cực tả" trong khi hệ lụy chưa thể lường hết. Một khi sinh ra các PGS và GS "dỏm" thì tất ra đời những cử nhân, tiến sĩ dỏm. Đến khi dư luận biết thì đã quá muộn, không thể sửa chữa được nữa!

HOÀNG NGỌC VINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/phai-luon-de-cao-liem-chinh-hoc-thuat-20231019223451594.htm